Cách đây 3 tháng, vào tháng 4/2017, một công văn tương tự cũng đã được Văn phòng Chính phủ phát đi. Chỉ có điểm khác là khi đó, số doanh nghiệp trong danh sách đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán mới là 578 doanh nghiệp.
Phải nói rõ, phần lớn trong số này là các doanh nghiệp đã qua 1 năm, kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, thuộc diện phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo chỉ đạo tại Chỉ thị 04/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020. Vấn đề là quy định pháp luật đã có, chỉ đạo đã có, nhưng tại sao vẫn khó thực thi?
Có lẽ phải nhắc lại một quy định… dễ thực hiện hơn, nhưng cũng không hiểu sao lại vẫn khó thực thi. Đó là quy định về công khai thông tin của doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP.
Sau hơn 1 năm Nghị định 81/2015/NĐ-CP có hiệu lực, số doanh nghiệp thực thi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tình hình chỉ chuyển biến khi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phải liên tục có văn bản chỉ đạo đốc thúc.
Nhưng sau tất cả, vẫn không có ai phải chịu trách nhiệm về việc không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Mấu chốt vấn đề ở chỗ, khi các thông tin về doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa được minh bạch, khu vực này sẽ chịu những áp lực rất lớn từ thị trường.
Nghĩa là, các đối tác, các đối thủ, các chuyên gia kinh tế, quỹ đầu tư… đều buộc phải tuân thủ các kỷ luật thị trường mà hệ thống quy định pháp lý dành cho khu vực này đã có. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng sẽ phải đối mặt với trách nhiệm giải trình khi thị trường đòi hỏi.
Tác động dễ thấy nhất từ việc công khai các thông tin này chính là yêu cầu tăng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, áp lực tăng hiệu lực quản trị doanh nghiệp nhà nước và mở rộng khả năng tiếp cận cơ hội đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân với các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước đang có kế hoạch lui chân.
Hơn thế, cũng phải nhắc tới thông tin về gần 4.000 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng vẫn còn vốn nhà nước từ trước đến nay. Các doanh nghiệp này ít được nhắc tới trong các báo cáo, vì được xếp sang danh mục đã hoàn thành cổ phần hóa, song lại đang nắm giữ một lượng không nhỏ vốn nhà nước trong các lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước chắc chắn không cần nắm giữ.
Nếu các thông tin về khu vực trên được công khai rõ ràng, có địa chỉ cụ thể, thì chủ sở hữu nhà nước sẽ tiếp tục tính đếm được nguồn lực thu về từ việc thoái vốn. Cùng với đó, áp lực đẩy nhanh quá trình này cũng tăng lên do việc thoái vốn hoàn toàn theo giá thị trường, không có các vướng mắc về định giá hay các vấn đề kỹ thuật khác như với các doanh nghiệp đang trong quá trình cổ phần hóa.
Đương nhiên, cơ hội thế chân của khu vực kinh tế tư nhân, nhờ vậy cũng sẽ công khai và tăng thêm sự lựa chọn cho các nhà đầu tư có năng lực, có chất lượng… Khi đó, mục tiêu cơ cấu lại nguồn lực nhà nước trong nền kinh tế sẽ đạt được ở cả góc độ doanh nghiệp nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân.
Nhưng vẫn phải đặt lại câu hỏi, tại sao việc thực thi các yêu cầu, quy định của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn quá khó như vậy?