Lập lại trật tự thị trường dược phẩm - Kỳ I: Giá thuốc “nhảy múa”, bệnh nhân “đột quỵ”!

Mỗi nơi, mỗi giá, nhưng nhìn chung, giá nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc biệt dược cao ngất ngưởng so với thu nhập của cả những người trung lưu đang là vấn đề nhức nhối. 
Lập lại trật tự thị trường dược phẩm - Kỳ I: Giá thuốc “nhảy múa”, bệnh nhân “đột quỵ”!

Bốn mức giá khác nhau cho cùng một loại thuốc!

Avastin là một loại biệt dược được dùng khá nhiều trong điều trị ung thư vú, điều trị ung thư phổi, đại trực tràng, thận, não, buồng trứng tại Việt Nam.

Trong tổng hợp danh mục thuốc nhập khẩu kê khai giá thuốc tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tính đến ngày 28/2/2017, do CTCP Dược Phẩm Vimedimex 2 kê khai thì cùng loại thuốc Avastin (hoạt chất Bevacizumab, có cùng hàm lượng 100mg/4ml), mức giá chênh lệch rất lớn.

"Với giá thuốc đặc trị đắt đỏ như vậy, ngay cả với gia đình tương đối có điều kiện cũng sẽ kiệt quệ tài sản, chứ chưa nói gì đến người dân nghèo không tài sản, không bảo hiểm"

- Chị Nguyễn Thị Bé (Đồng Nai), người nhà một bệnh nhân ung thư

Cụ thể, một lọ Avastin 100mg/4ml, cùng số đăng ký VN1-131-09 của nhà sản xuất F.Hoffmann-La Roche Ltd, nhưng doanh nghiệp nhập khẩu Vimedimex 2 lại kê khai 2  loại giá lần lượt là: 7.762.545 đồng và 7.173.810 đồng. Trong khi đó, cùng hàm lượng 100mg/4ml Avastin của nhà sản xuất Roche, giá lại 8.285.865 đồng và 7.762.545 đồng/lọ. Tức là, cùng một loại thuốc hoạt chất giống nhau, 1 hàm lượng thuốc có tới…4 giá khác nhau, chênh lệch đến hơn 1 triệu đồng/lọ (Mục 108 đến 111 - Ảnh chụp bảng kèm theo). Điều này khiến người tiêu dùng khó hiểu và không thể tự lý giải.

“Rổ giá” biệt dược bán trên thị trường hiện trong tình trạng…loạn giá. Đặc biệt, tình trạng giá biệt dược chữa ung thư “nhảy múa” đang ở nhiều nơi.

Chẳng hạn, thuốc Herceptin IV 440mg vial tại Nhà thuốc Tây (1119 - Cách Mạng Tháng 8, Phường 7, Quận Tân Bình, TP.HCM) có giá bán 46,597 triệu đồng/lọ, nhưng tại Nhà thuốc Tiện Lợi (271 - Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, TP. HCM), giá thuốc cùng loại niêm yết là 49 triệu đồng/lọ. Cũng loại thuốc này, khi báo giá tại Bộ Y tế, giá 1 lọ Herceptin loại 440mg của Roche có giá là 45.596.775 đồng. Như vậy, cùng một loại thuốc, không chỉ mỗi nơi một giá mà còn chênh nhau tới hơn 3,4 triệu đồng/lọ.

Lập lại trật tự thị trường dược phẩm - Kỳ I: Giá thuốc “nhảy múa”, bệnh nhân “đột quỵ”! ảnh 1 

Hay như thuốc tiêu sợi huyết ở bệnh nhân đột qụy não có tên là Metalyse Inj. 50mg/10ml của Hãng Boehringer Ingelheim báo giá với Bộ Y tế là 25.748.100 đồng, nhưng trên thị trường được bán với giá cao hơn và chênh lệch 1-2 triệu đồng/lọ (tùy cửa hàng).

Không chỉ “loạn giá”, sản phẩm biệt dược còn bị nâng giá một cách khó hiểu.

Cuối năm 2016, Lipiodol - loại thuốc chủ lực dùng điều trị cho bệnh nhân ung thư gan ở nhiều bệnh viện tại Việt Nam, bị báo là…hết hàng. Trước đó, năm 2013, loại thuốc này có giá 1,5 triệu đồng/ông và do nhà cung cấp thông báo “hết thuốc”, nên có bệnh nhân đã phải mua sản phẩm với mức giá trên 2 triệu đồng/ống.

Cuối năm 2014, giá thuốc Lipiodol được nhà phân phối là Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 thông báo tăng lên gần 2,6 triệu đồng/ống. Đến ngày 23/12/2015, thuốc Lipiodol được Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Hoàng Đức báo giá mới gần 2,9 triệu đồng.

Thực trạng giá thuốc nói chung và giá biệt dược như vậy, nhưng trả lời câu hỏi của báo giới “giá thuốc năm 2016 có gì biến động so với những năm trước?”, Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn khẳng định: “So với những năm trước, về cơ bản thị trường dược phẩm vẫn được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh của nhân dân”.

Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến, trong thời gian vừa qua, triển khai các quy định của Luật Dược, Liên bộ Y tế - Tài chính - Công thương đã tích cực triển khai quản lý chặt thị trường thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế tập trung quản lý giá thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập với cơ chế đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, giúp tiết giảm chi phí tại cơ sở y tế và giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện được quản lý thông qua thặng số bán lẻ.

Đối với giá thuốc lưu hành trên thị trường được giám sát chặt chẽ thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai giá từ khâu đăng ký lưu hành, nhập khẩu và đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện. 

Giá thuốc cao đè nặng lên vai dân nghèo

Tình trạng loạn giá không chỉ diễn ra với biệt dược mà còn xảy ra với nhiều loại thuốc khác. Điều dễ nhận thấy là giá thuốc kê đơn ở nhà thuốc bệnh viện mỗi nơi một giá. Nguyên do là giá trúng thầu của mỗi bệnh viện khác nhau. Ngoài ra, giá nhà thuốc bán lẻ khác nhau là do mạng lưới phân phối có chi phí, giá nhập thuốc khác nhau. Nhưng cuối cùng, người chịu thiệt vẫn là bệnh nhân.

Nếu không sớm có giải pháp căn cơ, sẽ có thêm nhiều bệnh nhân “đột quỵ” vì giá thuốc và nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ xuất hiện trong tương lai không xa

Lão nông Trần Văn Vẻ (72 tuổi, ở huyện Cái Lậy, tỉnh Tiền Giang) nhập viện cấp cứu tại TP.HCM trong tình trạng suy sụp sức khỏe, hay ngất không rõ nguyên nhân. Làm tổng thể xét nghiệm, bệnh viện phát hiện ung thư bạch cầu giai đoạn cuối.

Để điều trị bệnh của ông, phương pháp chữa trị lâu dài sẽ phải sử dụng thuốc đặc trị Glivec điều trị ung thư máu của Hãng Novartis Pharma. Nhưng oái oăm là thuốc này có giá rất cao, với tổng chi phí điều trị Glivec là 48,5 triệu đồng/tháng, hơn 500 triệu đồng/năm trong khi thuốc này chỉ được bảo hiểm y tế thanh toán 50%. “Nếu điều trị theo phác đồ trên thì dù tôi có bán hết cả nhà cửa, ruộng vườn cũng không đủ chi phí thuốc men. Chắc chờ chết thôi chú à!”, ông Vẻ buồn rầu nói.

Chị Nguyễn Thị Bé (40 tuổi, ở Định Quán, Đồng Nai), người có bố đang chữa bệnh ung thư phổi và cũng là người cung cấp thông tin về tình trạng thuốc Avastin “loạn giá” nêu trên cho phóng viê nBáo Đầu tư cũng cho biết, chi phí điều trị ung thư phổi của cha mình bằng thuốc Avastin hết khoảng 150-200 triệu đồng/năm.

“Với giá thuốc đặc trị đắt đỏ như vậy, ngay cả với gia đình tương đối có điều kiện cũng sẽ kiệt quệ tài sản, chứ chưa nói gì đến người dân nghèo không tài sản, không bảo hiểm”, chị Bé cho biết.

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), chi phí điều trị bệnh ung thư rất lớn. Chẳng hạn, khi điều trị bằng thuốc Glivec, người bệnh phải trả 500 triệu đồng/năm; thuốc Erlotinib là 40 triệu đồng/tháng, thuốc Sorafenib 118 triệu đồng/tháng, Tasigna gần 85 triệu đồng/tháng, thuốc Cimaher từ 122 - 245 triệu đồng/năm; thuốc Simulect từ 28 - 57 triệu đồng/năm, thuốc Decitabin chi phí khoảng 300 triệu đồng /năm, Cetuximad chi phí 86 - 101 triệu đồng/tháng…

Điều đáng nói là giá biệt dược tại Việt Nam đang tương đương, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Trong khi thu nhập bình quân đầu người mới đạt trên 2.200 USD/năm, thì khi mắc bệnh hiểm nghèo, thu nhập cả năm của họ sẽ không đủ chi trả cho…1 liều biệt dược. Do vậy, phần lớn người bị bệnh đều trông chờ vào bảo hiểm, trong khi bảo hiểm y tế hiện mới chi trả 50-80% cho những trường hợp này. Phần còn lại, lên tới hàng trăm triệu đồng, đều do người bệnh tự xoay xở.

Chính vì vậy, không chỉ dân nghèo, người có thu nhập khá, thậm chí cả tầng lợp trung lưu cũng “đột quỵ” khi chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2016, Bảo hiểm Y tế thanh toán 70.000 tỷ đồng bảo hiểm, trong đó chi phí tiền thuốc chiếm khoảng 50%. Trong số này, chi phí thuốc điều trị ung thư chiếm 10-19% tổng chi phí khám, chữa bệnh (khoảng 10.000 tỷ đồng) và đang trong chiều hướng gia tăng.

Như vậy, có thể thấy rằng, gánh nặng giá thuốc nói chung và biệt dược nói riêng đang đè nặng vai bệnh nhân và bảo hiểm y tế. Nếu không sớm có giải pháp căn cơ, sẽ có thêm nhiều bệnh nhân “đột quỵ” vì giá thuốc và nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ xuất hiện trong tương lai không xa.

(Còn tiếp)

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục