Những kế hoạch triệu đô
Hồi giữa năm 2008, một tập đoàn lớn vốn nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh bắt đầu tuyển nhân sự cấp cao, mục đích là phục vụ cho dự án thành lập một công ty bảo hiểm nhân thọ trực thuộc. Đương nhiên, công ty lớn phải tuyển nhân sự theo kiểu "lớn". Những người được mời về đều đang là lãnh đạo tại những công ty bảo hiểm hàng đầu, tất nhiên thu hút lãnh đạo của DN khác thì phải trả lương theo kiểu "săn đầu người".
Tính toán sơ bộ, mỗi ngày để vận hành bộ máy thường được gọi là "Ban trù bị thành lập", ông chủ DN này tốn tới cả chục ngàn USD, xin nhấn mạnh đó chỉ là một ngày. Ròng rã nhiều tháng trời, qua nhiều lần xin phép mà vẫn chưa đủ điều kiện, kế hoạch phá sản. Mỗi nhân sự cấp cao được "lót tay" vài ba tháng lương, tạm gọi là để đền bù cho việc "bỗng dưng thất nghiệp". Số tiền đã chi ra được tạm tính theo đơn vị triệu USD.
Tập đoàn này có cả một kế hoạch lớn xâm nhập vào lĩnh vực tài chính, không chỉ mở bảo hiểm mà còn xin thành lập cả ngân hàng. Trước sự thay đổi của thị trường, họ đã phải dừng các kế hoạch lập các định chế tài chính lại, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Mất rất nhiều tiền, nhưng không nhà đầu tư nào "chê bai" họ, một quyết định dũng cảm để tránh "sa lầy".
Câu chuyện thứ hai về một đại gia khác, "nhảy vào" lĩnh vực tài chính vài năm trước và khá thành công với một phần vốn không nhỏ tại một ngân hàng, ngân hàng này lập thêm một CTCK thành viên, kết quả kinh doanh theo báo cáo đều không tệ. Cũng trong năm 2008, ông có kế hoạch xin phép thành lập thêm một công ty bảo hiểm nhân thọ.
Trong kinh doanh tài chính, để được coi là một tập đoàn tài chính thì định chế tài chính đó phải có hai trụ cột chính là ngân hàng và bảo hiểm, bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh khác như quản lý tài sản, chứng khoán, quỹ đầu tư… Các ngân hàng lớn hiện nay, đều đã có hoặc đang theo đuổi kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm hoặc ngược lại.
Tuy nhiên, cái may của đại gia này ở chỗ, chỉ sau một tuần tìm hiểu, các thủ tục khắt khe để thành lập một DN bảo hiểm đã khiến ông "nghĩ lại". Thế là tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Lại nói chuyện ông chủ một CTCK khác. Ngay từ đầu năm 2008, ông này đã nộp đơn xin thành lập một công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Nhiều vị trí được tuyển vào thời điểm đó trước mắt là để làm cho CTCK, nhưng dài hơi hơn là dành cho công ty bảo hiểm. Thế rồi tới nay, kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm đã coi như phá sản. Nhiều nhân sự nay thậm chí không còn chỗ làm ở CTCK.
Không phải muốn là được
Nhìn vào những số liệu của ngành bảo hiểm trong nhiều năm qua có thể thấy được một sự tăng trưởng rất ổn định. Thậm chí ngay trong năm 2008, một năm mà thị trường tài chính gặp khó khăn thì các công ty bảo hiểm vẫn làm ăn "không tồi".
Có được thành quả đó, lãnh đạo ngành bảo hiểm vẫn thường tự hào rằng, đó là do họ khắt khe với việc thành lập và cấp phép công ty bảo hiểm. Điểm mặt trên thị trường, hiện có 11 DN bảo hiểm nhân thọ, 26 phi nhân thọ, 1 tái bảo hiểm và 10 DN môi giới với tổng số vốn chủ sở hữu gần 18.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong ngành nhân thọ, ngoài một công ty rất lớn của Việt Nam là Bảo Việt, còn lại đều là những DN lớn ở tầm thế giới và đã có mặt tại rất nhiều thị trường. Sau 9 tháng đầu năm 2008, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ vẫn đạt 7.514 tỷ đồng, tăng tới 11,7% so với cùng kỳ năm 2007. Đáng chú ý là doanh thu phí khai thác mới của các sản phẩm bảo hiểm đạt 1.475 tỷ đồng (trong đó sản phẩm bổ trợ là 68 tỷ đồng), tăng 28,4% so với cùng kỳ.
Cũng vì lẽ đó, trong kế hoạch phát triển thị trường của mình, Bộ Tài chính vẫn đặt mục tiêu trong năm 2009 và 2010 là duy trì mức tăng trưởng của cả thị trường ổn định ở mức 12-13%/năm, trong đó ngành nhân thọ là 8-10% và phi nhân thọ là 15-18%.
Ai cũng hiểu rằng, sở dĩ Bộ Tài Chính vẫn đặt mục tiêu cao như vậy là do tiềm năng của thị trường còn rất lớn. Vì thế, cũng là dễ hiểu khi số đơn xin thành lập công ty bảo hiểm mới vẫn không hề giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, như một quan chức của Bộ Tài chính tâm sự, để đạt được kế hoạch, sẽ không có chuyện nới lỏng quy chế cấp phép. Để thành lập được một công ty bảo hiểm, không chỉ cần có đủ tiền mà còn phải chấp nhận được các quy định kiểm soát khắt khe trong suốt quá trình hoạt động. Không có chỗ cho những kế hoạch nửa vời thành lập công ty bảo hiểm với nhiều mục đích và càng không phải "cứ muốn là được".