Lợi thế quỹ đất sạch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm, nhất là tại khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, doanh nghiệp nào nắm giữ sẽ có lợi thế lớn.
Quỹ đất sạch tại những đô thị cấp I như Hà Nội, TP.HCM… rất khan hiếm. Ảnh: Dũng Minh Quỹ đất sạch tại những đô thị cấp I như Hà Nội, TP.HCM… rất khan hiếm. Ảnh: Dũng Minh

Tích cực mở rộng quỹ đất

Trong giai đoạn 2024-2025, Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) lên kế hoạch tìm kiếm 100-200 ha đất có pháp lý tốt để thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch M&A các dự án đáp ứng nhu cầu ở thực, pháp lý rõ ràng, có thể triển khai nhanh, tập trung tại khu vực có mức độ đô thị hóa cao.

Tại Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR), Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ cho hay, chiến lược của Công ty là tiếp tục đầu tư và mở rộng quỹ đất, phát triển dự án tại các địa bàn giàu tiềm năng.

Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản dân dụng, Phát Đạt sẽ tập trung tìm kiếm quỹ đất để phát triển các sản phẩm cao cấp tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đồng thời, Công ty sẽ phát triển các khu đô thị kiểu mẫu tại các đô thị cấp 2 như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Đồng Nai. Ngoài ra, Phát Đạt còn đầu tư vào mô hình bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu vực có tiềm năng du lịch như Phú Quốc, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Phát Đạt tiếp tục sử dụng nguồn lực trong và ngoài nước để mở rộng quỹ đất và phân khúc nhà ở xã hội đi kèm, tập trung tại các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…

Một “ông lớn” khác là Tập đoàn Hưng Thịnh đang sở hữu quỹ đất lên tới 4.500 ha, phân bố ở nhiều địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Đại diện Hưng Thịnh cho biết, với quỹ đất lớn, doanh nghiệp này có thể đảm bảo phát triển dự án trong 10 năm tới. Dẫu vậy, Hưng Thịnh vẫn sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất khi có cơ hội nhằm đón đầu sự phát triển hạ tầng tại các địa phương.

Trong khi đó, các tập đoàn đa ngành như Sao Mai, Damsan, PC1… cũng không giấu tham vọng phát triển mạnh mảng bất động sản thông qua các kế hoạch thu gom quỹ đất.

Đơn cử, trong năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã PC1) đã triển khai các thủ tục pháp lý đầu tư dự án Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng mở rộng, với diện tích phần mở rộng là 200 ha.

Cũng tại đây, cuối tháng 3/2023, PC1 đã góp 19,8 tỷ đồng thành lập công ty con là Công ty cổ phần Khu công nghiệp quốc tế Hải Phòng với tỷ lệ sở hữu 99% vốn điều lệ. Ngành nghề chính của công ty con này là kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, PC1 còn đầu tư vốn tại Công ty cổ phần Western Pacific, qua đó phát triển dự án đầu tiên là Khu công nghiệp Yên Phong 2A, hiện đang trong giai đoạn thi công hạ tầng. Các dự án khu công nghiệp khác tại Bắc Giang, Hà Nam… đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Phát triển khu công nghiệp cần quỹ đất lớn. Ảnh: Dũng Minh

Phát triển khu công nghiệp cần quỹ đất lớn. Ảnh: Dũng Minh

Bên cạnh bất động sản khu công nghiệp, PC1 còn đầu tư phát triển mảng bất động sản dân dụng với một số dự án như PC1 Định Công, PC1 Gia Lâm…, song song với nghiên cứu một số dự án khác tại Hà Nội.

Tương tự là Damsan - doanh nghiệp xuất phát điểm là sản xuất sợi, đang chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản, bao gồm bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp. Trong năm 2023, Damsan phát triển quỹ đất công nghiệp từ 50 ha lên 200 ha, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 600 ha, không chỉ tại Thái Bình mà còn ở các địa phương lân cận.

Hiện tại, Damsan đang đầu tư Cụm công nghiệp An Ninh mở rộng 25 ha, Cụm công nghiệp Vũ Ninh mở rộng 34 ha và Cụm công nghiệp Linh An 75ha. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tham gia dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP. Thái Bình đi Cầu Nghìn (hơn 21 km, tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng).

Tự tin tiến bước

Nắm trong tay quỹ đất hơn 680 ha tại nhiều địa phương, Tập đoàn Nam Long (mã NLG) là một trong những doanh nghiệp địa ốc phía Nam đang có những chuyển động mạnh mẽ thích ứng với sự biến đổi của thị trường địa ốc. Đây cũng là doanh nghiệp liên tục đưa sản phẩm ra thị trường từ cuối năm 2022 đến nay.

Hiện tại, Nam Long đã sẵn sàng cung cấp sản phẩm ở đa dạng phân khúc và loại hình như: Hơn 500 căn hộ EHome Southgate (Long An) giá từ 1 tỷ đồng/căn; 1.602 căn hộ EHomeS tại dự án Nam Long Central Lake (Cần Thơ) giá từ 600 triệu đồng/căn; các sản phẩm condominium Flora tại dự án Akari City, Mizuki Park (TP.HCM) giá bán từ 3 tỷ đồng/căn…

Dự kiến, trong giai đoạn tới, Nam Long sẽ tiếp tục đưa ra thị trường hàng nghìn sản phẩm nhà ở giá hợp lý dành cho khách hàng có nhu cầu ở thực tại TP.HCM và các địa phương lân cận như Long An, Đồng Nai, Cần Thơ…

Trước đó, vào đầu tháng 10/2023, Phát Đạt công bố quyết định của UBND tỉnh Bình Định về việc giao đất, cho thuê đất (đợt 1) để thực hiện dự án Khu dân cư Bắc Hà Thanh tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Dự án có quy mô 43,16 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.343 tỷ đồng, bao gồm các sản phẩm nhà phố, đất nền, shophouse…

Trong khi đó, Phú Đông Group - doanh nghiệp chuyên phát triển dòng sản phẩm căn hộ vừa túi tiền, đã triển khai dự án căn hộ mới là Phú Đông SkyOne tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương với quy mô hơn 700 căn, giá dự kiến khoảng 1,5 tỷ đồng/căn.

Tập đoàn Bcons cũng đã chuẩn bị sẵn quỹ đất với tổng diện tích 35 ha để triển khai các dự án từ nay đến năm 2030. Trong đó, 2/3 số dự án tập trung tại Bình Dương, còn lại ở Lâm Đồng và TP.HCM.

Chia sẻ thêm về kế hoạch trong thời gian tới, ông Lê Như Thạch - Chủ tịch Hội đồng quản trị Bcons cho hay, Tập đoàn đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào tháng 4/2024, với tổng vốn điều lệ hơn 4.235 tỷ đồng, trong đó phần vốn công ty mẹ là 1.350 tỷ đồng. Song song đó, Bcons dự kiến phát hành 20 triệu cổ phần, giá mục tiêu hơn 47.000 đồng/cổ phiếu.

“Để có nguồn vốn phục vụ cho việc đầu tư, phát triển dự án, huy động qua sàn chứng khoán là một kênh hiệu quả. Kế hoạch này Bcons đã đặt ra từ lâu và để triển khai thì cần nguồn tài chính lớn, nguồn vốn nội tại sẽ không đủ nên phải huy động thêm từ bên ngoài”, ông Thạch nói.

Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng giám đốc Đông Tây Land cho biết, năm 2022 và 2023 ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp bất động sản rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp còn trụ lại cũng như các doanh nghiệp mới gia nhập ngành.

“Qua mỗi chu kỳ kinh tế đều có hiện tượng ‘sóng sau đè sóng trước’. Theo đó, sẽ có một loạt thương hiệu cũ sa sút hoặc rời bỏ thị trường và lại sẽ có một loạt thương hiệu mới nổi lên, tạo lập vị thế trong chu kỳ phát triển mới. Tính tới thời điểm này, doanh nghiệp có nền tảng tốt sẽ vượt lên và bứt phá mạnh mẽ”, ông Bình nhìn nhận.

Hải Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục