Làm tròn nhiệm vụ cao cả

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người làm báo phải thấu suốt đường lối báo chí của Đảng, viết để nêu những cái hay, cái tốt, đồng thời để phê bình những khuyết điểm; nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại; phê bình thì phải thật thà, chân chính, đúng đắn.
Chiếc máy chữ luôn gắn liền với công việc làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN Chiếc máy chữ luôn gắn liền với công việc làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Tấm gương về tinh thần học hỏi, ý chí, nghị lực phi thường của một nhà báo yêu nước, thương dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo thông thạo nhiều ngoại ngữ, đi nhiều, hiểu nhiều, viết rất nhiều. Với đề tài chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, những bài báo đã “khuấy động tâm hồn của người mất nước, của người lao khổ bị áp bức, bóc lột”; “đọc lên cứ thúc người ta hành động”.

Đặt trong hoàn cảnh đầu thế kỷ XX, khi ảnh hưởng của những trào lưu cách mạng cũng như tiếng vang của các phong trào tiến bộ trên thế giới không hề lan tới được Việt Nam, “những người nông dân bị nhấn chìm trong bóng đêm hết sức tối tăm. Không một tờ báo nào, không ai hiểu bây giờ trên thế giới đương diễn ra những gì; đêm tối, thực sự là đêm tối”, thì sự xuất hiện của báo chí vô sản với những tin tức cách mạng đã mang lại luồng sinh khí hoàn toàn mới cho cách mạng nước ta lúc bấy giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng vĩ đại, nhưng không phải do bẩm sinh, mà phải trải qua quá trình học hỏi, rèn luyện trong đấu tranh cách mạng. Người chính là tấm gương về tinh thần học hỏi, ý chí, nghị lực phi thường của một nhà báo yêu nước thương dân, đã chọn đất nước, nhân dân làm lý tưởng, lẽ sống cuộc đời.

Vì nhiệm vụ cách mạng, Người hăng hái tham gia, không từ chối bất cứ nhiệm vụ nào của nghề báo. Người kể chuyện làm báo của bản thân là “kinh nghiệm ngược”, “học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau đó mới học viết báo Việt Nam”. Trong những ngày đi tìm hình của nước, Người đã học trong đời sống, học ở giai cấp công nhân, ngày thì đi làm, tối đi mít-tinh, tuy khá vất vả nhưng vẫn cố gắng viết để nêu lên tội ác của bọn thực dân.

Luật sư Max Clainville Bloncourt hoạt động trong Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tham gia Ban Biên tập Báo Người cùng khổ nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo. Nguyễn Ái Quốc viết khỏe, có số tới hai, ba bài… Lời văn sắc bén, tư tưởng rõ ràng và mạnh mẽ: đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân Pháp... Xem và đọc những bài và tranh đó, người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”.

Tác phẩm của Người có sức lay động mãnh liệt, chinh phục trái tim và lý trí của hàng chục triệu quần chúng, giúp đồng bào phân biệt được đâu là trắng, đâu là đen, đâu là thật, đâu là giả, đâu là việc nên làm, đâu là điều nên tránh. Những bài viết có tính chiến đấu cao là đòn tấn công trực diện, mạnh mẽ, phơi bày tội ác của bọn thực dân, đế quốc xâm lược trước dư luận quốc tế, nêu cao quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam và nhân dân lao động toàn thế giới, là lời hiệu triệu động viên đoàn kết lại dưới ngọn cờ cách mạng. Đó còn là tiếng nói của con người rất mực yêu chuộng hòa bình, suốt đời phấn đấu vì những mục đích tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội.

Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng

Với sự lãnh đạo, dẫn dắt, nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn nỗ lực để xứng đáng với nhiệm vụ quan trọng, vẻ vang và niềm tin của Người. Theo bước chân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn góp phần xứng đáng vào mỗi chặng đường lịch sử dân tộc, xứng đáng với lời căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng đề ra đường lối, nhiệm vụ và phương hướng công tác báo chí của Đảng qua các thời kỳ đấu tranh để xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người yêu cầu báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Báo chí không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Tự nhận mình là người có duyên nợ với báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ làm báo. Tháng 5/1949, trong thư gửi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, lớp học viết báo đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên muốn viết khá phải “gần gũi dân chúng”, ngồi trong phòng giấy thì không thể nào viết thiết thực được. Muốn lấy tài liệu để viết thì phải nghe, hỏi, thấy, xem, ghi. Khi viết xong một bài phải “tự mình xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa thì đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem” và sửa lại cho dễ hiểu. Phải luôn “gắng học hỏi”, “cầu tiến bộ”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại kỷ niệm năm 1941, Bác Hồ về Pác Bó chuẩn bị thành lập Mặt trận Việt Minh và cho ra đời báo Việt Nam Độc lập: “Bác có giao cho tôi viết một bài về vấn đề phụ nữ. Tôi viết xong, trình lên Bác. Bác xem nhanh, rồi bảo: ‘Bác trả lại chú. Giờ chú chịu khó viết lại 200 chữ thôi. Khi viết cần nhớ: viết cho ai đọc, viết sao cho người đọc hiểu, hiểu để rồi làm’. Thế là từ bài báo gần 1.000 chữ, tôi phải rút ngắn đi 5 lần. Viết xong, tôi lại trình lên “Tổng biên tập”. Bác cho mời mấy người ở xung quanh lại ngồi quây quần bên Bác, rồi bảo tôi đọc bài báo ấy lên. Tôi đọc xong. Bác nhìn mọi người và thân mật hỏi: ‘Thế nào, các cô, các chú nghe chú Văn đọc, có hiểu không?’. Tất cả đáp: ‘Hiểu ạ’. ‘Hay không?’. ‘Hay ạ’. Bác quay sang tôi cười và nói: ‘Bài của chú thế là được!’”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người làm báo phải thấu suốt đường lối báo chí của Đảng. Viết để nêu những cái hay, cái tốt, đồng thời để phê bình những khuyết điểm. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Phê bình thì phải thật thà, chân chính, đúng đắn, nếu để địch lợi dụng, sẽ phản tuyên truyền.

Ngày 16/4/1959, tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo, Bác nêu khuyết điểm: “cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống”, “viết để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo”, “viết về chính trị thì khô khan”, “rập khuôn”, “dùng quá nhiều chữ nước ngoài”. Bác yêu cầu: “tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi”.

Những lời Bác dạy tuy ngắn gọn nhưng súc tích, toàn vẹn và sâu sắc, là bài học ý nghĩa không chỉ trong những năm tháng chiến tranh, mà còn nguyên giá trị thực tiễn trong thời đại hôm nay.

Truyền thống vẻ vang

Từ khi ra đời năm 1925 và được rèn luyện trong các phong trào đấu tranh cách mạng, gần 100 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã xây dựng truyền thống vẻ vang trên tuyến đầu mặt trận văn hóa tư tưởng. Lớp lớp thế hệ nhà báo dũng cảm, nhiệt huyết, say mê với nghề nghiệp đã không hề tiếc công sức, tuổi trẻ, máu xương, thậm chí tính mạng của mình để có tư liệu, tin bài hay, hình ảnh chất lượng.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, biết bao cây bút đã lăn lộn khắp mọi nẻo đường đất nước, từ chiến trường bom đạn đến vùng biên cương xa xôi, không quản khó khăn gian khổ, hy sinh, kiên cường bám trụ, đưa tin từ mọi mặt trận, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, tuyên truyền, thúc giục, cổ vũ kịp thời quân và dân cả nước tiến lên chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Trong những năm tháng ấy, họ lạc quan chia sẻ cùng nhau lúc đói cơm nhạt muối, khi sốt rét mưa rừng, sẵn sàng nhận phần khó khăn, nguy hiểm về mình, thương yêu, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể nói, các thế hệ nhà báo cách mạng đã sống những ngày tháng ác liệt nhất, nhưng cũng có biết bao kỷ niệm sâu sắc đi suốt cuộc đời và trên hết, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp, đội ngũ những người làm báo đang tiếp tục chủ động, sâu sát, sáng tạo trong công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phản ánh gương người tốt, việc tốt, kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền trong đời sống, góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đội ngũ những người làm báo luôn sống trong dòng sự kiện, mưa lũ trắng trời, sạt lở núi vùi chết người, tàu thuyền mất tích do bão biển, nắng hạn, đồng khô, cỏ cháy, hay những bản làng xa tít tắp, nơi biên cương, hải đảo, đâu đâu cũng in dấu chân của họ. Niềm đam mê và ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp thôi thúc họ lên đường, phản ánh hơi thở cuộc sống vào những tác phẩm báo chí với quyết tâm “tắc đường”, chứ không “tắc tin, tắc ảnh”.

Cùng với quá trình đổi mới, phát triển của đất nước, Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng đổi mới, bởi cái mới hôm qua đã trở thành cái cũ hôm nay. Trong sự nghiệp vững vàng “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” vinh quang nhưng đầy gian khó, hiểm nguy, hy sinh và không thiếu cám dỗ, sa ngã ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng, thúc giục các thế hệ nhà báo tiếp tục tiến lên.

Ngay từ những năm đầu hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận rõ báo chí là một vũ khí sắc bén rất cần thiết để giáo dục, giác ngộ, định hướng và tổ chức quần chúng dưới ngọn cờ cách mạng, từ đó sự nghiệp của Người không tách rời hoạt động báo chí. Báo chí là một phần con người Hồ Chí Minh, giản dị, truyền cảm, tràn đầy khí thế lạc quan, thúc giục hành động. Những tác phẩm báo chí của Người mang khí phách dân tộc, thể hiện lương tâm, khát vọng của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình thế giới.

Nguyễn Thị Thu Hằng
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục