Lãnh đạo nhiều tỉnh vẫn vui vẻ với... nghèo bền vững!

Công cuộc xoá đói, giảm nghèo của Việt Nam được bạn bè thế giới ngưỡng mộ, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, nhất là khi 5 năm qua, tỷ lệ nghèo đói tại Việt Nam giảm hơn 10% xuống 4,5% vào năm 2015. Song một thực tế đáng buồn là hàng năm, vẫn còn 50 tỉnh phải “vác rá” lên Trung ương xin cân đối ngân sách do làm không đủ ăn.
Lãnh đạo nhiều tỉnh vẫn vui vẻ với... nghèo bền vững!

Làm không đủ ăn, nói thẳng ra là nghèo. Chỉ có điều, lãnh đạo nhiều địa phương dù biết tỉnh mình còn nghèo, nhưng không cố gắng vượt nghèo, tiến tới tự cân đối thu - chi, mà vẫn cam chịu, thậm chí vui vẻ với... nghèo.

Đó là chưa nói đến tình trạng nghèo, nhưng lại chơi sang, hay nói theo ngôn ngữ dân gian là “sỹ hão” khi số thu ngân sách hàng năm tại một số địa phương không bảo đảm được một nửa số chi thường xuyên.

Đó là tình trạng “nợ như chúa Chổm”, nhưng nhiều tỉnh vẫn xây quảng trường, công viên, đại lộ, công trình kiến trúc hoành tráng theo tiêu chí phải có “thứ hạng trong khu vực” để ghi dấu ấn... nhiệm kỳ.

Không khó để chỉ ra hiện tượng đua nhau xây dựng tượng đài, quảng trường, công trình ngàn tỷ đồng.

Chẳng hạn như Tiền Giang xây dựng quảng trường trị giá 2.200 tỷ đồng... cho dù phải nhiều thập kỷ nữa, những địa phương này mới thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo.

Tình trạng “bóc ngắn cắn dài”, nghèo mà chơi sang ở cấp huyện, cấp xã cũng diễn ra tương tự trong khi các công trình phục vụ thiết thực đời sống của người dân như bệnh viện, trường học, đường giao thông nông thôn... vừa thiếu, vừa xuống cấp.

Thực tế tại không ít địa phương, nhiều hộ gia đình không thấy xấu hổ vì còn nghèo, mà còn tranh suất hộ nghèo. Việc bình bầu hộ nghèo tại những địa phương này diễn ra khá căng thẳng, vì số lượng hộ nghèo theo “định mức” có hạn, trong khi ai cũng muốn được xếp vào diện hộ nghèo cho dù trong nhà có đầy đủ nội thất, thậm chí có cả thiết bị điện tử đắt tiền như tivi, dàn nhạc, tủ lạnh...

Vì sao nghèo mà còn chơi sang, đúng ra là chơi ngông? Vì sao nhiều tỉnh chỉ muốn “nghèo bền vững”, không thấy xấu hổ khi các tỉnh bạn đã thoát nghèo? Vì sao rất nhiều người dân xếp hàng để chờ vào danh sách hộ nghèo mà không thấy xấu hổ?...

Có lẽ không cần các đại biểu Quốc hội phân tích, mổ xẻ, ai cũng biết, công trìnhđầu tư cả trăm tỷ đồng, cả ngàn tỷ đồng đã có Trung ương lo vốn, địa phương chỉ góp chút ít... cho vui. Và quan trọng hơn, khi đầu tư công trình, dự án thì những người quyết định mới có phần trăm, lại quả (chưa nói đến thất thoát, lãng phí, tham ô, tham nhũng) cho dù công trình hoành tráng chỉ góp phần làm đẹp thêm bộ mặt đô thị của địa phương nghèo, còn giá trị sử dụng đích thực cho người dân chỉ ở mức để... ngắm cho vui. Đáng buồn hơn và nhức mắt hơn là tình trạng một số công trình đồ sộ đang xuống cấp trầm trọng do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

Vì sao nghèo mà còn chơi sang, đúng ra là chơi ngông? Vì sao nhiều tỉnh chỉ muốn “nghèo bền vững”, không thấy xấu hổ khi các tỉnh bạn đã thoát nghèo? Vì sao rất nhiều người dân xếp hàng để chờ vào danh sách hộ nghèo mà không thấy xấu hổ?...

Có lẽ tất cả là do cơ chế cấp phát: tỉnh nghèo được Trung ương hỗ trợ, huyện nghèo được tỉnh bao cấp, xã nghèo được huyện quan tâm. Còn người nghèo được hưởng các chính sách trợ cấp của Nhà nước từ tiền điện thắp sáng, thẻ bảo hiểm y tế, học phí, vay vốn tín dụng ưu đãi cho con em đi học, đến vay vốn để làm ăn, xuất khẩu lao động và được miễn hầu hết các loại phí, lệ phí.

Do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt, nên nhiều địa phương khó có thể theo kịp sự phát triển chung của cả nước. Do hoàn cảnh gia đình, ốm đau, bệnh tật bất khả kháng, nên nhiều gia đình chưa thể thoát nghèo.

Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài và cả cộng đồng xã hội. Nhưng với những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, gia đình có điều kiện để thoát nghèo, mà vẫn muốn làm tỉnh nghèo, huyện nghèo, xã nghèo, người nghèo... thì nguyên nhân chính là sự ỷ lại, dựa dẫm, trông chờ vào sự bao cấp. Đây là tình trạng đáng cảnh báo.

Tại kỳ họp thứ 2 vào cuối năm nay, Quốc hội khoá XIV sẽ thông qua kế hoạch đầu tư trung hạn, kế hoạch tài chính trung hạn, cùng với đó là triển khai phương thức sử dụng vốn ODA, Luật Ngân sách nhà nước theo nguyên tắc giảm dần bao cấp, chấm dứt xin - cho. Khi đo, tâm lý ỷ lại, dựa dẫm sẽ không còn đất sống. Và chắc chắn, khi đó sẽ có thêm nhiều địa phương, nhiều người dân tự xin ra khỏi danh sách địa phương nghèo, hộ nghèo bởi họ nhận thấy rằng, nghèo là sự xỉ nhục.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục