Làn sóng mua bán sáp nhập mới và khả năng chấp nhận rủi ro

(ĐTCK) Diễn đàn M&A 2014 với chủ đề “M&A trước làn sóng thứ hai” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức khai mạc tại TP. HCM chiều ngày 7/82014. Diễn đàn chia làm 3 phiên thảo luận với những chủ đề khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Diễn đàn
Mở đầu phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: Đón làn sóng M&A thứ hai, ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, hoạt động M&A tại Việt Nam tăng mạnh từ năm 2008, nhưng bắt đầu suy giảm vào năm 2013 và năm 2014 cũng sẽ là một năm ảm đạm. Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng trở lại vào năm 2015 khi các bên bán có những kỳ vọng thực tế hơn và tính minh bạch cao hơn.

Những yếu tố tác động đến Làn sóng thứ hai theo ông John Ditty, đó chính là các hoạt động cổ phần hóa và hoạt động bán thoái vốn sau đó trong khu vực vốn nhà nước với các tài sản lớn và có chất lượng tốt thuộc sở hữu nhà nước; việc tăng mức vốn sở hữu nước ngoài trong một số ngành và khu vực; việc hợp nhất sáp nhập nhằm tăng cường tính cạnh tranh và củng cố chất lượng bảng cân đối kế toán; tăng cường sự quan tâm và mức độ đầu tư vào thương mại nội vùng…  

“Tuy nhiên, làn sóng đầu tư này cũng có thể chỉ là một gợn sóng nếu những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp không được xử lý, Chính phủ không nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đã công bố, nhà đầu tư phải có lòng tin với các hoạt động quản lý, giao dịch minh bạch không bao giờ thừa…” ông John Ditty cảnh báo và nhấn mạnh việc cần thiết phải hiểu rằng, hoạt động mua bán và sáp nhập là nhằm tăng cường sự thịnh vượng lâu dài cho tất cả các bên liên quan. Hoạt động mua bán sáp nhập không nên chỉ nhằm mục đích thu lợi trước mắt.

“Sự thành công của làn sóng mới phục thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư”.

 TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A 2014 phát biểu tại Diễn đàn

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Công ty Savills Việt Nam, thị trường sẽ tiếp tục có nhiều thương vụ chuyển nhượng các dự án phát triển nhà ở, bao gồm phan khúc căn hộ, bất động sản gắn liền với đất và khu dân cư.

Trong phân khúc khách sạn, lượng khách du lịch ngày càng tăng nhanh cả trong và ngoài nước là lý do để đầu tư vào các khách sạn ở trung tâm thành phố cũng như các khu nghỉ dưỡng venn biển.

“Sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn chiếm phần lớn các hoạt động M&A trong hai năm qua dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó Savills cũng nhìn thấy nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà đầu tư Singapore và Đài Loan ở phân khúc nhà ở và văn phòng. Dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động ở hai phân khúc này trong những tháng cuối năm 2014 và trong năm 2015”, ông Khương nhận định.

Theo ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao Recof (Nhật Bản), Việt Nam là thị trường M&A lớn nhất đối với Nhật Bản, dù nửa đầu năm 2014 các giao dịch này có sự sụt giảm. Việt Nam vẫn còn nhiều điểm thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản như chi phí lao động thấp, có tay nghề, Việt Nam có sự ổn định về chính trị…

Tuy nhiên, ông Masataka Sam Yoshida cho rằng, vẫn còn một số khúc mắc giữa hai bên cần được giải quyết. Chẳng hạn như về phía Việt Nam, các doanh nghiệp đang  kỳ vọng quá cao về mặt giá trị công ty, trong khi phía Nhật luôn căn cứ vào giá thị trường...

Để giải quyết những vấn đề còn khúc mắc này, ông Masataka Sam Yoshida đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp Việt Nam là hãy kiên nhẫn và đừng có sử dụng cách tiếp cận thông qua nhiều nhà tư vấn khác nhau;  thông tin chính xác ngay từ đầu; nên tìm nhà tư vấn có chất lượng hiểu cách làm của cả Việt Nam và Nhật Bản để theo dõi sát sao cả hai bên; giá cả là quan trọng, nhưng không phải là tất cả, mà quan hệ lâu dài mới quan trọng hơn; sự hợp lực giữa hai bên mới mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông và khách hàng.

Về phía các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Masataka Sam Yoshida cho rằng, cần có giá đàm phán tốt hơn, phải hiểu được các phương pháp đàm phán không đồng nhất với nhau nên phải có nhiều hơn một phương án đàm phán, đừng chờ cho đến khi có đủ thông tin mới đàm phán.

Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng sẽ thực hiện một số giao dịch có quy mô tương đối lớn với những doanh nghiệp có thị phần cao, những công ty có chất lượng tốt về quản lý và kiểm soát nội bộ ... Trong khi đó, đối với doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung năng lực quản lý trong quá trình giao dịch, mức độ cung cấp thông tin phải trung thực, giá trị được chào phải rõ ràng minh bạch, nhận biết những vấn đề tiềm năng trong quá trình giao dịch…

“Nếu hai bên giải quyết được những vấn đề này thì làn sóng M&A thứ hai đã có thể sẵn sàng”, ông Masataka Sam Yoshida nhận định.

Phiên thảo luận thứ hai trong Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2014 sẽ tiếp tục với chủ đề: Cơ hội M&A từ cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital đưa ra một minh chứng cụ thể cho lợi ích của quá trình cổ phần hóa. Đó là trường hợp Tổng công ty sữa Việt Nam (VNM).

Khi VinaCapital mới đầu tư vào VNM, công ty này được định giá khoảng 500 triệu USD, hiện nay, VNM đã được định giá  hơn 5,5 tỷ USD và sau một quá trình cổ phần hóa VNM hiện nay đã là một nhà đầu tư quốc tế.

“Sau khi cổ phần, rất nhiều doanh nghiệp đã thành công, giá trị doanh nghiệp tăng theo thời gian. Khi tìm kiếm một doanh nghiệp để đầu tư, chúng tôi  không cần tìm một công ty đang hoạt động quá hiệu quả, mà có thể ngược lại để sau một thời gian đầu tư chúng tôi sẽ làm cho nó tốt hơn”, ông Andy Ho chia sẻ.

Theo ông Andy Ho, năm qua là một năm đầy thử thách cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm kiếm các công ty chất lượng tốt, tìm kiếm các thông tin, quy định về định giá doanh nghiệp, thời hạn IPO thực tế và các cam kết và hỗ trợ trong quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang bước vào một giai đoạn mới, bởi Chính phủ đã quyết liệt theo đuổi cải tổ.

Cụ thể, trong các lĩnh vực ngân hàng, đã thành lập VAMC để giải quyết nợ xấu; lĩnh vực đầu tư công thông qua việc tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng; và tháng 3/2014, Nghị quyết 15 của Chính phủ được ban hành đã đặt ra kỳ hạn cho các kế hoạch cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015.

“Các dấu hiệu từ lãnh đạo Chính phủ cho thấy, đây sẽ là một mục tiêu quan trọng trong thời gian tới”, ông Andy Ho nhận định và nói rằng, vẫn còn những thách thức cho tiến độ cổ phần hóa được thực hiện đúng kế hoạch như việc định giá doanh nghiệp, tư duy quản trị của đội ngũ quản lý doanh nghiệp (họ có muốn thực sự cổ phần hóa hay không), tư duy quản trị của các nhà quản lý chính là thách thức lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa.

Con số doanh nghiệp đã cổ phần hóa được cập nhật tại Diễn đàn M&A là riêng tháng 7/2014, có 55 doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa. Trong quý III và quý IV/2014 sẽ có nhiều doanh nghiệp nữa được tiếp tục hoàn tất quá trình này. Thảo luận tại phiên này, các đại biểu cho rằng, thời gian định giá và xác định giá trị doanh nghiệp còn kéo quá dài.

Theo ông Seck Yee Chung – Partner, Baker & McKenzie, có một số rào cản khác là độ minh bạch của các luật định và thông tin.

“Nếu không có thông tin minh bạc thì khó có thể định giá đúng doanh nghiệp. Chính vì thế, phải có những cuộc đàm phán thông tin về doanh nghiệp. Là những con số cụ thể trong quá trình đàm phán”, ông  Seck Yee Chung nói.

Ông Ikuo Yasuda, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Pinnacle, Inc sẽ tiếp tục bài tham luận mở đầu phiên họp thứ 3 với chủ đề: Kinh nghiệm M&A và lựa chọn đối tác chiến lược.

Theo ông Ikuo Yasuda, môi trường kinh doanh đang thay đổi rất nhanh, xu thế M&A  đang diễn ra ở khắp nơi và làn sóng M&A cũng đang lan tỏa mạnh mẽ tới các công ty bán hàng trực tuyến…

“Trong một môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, chúng ta phải biết cách thức để nắm bắt nếu không sẽ không thể thắng cuộc trong tương lai. M&A là công cụ để doanh nghiệp thực hiện vấn đề này. Xu hướng kinh doanh ở Nhật cũng theo sát thị trường và đang có nhiều thay đổi. Rất nhiều doanh nghiệp Nhật đã sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động đầu tư và tư vấn”, ông Ikuo Yasuda nói.

CEO Công ty Nam Long, ông Nguyễn Vĩnh Trân cho biết, trước khi bán cổ phần cho các đối tác, Công ty luôn nhắm vào những nhà đầu tư có thể nâng cao giá trị của Công ty. 

“Chúng tôi cũng phải thay đổi chiến lược, cơ cấu công ty và quyết tâm làm bằng được để thỏa mãn những yêu cầu của các đối tác chiến lược tiềm năng và khó tính.Việc cải tổ này không chỉ giúp Công ty dễ dàng bán cổ phần cho những đối tác tốt được Công ty lựa chọn, mà còn nâng cao giá trị của Công ty trước những đối tác và các ngân hàng”, ông Trân chia sẻ.

Chia sẻ những kinh nghiệm đầu tư thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Michael Rosen, CEO Pan Pacific (PAN) nói rằng, ban đầu công ty cũng đã gõ cửa rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để kêu gọi cùng đầu tư vào lĩnh vực này và đã bị từ chối. Các quỹ đầu tư khi đó vẫn còn e ngại về hiệu quả trong lĩnh vực này, nhưng đến nay vẫn thành công 150%. Nông nghiệp đối với Việt Nam vẫn là ngành kinh tế then chốt. Lĩnh vực này có thể tăng năng suất cũng như tăng mục tiêu xuất khẩu lên 3-4 lần. Vì thế, PAN tin rằng, nông nghiệp sẽ là lĩnh vực phát triển bền vững.

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm thành công của ngân hàng mình, ông Hạ Bá Trực, Giám đốc đầu tư, Ngân hàng HDBank nói: “Chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi đang diễn ra rất nhanh chóng, nên cần phải có những thay đổi rất linh hoạt. M&A là phương tiện để các công ty nhanh chóng đạt được mục đích của mình. HDBank đã sáp nhập DaiA Bank và mua lại công ty tài chính SGVF. Mục tiêu của HDBank là trở thành một trông 10 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam”.

Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2014,  Ban tổ chức tiếp tục bình chọn và công bố danh sách Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu năm 2013-2014 nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm thông tin, tìm hiểu kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi trước.

Trong số gần 100 thương vụ và công ty được đề cử, Hội đồng Bình chọn đã bỏ phiếu lựa chọn ra 34 thương vụ và doanh nghiệp…

Các thương vụ hợp nhất và sáp nhật tiêu biểu là:

HDBank sáp nhật với DaiA Bank;

PVFC và WesternBank hợp nhất thành Pvconbank;

Vụ hợp nhất 2 công ty chứng khoán MBS và VITS;

Vụ sáp nhập Đường Biên Hòa và Đường Ninh Hòa.

Các thương vụ mua lại tiêu biểu:

HDBank mua lại 100% Công ty tài chính Việt Socie’te’ Ge’ne’rale (SGVF);

Vinamilk mua 70% cổ phần của Công ty Driftwood Dairy tại Hoa Kỳ;

Pilmico International (Aboitiz Equity Ventures, Inc.) mua 70% CTCP Thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 (thuộc Công ty Vĩnh Hoàn);

Pan Pacific mua Công ty Giống cây trồng trung ương (NSC)…

Các công ty chứng khoán được bình chọn là nhà tư vấn tiêu biều đều có tối thiểu 3 thương vụ M&A hoặc phát hành riêng lẻ trong năm, có đội ngũ tư vấn tối thiểu 5 chuyên gia có kinh nghiệm. Trong đó, riêng CTCK Bảo Việt (BVSC) được Hội đồng bình chọn là đơn vị tư vấn cổ phần hóa tiêu biểu.

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục