Lasuco nỗ lực thoát bóng đêm

(ĐTCK) Mở rộng cơ cấu sản phẩm, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã chứng khoán LSS) đang kỳ vọng có thể thoát khỏi những tháng ngày đen tối.

Vật vã ngành truyền thống

Vùng nguyên liệu co lại, nhiều hộ đang chuyển đổi sang trồng giống cây khác cho hiệu quả kinh tế cao đang là bức tranh chung của ngành mía đường. Lasuco cũng gặp phải tình trạng này.

Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa từng trồng tới 3.000 ha mía nguyên liệu ở 27 xã, thị trấn, nhưng giờ đây, vùng nguyên liệu của Lasuco được quy hoạch tập trung chủ yếu ở 12 xã vùng đồi xung quanh Nhà máy, với diện tích 2.027 ha. Trong đó, có gần 700 ha mía của Công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn - Sao Vàng.

Đầu vào đã vậy, ở đầu ra, Lasuco chịu hai thách thức lớn. Thứ nhất, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, sản phẩm đường từ các nước trong khu vực ASEAN vào Việt Nam với thuế 0 - 5% tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, trong đó có Lasuco. Thứ hai, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước chậm lại khi dịch Covid-19 diễn ra.

Nhiều yếu tố bất lợi khiến ngành đường gặp khó khăn hơn bao giờ hết.

Giá đường trên thị trường vẫn ở mức thấp, làm cho giá mía nguyên liệu giảm, ảnh hưởng đến việc duy trì thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy trong nước. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, dừng sản xuất vì không đủ khả năng thanh toán tiền mía, kinh doanh liên tục thua lỗ.

Với Lasuco, trong niên vụ 2019 - 2020 (từ 1/7/2019 - 30/6/2020), sản lượng mía nguyên liệu thu mua về chỉ đạt hơn 431.000 tấn, đạt 61,7% kế hoạch và bằng 62,83% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng lượng đường sản xuất được hơn 50.120 tấn, chỉ bằng 48,4% so với kế hoạch năm và bằng 66,7% so với cùng kỳ. Giá đường bình quân cả niên độ là 12.636 đồng/kg.

Niên độ vừa qua, Công ty chỉ ghi nhận 1.695 tỷ đồng doanh thu và 25,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với mục tiêu 2.362 tỷ đồng doanh thu và 106 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Công ty chỉ thực hiện được 71,7% kế hoạch doanh thu và 23,8% kế hoạch lợi nhuận.

Chuyển đổi ngành nghề, Lasuco mong tìm lối ra

Từng có nhiều năm liền thuộc nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận tốt trên thị trường chứng khoán. Nhưng những năm gần đây, khó khăn khách quan của thị trường đã khiến hiệu quả kinh doanh của Công ty đi xuống mạnh.

Từ niên độ tài chính này, Lasuco sẽ kinh doanh thêm lúa gạo, sữa gạo, nước uống bổ dưỡng - dinh dưỡng tế bào mía

Lasuco đang chuẩn bị Đại hội đồng cổ đông vào ngày 18/11 tới với kế hoạch chi tiết về việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh, thay vì chỉ khai thác mía đường với mục tiêu lợi nhuận cao gấp 8,7 lần mức thực hiện của niên vụ trước.

Niên độ 2020 - 2021, Lasuco dự báo tiếp tục là một năm nhiều thách thức đối với ngành mía đường. Người nông dân ít mặn mà với trồng mía, việc phát triển vùng nguyên liệu trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, diễn biến thời tiết thất thường cũng đang ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mía.

Để cải thiện vùng nguyên liệu, lãnh đạo Lasuco cho biết, Công ty đã ký kết hợp đồng 3 năm với người dân, bảo đảm thu mua và hỗ trợ các chính sách về giống, phân bón. Công ty cam kết giá thu mua mía nguyên liệu cho người dân là 1 triệu đồng/tấn. Cộng với chi phí vận chuyển, chi phí nhân sự phát triển vùng nguyên liệu, giá mía nguyên liệu đưa vào nhà máy là 1,1 triệu/tấn.

Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu niên vụ tới thu mua được tối thiểu 400.000 tấn mía nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Thị trường trong nước là thị trường trọng yếu của Lasuco, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh khiến sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngọt, bánh kẹo sụt giảm, nhu cầu nhập đường nguyên liệu sụt giảm. Lasuco có xuất khẩu nhưng không nhiều và thị trường xuất khẩu thời gian qua cũng điêu đứng vì dịch bệnh. Hai thị trường chính mà Công ty xuất đi là Singapore và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn.

Trước đó, ông Lê Văn Tân, Tổng giám đốc Lasuco từng chia sẻ, có thời điểm, các loại đường tồn kho gần 40.000 tấn, chiếm hơn 80% sản lượng sản xuất. Dòng tiền cạn kiệt, tổng nợ vay ngân hàng và các nhà cung cấp lên tới 445 tỷ đồng.

Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm đang là hướng đi Lasuco đặt ra nhằm thoát ra khỏi vũng lầy khó khăn. Theo đó, từ niên độ tài chính này, Công ty sẽ kinh doanh thêm lúa gạo, sữa gạo, nước uống bổ dưỡng - dinh dưỡng tế bào mía.

Niên vụ 2020 - 2021, Lasuco đặt kế hoạch doanh thu 4.003 tỷ đồng, lợi nhuận 219,8 tỷ đồng, chia cổ tức dự kiến 10%. Trong đó, mảng mía đường dự kiến đạt doanh thu 2.496 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 81,8 tỷ đồng. Ba mảng sản phẩm mới dự kiến đóng góp khoảng 1.500 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, mảng lúa gạo đặt chỉ tiêu cho doanh thu 600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng. Dự án sữa gạo đóng góp gần 359 tỷ đồng, lợi nhuận 25,3 tỷ đồng và ngành sản xuất nước tế bào mía dinh dưỡng đóng hộp mang về 460 tỷ đồng, lợi nhuận 60,6 tỷ đồng.

Những ngành nghề kinh doanh mới mà Lasuco đang mở ra dự kiến có biên lợi nhuận tốt hơn. Nếu như mảng mía đường đang có biên lợi nhuận là 3,2% thì ước tính biên lợi nhuận mảng lúa gạo là 6,75; biên lợi nhuận mảng sữa gạo là 7% và nước tế bào mía đóng hộp có biên lợi nhuận cao nhất, đạt 13,1%.

Với kế hoạch này, Lasuco tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận niên độ 2020 - 2021 cao gấp 8,7 lần so với thực hiện của niên độ trước.

Quý I niên độ 2020 - 2021 (từ 1/7 - 30/9/2020), Công ty ghi nhận doanh thu 150 tỷ đồng, giảm 47% so cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 1,6 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy, mảng sản xuất – kinh doanh đường của Lasuco còn chịu nhiều thách thức.

Nhìn sang các doanh nghiệp mía đường khác, có thể thấy, những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt, đứng vững trước khó khăn của thị trường những năm qua phải tối ưu hóa được chuỗi giá trị ngành đường (đầu tư từ vùng nguyên liệu, chế biến đường, các chế phẩm khác từ rỉ mật, nhà máy điện sinh khối), cơ cấu sản phẩm đường đa dạng, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng như Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Thành Công. Hoặc doanh nghiệp phải có thêm những ngành hàng bổ trợ, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi với mảng sản xuất sữa đậu nành, bánh kẹo…

Ngoài ra, theo lãnh đạo Lasuco, tới đây, Công ty không chỉ bán sản phẩm đường do mình sản xuất, mà còn kinh doanh đường thương mại, nhập đường về bán để gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Nhà máy chế biến gạo của Lasuco đã đi vào vận hành từ tháng 10 vừa qua. Thế hệ lãnh đạo kế cận “lão tướng” Lê Văn Tam tràn đầy khát vọng, nhưng trong bối cảnh thị trường dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, những chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận Lasuco đặt ra dường như quá tham vọng!

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục