Cắt giảm nhân sự để bảo toàn hoạt động
CTCP Garmex Sài Gòn (mã GMC), doanh nghiệp dệt may đã xây dựng được tên tuổi trên thị trường trong nước và quốc tế với hơn 45 năm hoạt động, theo ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đến cuối tháng 9/2023, chỉ còn 35 nhân viên. Như vậy, số lượng nhân viên của Công ty đã giảm 1.947 người so với cuối năm 2022 và giảm 3.775 người so với cuối năm 2021.
Theo Gamex Sài Gòn, ngành dệt may vẫn rất khó khăn, đơn hàng xuất khẩu ít, giá trị thấp, thị trường chưa thực sự khởi sắc trước tình hình kinh tế, chính trị thế giới nhiều biến động tiêu cực. Do đó, Garmex Sài Gòn chưa tuyển lại lao động cho ngành nghề truyền thống. Thậm chí, việc Công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không còn tuỳ vào tình hình thị trường, ít nhất là cần quan sát tình hình đến quý II/2024.
Trong ngành bất động sản, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng mạnh tay giảm 1.289 nhân sự trong 9 tháng đầu năm. Với doanh thu từ hoạt động môi giới bất động sản sụt giảm mạnh, việc cắt giảm lượng lớn nhân viên cũng giúp Đất Xanh tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Đất Xanh đang làm thủ tục giải thể 8 doanh nghiệp, tập trung tái cấu trúc mô hình hoạt động, kiện toàn bộ máy quản lý, hệ thống phòng ban theo hướng tinh gọn.
Tương tự, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã DXS) cũng giảm 1.091 nhân sự so với thời điểm đầu năm.
Ở một trường hợp khác, từ ngày 26/11/2023, CTCP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) đã cho toàn bộ cán bộ, nhân viên tạm thời nghỉ việc không lương với lý do “cạn tiền”. Ông Đinh Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc HDTC cho biết, hiện nguồn tài chính của Công ty vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để chi trả lương cho lãnh đạo, nhân viên. Vì vậy, để phù hợp với tình hình hoạt động trong thời gian hiện nay, Hội đồng quản trị đã thống nhất chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt nhằm củng cố Công ty giai đoạn trước mắt.
Đại diện cho sự khó khăn của ngành thép là CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC), Công ty phải công bố chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhân sự trong toàn bộ hệ thống, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh. Tổng số lao động đến cuối quý III/2023 của SMC là 1.055 nhân viên, giảm 147 nhân viên so với đầu năm. Tuy nhiên, với việc thông báo quyết định trên, dự kiến một lượng lớn nhân sự SMC sẽ bị cắt giảm ngay trong quý IV này.
Công việc đầu tiên của SMC sau tuyên bố thu hẹp hoạt động là chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương - Khu công nghiệp Đồng An (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương), diện tích 6.197 m2, với giá trị bán dự kiến 49 tỷ đồng.
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng mạnh
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 85.400 doanh nghiệp, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 57.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,3%; gần 16.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4%. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, lượng lớn doanh nghiệp giải thể vẫn đến từ lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Khảo sát mới đây của Navigos Group (đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự và sở hữu trang Vietnamworks.vn) cho thấy, có hơn 68,7% doanh nghiệp trong số 555 doanh nghiệp ở tất cả nhóm ngành chọn việc cắt giảm nhân sự để ứng phó với giai đoạn khó khăn hiện tại. Đa số các doanh nghiệp cắt giảm dưới 25% nhân sự, riêng ngành dịch vụ tư vấn có tình trạng cắt giảm trên 75% nhân sự.
Tuy nhiên, việc cắt giảm nhân sự quá mức trong giai đoạn khó khăn đồng nghĩa với việc khi doanh nghiệp muốn tái mở rộng kinh doanh và bổ sung nhân sự thì việc tìm kiếm những lao động có kỹ năng và kinh nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn. Chi phí tuyển dụng và đào tạo cũng có thể tăng lên, chưa kể việc này cũng sẽ tiêu tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp, dẫn đến khả năng chậm tiến độ đơn hàng.
Mặt khác, sau một đợt cắt giảm nhân sự, ở một số trường hợp, người lao động có thể lo lắng về tính ổn định của công việc và tiềm năng phát triển. Điều này cũng được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn Covid-19, người lao động ồ ạt về quê đã tạo áp lực rất lớn cho thị trường lao động vào giai đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông, đặc biệt là tại các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử…
Để tránh trường hợp này xảy ra, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở, giữ chân người lao động.
Theo CTCP May 10 (mã M10), thế mạnh nhiều năm qua của doanh nghiệp vẫn là sản xuất sơ mi khi tỷ trọng sơ mi trước đây chiếm khoảng 60% tại doanh nghiệp, nhưng năm 2023 Công ty phải làm đơn hàng quần, áo polo, áo T-shirt ở xí nghiệp sơ mi, khiến tỷ trọng sơ mi giảm xuống chỉ còn 39%. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chấp nhận những đơn hàng có biên lợi nhuận thấp để duy trì công việc cho cán bộ công nhân viên.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 chia sẻ, suốt nửa đầu năm 2023, Công ty gặp rất nhiều thách thức, nhưng hơn 12.000 người lao động trong Công ty và công ty liên doanh, liên kết chưa phải nghỉ việc một ngày nào.
Tương tự, CTCP May Sông Hồng (mã MSH), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) cũng nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Dù lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng, song lãnh đạo May Sông Hồng khẳng định vẫn giữ lương thưởng, phúc lợi, đảm bảo lợi ích cho người lao động để khi thị trường thuận lợi, người lao động sẽ cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, có hơn 156.000 lao động mất việc tại TP.HCM. Tuy nhiên, đang có hơn 80 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố muốn tuyển dụng lao động, trong đó lĩnh vực dệt may, da giày có nhu cầu tuyển dụng lớn với hơn 20.000 lao động; nhiều doanh nghiệp cũng đăng tuyển lao động thời vụ sẽ góp phần giảm bớt áp lực việc làm cho thành phố trong những tháng cuối năm.