Lãnh đạo Trung Nguyên Legend: Thương mại điện tử tạo điều kiện cân bằng chi phí đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Ông Nguyễn Nguyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới để có thể nhanh chóng giới thiệu các giá trị mới đến cộng đồng quốc tế.
Lãnh đạo Trung Nguyên Legend: Thương mại điện tử tạo điều kiện cân bằng chi phí đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi riêng với ông Nguyễn Nguyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Legend bên lề sự kiện Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 tổ chức cuối tuần qua, về những thuận lợi và khó khăn, cũng như những chuyển biến về nhận thức chiến lược trong thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.

3 thuận lợi, 2 khó khăn

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam trong thời gian qua?

Hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với 3 khía cạnh đáng chú ý:

Thứ nhất là tốc độ tăng trưởng cao. Thương mại điện tử không còn giới hạn trong phạm vi quốc gia hay khu vực, mà đã toàn cầu hóa từ lâu. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng trong việc kết nối với thị trường toàn cầu.

Thứ hai là nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng thiết lập hệ thống phân phối mới, tiếp cận trực tiếp đến từng hộ gia đình ở các thị trường xa như Hoa Kỳ một cách hiệu quả.

Thứ ba, các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng hệ thống phân phối thương mại điện tử xuyên biên giới để có thể nhanh chóng giới thiệu các giá trị mới đến cộng đồng quốc tế. Thông qua các nền tảng lớn như Amazon, chúng ta có cơ hội quảng bá những giá trị, triết lý, như giá trị của hạt cà phê Robusta đến người tiêu dùng toàn cầu và nhờ vào thương mại điện tử xuyên biên giới, chúng ta có thể nâng tầm và phát triển sản phẩm này theo đúng kỳ vọng.

Theo ông, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đang có những thuận lợi và khó khăn gì?

Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam có 3 thuận lợi và 2 khó khăn. Thuận lợi đầu tiên là Việt Nam vốn là một nguồn cung cấp lớn các sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, hải sản và các đặc sản mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Khi có thương mại điện tử xuyên biên giới thì chúng ta có thể nhanh chóng quảng bá giá trị, lối sống đặc trưng của Việt Nam ra toàn cầu.

Điểm thứ hai về thương mại điện tử xuyên biên giới là tốc độ số hóa trong hành vi và năng lực chuyên môn của giới trẻ ở Đông Nam Á và châu Á nói chung. Chúng ta có một đội ngũ nhân lực trẻ, có năng lực và kỹ năng, có khả năng gia nhập và hội nhập nhanh chóng vào các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là lợi thế lớn về nguồn nhân lực trẻ, đầy năng lực, kỹ năng và tiềm năng phát triển

Điểm thuận lợi thứ ba, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm quan trọng trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thương mại điện tử giúp đưa sản phẩm và giá trị đến từng hộ gia đình, ngay cả ở những vùng xa xôi, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam từ quy mô sản lượng sang quy mô giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ luôn quan tâm và hỗ trợ bằng các chính sách kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số phát triển vượt bậc.

Tuy nhiên, có hai thách thức chính mà chúng ta phải đối mặt. Thứ nhất là vấn đề logistics. Việt Nam nằm ở Biển Đông, và những biến động địa chính trị chẳng hạn tại Hoa Kỳ, đang gây ra khó khăn lớn về logistics, vận chuyển và kho vận.

Thứ hai là chi phí đầu tư cho các hoạt động tiếp thị số (digital marketing) và truyền thông trực tuyến. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu trực tuyến và trên các sàn thương mại điện tử. Đây là hai thách thức cơ bản mà chúng ta đang phải đối mặt.

Ông Nguyễn Nguyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Legend chia sẻ với truyền thông tại sự kiện Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024

Ông Nguyễn Nguyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Legend chia sẻ với truyền thông tại sự kiện Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024

Với doanh nghiệp, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đang đóng vai trò như thế nào trong hoạt động kinh doanh?

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng có thể phân thành ba nhóm chính, với những cách nhìn nhận khác nhau về thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ, thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại sự cân bằng trên thị trường trực tuyến so với các thương hiệu lớn, cho phép doanh nghiệp nhanh chóng đưa thương hiệu ra quốc tế mà không cần phải phát triển theo từng giai đoạn từ nội địa đến khu vực và sau đó là thị trường xa như Hoa Kỳ. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công ở thị trường nước ngoài trước khi được biết đến ở Việt Nam, cho thấy tiềm năng to lớn của thương mại điện tử xuyên biên giới đối với doanh nghiệp nhỏ.

Với các doanh nghiệp cỡ vừa, thương mại điện tử cung cấp một kênh phân phối mới bên cạnh hệ thống hiện có. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức khi xúc tiến vào thị trường mới.

Đối với các tập đoàn có quy mô lớn và thương hiệu mạnh như Trung Nguyên Legend, thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn truyền tải giá trị mà Công ty muốn mang đến cho cộng đồng. Với sự hiện diện tại gần 100 thị trường quốc tế, thương mại điện tử đã tạo điều kiện để Trung Nguyên Legend chia sẻ triết lý sáng tạo và giá trị cốt lõi của mình đến với khách hàng quốc tế.

Chuyển biến về nhận thức chiến lược

Trung Nguyên Legend đã thay đổi như thế nào sau 4 năm kinh doanh trên Amazon?

Đối với chúng tôi, có nhiều thay đổi lớn. Đó là có sự nhìn nhận mới hơn, đầy đủ hơn về việc áp dụng số hóa trong kinh doanh e-business, bao gồm e-commerce - thương mại điện tử. Thông qua Amazon, có 3 sự tiến bộ mang đến giá trị như là đội ngũ nhân lực. Trung Nguyên có một đội ngũ chuyên thực hiện hoạt động trên môi trường thương mại điện tử và xuyên biên giới một cách đầy đủ. Các công ty nhỏ khác vì lý do điều kiện, họ chỉ đưa hàng cho Amazon như là một người vận chuyển và phân phối thôi, còn Trung Nguyên Legend thì khác, có năng lực đào tạo đội ngũ chuyên trách cho thương mại điện tử. Đó là quan điểm, giá trị đạt đỉnh sau 5 năm hợp tác.

Thứ hai là chiến lược phát triển tại thị trường đa quốc gia, quốc tế, ví dụ Hoa Kỳ. Amazon đã giúp Trung Nguyên Legend đưa đến những sản phẩm mới, có giá trị phù hợp với thị trường Hoa Kỳ - khác với sự phân phối tự phát: đưa các sản phẩm vốn có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam sang cho những bà con bên kia. Đó là kinh nghiệm xuất khẩu hiện nay. Nhưng với Amazon thì đưa ra những sản phẩm mới, giá trị mới, thích hợp cho cộng đồng người Mỹ một cách nhanh chóng nhưng vẫn thống nhất với hệ giá trị của Trung Nguyên Legend trên phạm vi toàn cầu. Đó là sự chuyển biến về mặt nhận thức chiến lược dẫn đến sự phát triển.

Các sản phẩm cà phê của Trung Nguyên Legend luôn nằm trong Top 20 các sản phẩm cà phê hòa tan bán chạy nhất trên Amazon.
Các sản phẩm cà phê của Trung Nguyên Legend luôn nằm trong Top 20 các sản phẩm cà phê hòa tan bán chạy nhất trên Amazon.

Tiếp nữa là thông qua thương mại điện tử xuyên quốc gia, Trung Nguyên Legend và nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác đã góp phần nâng cao vị thế của nền thương mại và sản xuất Việt lên một tầm cao khác. Có sự dịch chuyển từ số lượng sang giá trị và chất lượng. Đó là những quan điểm chuyển hóa, góp phần vào việc hoàn thiện chiến lược phát triển toàn cầu của tập đoàn của Trung Nguyên Legend cũng như các công ty Việt Nam khác.

Ngoài Hoa Kỳ, đâu là thị trường mục tiêu mà Trung Nguyên Legend hướng đến?

Hiện nay có gần 100 vùng lãnh thổ và quốc gia mà sản phẩm của Trung Nguyên có mặt. Ở Mỹ, những mặt hàng của Trung Nguyên Legend rất dễ mua, đặc biệt là trên Amazon. Đương nhiên, giá mua từ Việt Nam sẽ rẻ hơn, tuy nhiên khi mua trực tiếp tại Mỹ sẽ có FDA - đúng chuẩn của Mỹ. Ngoài ra còn có những mặt hàng khác của Trung Nguyên Legend cũng có sẵn ở Mỹ.

Thứ hai là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Một điểm khác biệt là tại các thị trường như Mỹ, sẽ có nhiều khách hàng người Việt tại đó. Nhưng thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chủ yếu là người bản địa. Hai thị trường này tiêu thụ sản phẩm, ví dụ G7, như là sản phẩm nội địa của họ, không phân biệt rằng đây là hàng Việt Nam. Vậy nên người Hàn sang Việt Nam thường sẽ mang về một ba lô sản phẩm G7 vì ở Việt Nam mua rẻ hơn, họ sử dụng thường xuyên.

Nhiều năm rồi, sản phẩm G7 đứng thứ 2 - 3 về mặt hàng cà phê hòa tan trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Hiện nay, Chính phủ đang đề ra chính sách ưu tiên hàng Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới, việc mở cửa cho nhiều nhà bán hàng quốc tế cũng diễn ra. Theo ông, để duy trì sự cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần làm gì để gia tăng sức cạnh tranh đối với các nhà bán hàng quốc tế?

Tôi có một số điểm muốn chia sẻ. Thứ nhất, khi thành lập Tập đoàn Trung Nguyên, Chủ tịch Tập đoàn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã khởi nghiệp từ con số âm, không có tài sản và thậm chí phải vay nợ nhiều. Qua quá trình phát triển, Trung Nguyên Legend đã trở thành thương hiệu cà phê đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tham gia vào sàn thương mại điện tử Amazon. Điều này chứng minh rằng, dù là doanh nghiệp nhỏ, chỉ cần có sự sáng tạo và kiên định với giá trị lâu dài, chúng ta có thể vạch ra một lối đi riêng và đạt được thành công. Dù lợi nhuận là cần thiết, nhưng nếu chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, chúng ta sẽ bỏ qua giá trị cung ứng cho cộng đồng.

Sáng tạo và phát triển không bị giới hạn bởi quy mô doanh nghiệp mà phụ thuộc vào khả năng tư duy và quan sát. Thương mại điện tử hiện nay tạo điều kiện cân bằng chi phí đầu tư ban đầu, mở ra cơ hội phát triển cho mọi doanh nghiệp.

Thứ hai, về chính sách khuyến khích ưu tiên dùng hàng Việt, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng thực hiện điều này. Nhà nước Việt Nam rất khách quan và công bằng trong việc này. Nhiều cường quốc khác thậm chí còn tuyệt đối hoá việc sử dụng hàng nội địa. Chính sách ưu tiên dùng hàng Việt không phải là bắt buộc mà là động lực để doanh nghiệp và người dân Việt Nam cùng xây dựng và phát triển kinh tế. Điều này không chỉ góp phần vào sự thịnh vượng của quốc gia mà còn đóng góp vào thịnh vượng chung toàn cầu.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục