Thực tế, các doanh nghiệp dược đầu ngành như DHG, DMC, IMP, TRA luôn thu hút sự quan tâm của khối ngoại. Các doanh nghiệp này đã cắm rễ sâu ở thị trường nội địa, với kênh phân phối phủ khắp toàn quốc - một yếu tố đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong ngành, bởi thông qua hệ thống phân phối này, họ có thể nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam.
Chuyên viên phân tích tại một số công ty chứng khoán nhận định, nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp nhiều doanh nghiệp ngành dược có thêm cổ đông lớn, đối tác chiến lược mới. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội hợp tác mở rộng danh mục sản phẩm cũng như thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực sản xuất và quản lý, cải tiến trình độ công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng…
Trường hợp doanh nghiệp không nới room hoặc đã kín room, các tập đoàn dược phẩm nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua mua lại cổ phần của một công ty dược trong nước, họ có thể thực hiện bằng cách chào mua từ các cổ đông nước ngoài với giá cao. Chẳng hạn, tháng 6/2016, Tập đoàn dược phẩm Taisho của Nhật Bản đã mua 24,4% cổ phần của DHG từ các cổ đông nước ngoài.
Nhưng tăng giới hạn sở hữu nước ngoài có thể khiến các doanh nghiệp dược trong nước bị thâu tóm hoặc thao túng bởi bên nước ngoài. Đối với 4 công ty sản xuất dược niêm yết lớn nhất (tính theo quy mô doanh số), khả năng này ít xảy ra vì tỷ lệ sở hữu nhà nước đang ở mức cao. Hiện tại, cổ phiếu DHG, TRA và DMC vẫn thuộc danh sách đầu tư và nắm giữ dài hạn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Với IMP, Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) chưa có kế hoạch thoái vốn.
Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, nới room là một trong những bước để tiến tới tự do hóa tài chính, đây là xu thế toàn cầu. Các doanh nghiệp lấy lý do thâu tóm, mất thương hiệu Việt để trì hoãn việc nới room là không thuyết phục. Điểm cốt yếu cần nhìn nhận chính là việc thu hút vốn ngoại thông qua nới room mang lại nhiều lợi ích. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn, nâng cao quản trị, áp dụng được các kỹ thuật, công nghệ hiện đại.
Đích đến cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn, với giá cả hợp lý. Các nhà đầu tư nước ngoài nếu thực hiện đúng theo quy định pháp luật Việt Nam thì họ cũng đã đóng góp được về mặt tạo thêm việc làm, đóng góp vào GDP, tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước.
“Không nên lẫn lộn giữa mục tiêu và phương tiện. Nếu tôi là nhà làm chính sách, mục tiêu đặt ra sẽ là tăng trưởng, việc làm, cạnh tranh, còn năng lực quản trị là câu chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp cần tự giải quyết”, GS.TS Trần Ngọc Thơ nói và cho rằng, các doanh nghiệp cần luôn đặt mình trong bối cảnh cạnh tranh, đặt ra tầm nhìn dài hạn 5 - 10 năm. Trong thời gian còn được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ thì cần làm gì để xây dựng, củng cố lợi thế và chủ động xây dựng chiến lược phát triển trong bối cảnh mở cửa thị trường ngày hôm nay. Đến thời điểm này, nếu doanh nghiệp còn chưa chủ động thì có lẽ họ đang quá chủ quan, sức ỳ lớn và đã quen với sự bảo hộ của Nhà nước.
Tuy nhiên, GS.TS Trần Ngọc Thơ cảnh báo nguy cơ các khoản đầu tư nước ngoài “núp bóng”, không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu chính trị. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có sở hữu nhà nước lớn cần cẩn trọng, nhưng có thể hạn chế nguy cơ này bằng các biện pháp kỹ thuật. Kinh nghiệm tại nhiều nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, Úc… cho thấy, các nước này tiến hành tự do hóa tài chính một cách triệt để, nhưng vẫn có cách để ngăn không cho nhà đầu tư Trung Quốc tham gia các dự án năng lượng tại Anh; khai thác mỏ tại Úc và mua bán - sáp nhập ở châu Âu.
Các nước này chỉ chấp nhận nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với điều kiện không có sở hữu chi phối của nhà nước. Trường hợp không điều tra được nhà đầu tư đến từ nước nào là câu chuyện năng lực quản lý của chính phủ; không thể lấy năng lực quản lý, năng lực thực thi để áp đặt chính sách.