Đánh giá kỹ tác động ngân sách, có tính đến điều chỉnh dự toán 2020

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra một thông điệp đáng chú ý về cân đối ngân sách, liên quan đến các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ.
Đánh giá kỹ tác động ngân sách, có tính đến điều chỉnh dự toán 2020

Sau phiên họp bất thường ngày 8/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra một thông điệp đáng chú ý về cân đối ngân sách, liên quan đến các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ.

Gói hỗ trợ này vừa được Chính phủ thông qua với gần 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỷ đồng bao gồm khoảng 19.000 - 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019 của ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác theo quy định, nguồn ngân sách địa phương khoảng 13.000 - 14.000 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh rằng, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khả năng đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2020 rất khó khăn. Chính phủ dự kiến sử dụng nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 cho gói hỗ trợ nói trên, song theo cơ quan thẩm tra thì dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội thông qua chưa quy định rõ nội dung này, vì thế cần báo cáo để Quốc hội quyết định.

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của nguồn lực ngân sách nhà nước.

Khả năng cân đối ngân sách nhà nước cũng là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Kết luận phiên họp bất thường nói trên đã nêu rõ yêu cầu: Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ tác động của các biện pháp, chính sách được Chính phủ đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước, các nguồn lực khác của Nhà nước; tác động về kinh tế - xã hội. Cân đối nguồn lực để thực hiện theo thứ tự: sử dụng dự phòng ngân sách trung ương và địa phương, quỹ dự trữ tài chính, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi, nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) và các nguồn hợp pháp khác.

Trong trường hợp, sau khi sử dụng tất cả các nguồn trên mà còn khó khăn thì mới trình Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Việc quyết định sử dụng nguồn lực để hỗ trợ phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc có thể phải điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 cũng đã được tính đến.

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội thông qua vào chiều 12/11/2019, tại kỳ họp thứ 9.

Theo nghị quyết này, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300 tỷ, tổng chi là 1.747.100 tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.800 tỷ đồng, tương đương 3,44% GDP.

Khi đó, nền kinh tế vừa qua một năm tăng trưởng cao, ngân sách cũng vượt thu ấn tượng và Chính phủ có cơ sở để xây dựng tổng dự toán thu ngân sách nhà nước tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019. Những cân đối thu chi nói trên được quyết định trên cơ sở mức tăng GDP của năm 2020 khoảng 6,8%.

Nhưng, ở thời điểm hiện tại, khi dịch Covid - 19 đã đảo lộn mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các kịch bản điều hành ngân sách cũng đã không còn phù hợp. Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay nhưng con số 6,8% của tăng trưởng đã trở nên khá xa vời, theo một số dự báo gần đây. Như vậy, nỗi lo về hụt thu có lẽ cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự nhiều hơn.

Thông tin từ hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 10/4 cho thấy, Bộ Tài chính đang dự kiến với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý 2/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3% (giảm 1,5% so với kế hoạch), giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được, thì thu ngân sách ước giảm khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách trung ương giảm khoảng 100.000 - 110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.

Hàng năm, ngân sách vẫn dành khoảng 200.000 tỷ đồng chi thường xuyên để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Năm nay, do dịch bệnh, gói hỗ trợ an sinh xã hội mà Chính phủ dự kiến lên tới gần 62.000 tỷ đồng. Tất nhiên, Chính phủ đã dự liệu được nguồn lực. Cụ thể là Ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 22.000 - 23.000 tỷ đồng thì dự kiến sẽ sử dụng 19.000 - 20.000 tỷ đồng nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019 (tổng số khoảng 55.600 tỷ đồng).

19.000 - 20.000 tỷ đồng cũng chưa phải là con số chính xác, mới chỉ là ước tính, nếu thực tế thấp hơn thì không khó xử lý, nhưng nếu cao hơn mà lại cao hơn nhiều thì khó có thể cân đối mà không cần điều chỉnh dự toán.

Trong bối cảnh đặc biệt này, Chủ tịch Quốc hội và nhiều vị đại biểu Quốc hội đều khẳng định cần dồn tiền lớn cho chống dịch, nhưng như vậy thì phải cắt giảm các khoản chi khác. Đó là lý do cần tính đến khả năng trình Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, vì Hiến pháp đã quy định các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục