Cơ quan thuế “vắng như chùa Bà Đanh”
Đầu giờ sáng, Cục Thuế TP.HCM “vắng như chùa Bà Đanh”. Cả khoảng sân rộng mênh mông tại nơi hằng năm thu về cho ngân sách nhà nước trên 25% tổng số thu nội địa hầu như không không thấy bóng dáng doanh nghiệp đến làm thủ tục. Còn trong phòng xử lý thủ tục hành chính thuế rộng hàng ngàn m2, cũng chỉ có lác đác dăm người.
“Chỉ 1-2 năm trước, vào thời điểm này, rất khó có thể lách người vào trụ sở cơ quan thuế, vì từ sáng sớm tinh mơ, người nộp thuế đã xếp hàng dài chờ đợi làm các thủ tục về thuế”, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM nói.
Nhớ lại, trong một lần vui chuyện với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nửa đùa nửa thật: “Cứ vào đầu quý, đặc biệt là thời điểm quyết toán thuế (tháng 3 hàng năm), phóng viên nhiều tờ báo “ăn chực nằm chờ” ở Cục Thuế Hà Nội, TP.HCM chụp lại hình ảnh người nộp thuế chen chúc nhau làm thủ tục hành chính thuế. Vài năm nay, không thấy những hình ảnh này trên các báo để xem, kể cũng… buồn”.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, hình ảnh người nộp thuế “chen vai thích cánh” cũng đã trở thành “dĩ vãng” tại Cục Thuế Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… Trong đó, Bình Phước - một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, cũng “rùng rùng” vào cuộc điện tử hóa thủ tục hành chính thuế. “Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính thuế để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, có như vậy mới mong thoát nghèo”, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Xuân Thành bộc bạch.
Cũng “thân phận con nhà nghèo”, cả huyện chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp với trên dưới 1.000 hộ kinh doanh cá thể, mỗi năm thu ngân sách 35 tỷ đồng, nhưng quyết tâm điện tử hóa thủ tục hành chính thuế của Chi cục Thuế huyện Phú Hòa (Phú Yên) cũng chẳng kém ai. “Địa bàn huyện rộng, người nộp thuế thưa thớt và phần nhiều không ở gần cơ quan thuế nên nếu không thực hiện khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, thì chi phí quản lý thuế quá lớn, cán bộ thuế quá vất vả, người nộp thuế mất quá nhiều thời gian, công sức và chi phí”, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phú Hòa, ông Dương Công Diệp giải thích.
Chưa bao giờ cơ quan thuế các địa phương lại nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương như vài năm gần đây trong mọi vấn đề từ chống nợ đọng, chống thất thu, cải cách thủ tục hành chính… Hỏi nguyên nhân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ: “Tôi đã nói với họ rằng, nếu không cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì các ông lấy gì mà thu. Theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 thì dự toán tỉnh nào lo tỉnh lấy, phải tự cân đối, không thu được thì ‘nhịn’, thu được nhiều còn được thưởng”.
“Good! Very good!”
Nghe và hiểu tiếng Việt còn bập bõm, nhưng khi được hỏi về lợi ích của nộp thuế điện tử, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Vietnam, ông Pawalitua Amornwantit liên tục gật đầu nói: “Good! Very good!”. Ông này ghi nhận, chính sách cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính thuế của Việt Nam ngày càng tiến bộ và chuẩn bị theo kịp các nước ASEAN-4. Trong đó, chỉ riêng việc nộp thuế điện tử đã tiết kiệm được cho Công ty khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm.
Chưa đưa ra được số tiền cụ thể, nhưng Phó giám đốc Công ty Thép miền Nam, ông Nguyễn Thanh Phong nhẩm tính, chỉ riêng việc nộp thuế điện tử mỗi năm tiết kiệm cho nhân viên kế toán của Công ty ít nhất 2.000 km đi lại để nộp thuế. “Nhiều lúc lãnh đạo công ty rất cần xe để đi họp, đi công tác, nhưng nếu kế toán bảo phải đi nộp thuế thì bằng mọi giá phải ưu tiên xe để đi nộp thuế”, ông Thanh kể.
Trong khi đó, chỉ là một doanh nghiệp nhỏ phân phối vật liệu xây dựng ở Bình Định, nhưng Công ty TNHH Phúc Hưng cũng nhận thấy cải cách thủ tục hành chính thuế đem lại nhiều lợi ích. Lợi ích đó, dưới con mắt của bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Công ty là “giảm được 1 nhân viên kế toán, mỗi tháng tiết kiệm được 5-6 triệu đồng và giảm đáng kể lượng hóa đơn so với trước kia”.
Chia sẻ với Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó đại sứ Australia Layton Pike rất ấn tượng về kết quả cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2014-2015. “Cải cách thủ tục hành chính thuế được thực hiện quyết liệt, được sự tham gia, giám sát của cả hệ thống chính trị là bằng chứng cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng để hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng”, ông Australia Layton bình luận.
Trung tâm của cải cách là con người
Trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp Xuân Bính Thân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vui mừng thông báo kết quả cải cách thủ tục hành chính của ngành tài chính: “Chỉ số cải cách hành chính 2014 (Par Index 2014) của Bộ Tài chính đạt 81,54 điểm, chỉ đứng sau Bộ Giao thông - Vận tải. Năm 2015 đã giảm thêm 50 giờ làm thủ tục hành chính thuế, hiện thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để làm thủ tục hành chính thuế chỉ còn 117 giờ, vượt mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 19/NQ-CP là 121,5 giờ”.
Nhưng giọng ông Dũng ngay lập tức chùng xuống khi nhắc lại chuyện một cán bộ hải quan TP.HCM vừa bị bắt vì bị nhiều doanh nghiệp cáo buộc nhũng nhiễu, tiêu cực. “Một trong những mục tiêu cải cách thủ tục hành chính là chống tiêu cực, nhũng nhiễu người nộp thuế. Sự việc vừa qua dù chỉ là ‘con sâu làm rầu nồi canh’, nhưng cũng cho thấy, cải cách hành chính có thành công hay không, vấn đề cốt yếu vẫn là con người. Rất mong doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là báo chí phát hiện, tố cáo tiêu cực để làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước”, ông Dũng phát biểu.
Cải cách thủ tục hành chính thuế, khai thuế, nộp thuế điện tử mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng muốn điện tử hoá thủ tục hành chính thuế với lý do… lãng xẹt.
Lãnh đạo một ngân hàng kể, thuyết phục mãi mà nhiều doanh nghiệp không tham gia khai thuế, nộp thuế điện tử vì nhân viên kế toán đưa ra rất nhiều lý do thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp là nộp thuế trực tiếp có lợi hơn. Sau này “điều tra” mới biết, khi đi khai thuế, nộp thuế truyền thống, thời gian mà nhân viên kế toán làm thủ tục thuế thì ít, mà “lượn lờ” siêu thị hoặc tranh thủ… về đưa đón con đi học thì nhiều.
Trong một lần tâm sự với phóng viên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam kể, lãnh đạo một số doanh nghiệp than phiền: “Các ông cải cách kiểu gì mà thời gian nhân viên của tôi đi làm thủ tục vẫn rất dài, nhiều khi mất nguyên cả ngày”. Thì ra, nhân lúc đi làm thủ tục thuế, nhiều nhân viên kế toán tranh thủ rủ bạn bè đến quán café tán gẫu, tranh thủ lượn lờ quán xá vì ngồi mãi ở công ty cũng chán.
“Con người mới là yếu tố quan trọng nhất trong cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, cần phải tiếp tục tuyên truyền cho doanh nghiệp hiểu về lợi ích của cải cách thủ tục hành chính thuế hơn nữa”, ông Nam chia sẻ.