Lãnh đạo 5 thành phố lớn kiến nghị gì tại Hội nghị Chính phủ với địa phương?

Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, quy hoạch là những vấn đề được lãnh đạo 5 thành phố lớn kiến nghị với Thủ tướng và Chính phủ tại hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 2/7.
Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 2/7 (Ảnh: VGP)

Hà Nội cam kết thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao

Là địa phương đầu tiên phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua tập hợp các ý kiến của cử tri và nhân dân Thủ đô qua các kỳ tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Dư luận nhân dân Thủ đô đánh giá cao và rất tin tưởng vào các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế hậu Covid-19.

“Đây chính là động lực, chỗ dựa vững chắc cho Thành phố triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện các giải pháp, biện pháp đảm bảo thực hiện mục tiêu “kép”, vừa kiểm soát, khống chế dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô”, ông Chung nói.

Căn cứ dự báo tình hình thế giới, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, Thành phố xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, phấn đấu tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng của cả nước; thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao.

Đề xuất một số vấn đề, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội hậu Covid-19 giống như Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch, từ đó chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như giúp cho các tỉnh để định hướng phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả hơn.

Thành phố sẽ chuẩn bị từ 10 đến 15 các khu vực để bố trí tất cả các khu bán hàng để mời các tỉnh đưa doanh nghiệp có hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản bán hàng. Toàn bộ chỗ bán hàng sẽ được miễn phí nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt kích cầu tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm thủy, hải sản và rau củ, quả của các tỉnh, thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Chung nói.

Cuối cùng, ông Chung đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố khai thác lựa chọn, xây dựng các khu đô thị mới, lựa chọn các nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng cũng như phát triển các khu đô thị, tăng tỷ lệ đô thị của thành phố, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60%.

TP. HCM phấn đấu đến hết tháng 10 hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80%

Nhấn mạnh sự phát triển chậm lại của thành phố sẽ ảnh hưởng đến cả nước, vì thế Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố sẽ quyết tâm cao nhất, điều hành hiệu quả hơn nữa, thay đổi tư duy cách nghĩ, cách làm để phục hồi và phát triển kinh tế.

Nhấn mạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, ông Phong cho biết Thành phố tổ chức họp 2 tuần/lần để rà soát công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết tháng 10/2020 tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch.

Người đứng đầu chính quyền TP. HCM cho biết, Thành phố sẽ tập trung thực hiện các dự án khởi công mới, dự án hoàn thành để chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên, bàn giao mặt bằng chuẩn bị khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành – Tham Lương, hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét tới biến đổi khí hậu.

Kiến nghị 2 nội dung để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, ông Phong cho biết, Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định tổng số vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không vượt quá 20%. “Quy định này gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, theo đó quy định vốn chuyển tiếp tại Điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng đối với kỳ trung hạn giai đoạn 2026-2030”, ông Phong nói.

Ông cũng đề nghị sớm có thông báo tổng mức đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để Thành phố cùng các địa phương triển khai thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công.

Hải Phòng muốn mở rộng KCN Tràng Duệ để Tập đoàn LG mở rộng nhà máy

Được coi là điểm sáng trong phát triển kinh tế trong năm 2020, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, nửa đầu năm nay, địa phương đã khởi công nhiều dự án. Hải Phòng cũng sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội và quyết tâm hoàn thành kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu thu nội địa.

Đề xuất với Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch để làm cơ sở cho các địa phương đẩy mạnh việc hoạt động liên kết, hợp tác để phát triển kinh tế xã hội trong vùng.

Ông cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phê duyệt việc đầu tư, mở rộng một số khu công nghiệp trên địa bàn.

Cụ thể, Hải Phòng đề xuất xây dựng khu phi thuế quan và khu công nghiệp Xuân Cầu rộng 750 ha tại đảo Cát Hải. Đảo Cát Hải cũng là nơi Tập đoàn Vingroup xây dựng nhà máy VinFast rộng 335 ha.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng cũng đề xuất điều chỉnh địa giới khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, gắn liền mở rộng khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3 với diện tích 687 ha. Ông Tùng nhấn mạnh mục đích để thu hút Tập đoàn LG (Hàn Quốc) mở rộng quy mô tại khu vực này.

Đà Nẵng đề xuất tháo gỡ vướng mắc về pháp lý với các dự án liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ

Là một trong 12 địa phương tăng trưởng kinh tế âm, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố chỉ đạo tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư trong bối cảnh bất động sản đóng băng, chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kích cầu du lịch nội địa, đến nay cơ bản phục hồi.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo để nhanh chóng triển khai Hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị và một số chính sách đặc biệt cho Đà Nẵng.

Ông cũng đề xuất đẩy nhanh những công trình trọng điểm mang tính chất liên vùng. Trong đó, mong Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương mở rộng sân bay Đà Nẵng. Cụ thể, mở rộng nhà ga T1 về phía nam, đầu tư xây dựng ga hàng hóa, sớm đầu tư xây dựng nhà ga T3. Ông Thơ nhấn mạnh việc mở rộng sân bay là quan trọng khi khách đến Đà Nẵng đang tăng rất nhanh qua các năm.

Ông Thơ đề nghị chính phủ và cơ quan Trung ương quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý với rất nhiều dự án của thành phố liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ những năm gần đây.

“Chúng tôi cũng xem các dự án này là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển thành phố. Nếu thủ tục không được tháo gỡ, không giải quyết thì là điểm nghẽn triển khai các dự án lớn, tạo ra nguồn thu thúc đẩy phát riển kinh tế xã hội của địa phương”, Chủ tịch Đà Nẵng nói.

Cần Thơ: Các dự án điện đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm

Từ Cần Thơ, Chủ tịch UBND Lê Quang Mạnh cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tác động sâu rộng, lần đầu tiên trong 10 năm qua chỉ số GRDP trong 6 tháng đầu năm của TP. Cần Thơ chỉ tăng 1,43%.

Đây là mức tăng trưởng thấp so cùng kỳ 6 tháng đầu của những năm qua. GRDP 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ tháng 5/2020 các hoạt động kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh đã hoạt động trở lại với mức tăng cao hơn 3 tháng đầu năm cho thấy dấu hiệu hồi phục tốt.

Cần Thơ đang thực hiện mục tiêu kép, vừa triển khai thực hiện nghiêm chỉ các chỉ thị, văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 và khẩn trương phục hồi kinh tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, thực hiện các giải pháp kịp thời hỗ trợ đúng các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua.

Chủ tịch Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, các dự án điện đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Do đó, ông Mạnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có giải pháp để sớm xem xét phê duyệt.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục