Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí phải “vắt óc” để giữ chân độc giả trung thành

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư về xu hướng và con đường phát triển của báo chí Việt Nam.
Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí phải “vắt óc” để giữ chân độc giả trung thành

Nền công nghiệp báo chí thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, trong xu thế chuyển đổi số không thể đảo ngược, độc giả, khán thính giả của báo chí đang ở đâu và vai trò của các cơ quan báo chí trong tương lai sẽ như thế nào, thưa ông?

- Báo chí thế giới luôn hướng tới làm thế nào để phục vụ tốt nhất cho độc giả, khán thính giả. Trong bối cảnh độc giả, khán thính giả đang “di cư” lên các nền tảng số, báo chí bắt buộc phải chuyển đổi theo. Bởi vậy, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí là chuyện rất tự nhiên và đương nhiên.

Thực tế cho thấy, sau hàng trăm năm phát triển, tờ báo in đã không còn là nền tảng được ưa thích. Thậm chí, ngay cả các loại hình có nhiều thế mạnh như phát thanh, truyền hình hiện cũng không đủ sức hút, với không chỉ giới trẻ, mà còn cả nhiều thành phần khác trong xã hội.

Do đó, báo chí buộc phải chạy theo để bắt kịp, cũng như tạo ra những nội dung người dùng cần. Nếu cứ mặc kệ và đứng yên với nền tảng truyền thống thì chúng ta sẽ tự đánh mất độc giả, khán thính giả, tức là sức mạnh không còn, theo sau đó là không có nguồn thu, đồng nghĩa không thể tồn tại.

Từ lâu, báo chí thế giới đã nhận thấy rằng, những xu thế của việc sử dụng các nền tảng số từ Internet, mobile, đến mạng xã hội ngày càng phát triển, nên đã đề ra chiến lược để chuyển đổi theo. Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí không còn chạy theo thái độ người dùng, mà đã dự đoán trước người dùng sẽ đi đến đâu để đón đầu.

Đơn cử, dù vũ trụ ảo (metaverse) mới chỉ được nhắc tới gần đây và chưa phổ biến trong xã hội, nhưng một số cơ quan báo chí đã thực hiện các cuộc phỏng vấn trên metaverse mang tính thử nghiệm.

Tất nhiên, việc đi trước, đón đầu nhu cầu của độc giả không phải lúc nào cũng thành công. Ngay cả khi nắm bắt được xu hướng, nhưng người dùng không ưa chuộng công nghệ đó, thì cơ quan báo chí phải chấp nhận rủi ro, mất đi khoản đầu tư cho công nghệ và đội ngũ nhân sự.

Chẳng hạn, một số cơ quan báo chí sản xuất các sản phẩm thực tế ảo, ra mắt thường kỳ. Dù sản phẩm này được đầu tư lớn, chí phí kém, giúp người xem có nhiều xúc cảm giống như đang nằm trong câu chuyện, song việc dùng kính trong thời gian dài có thể gây chóng mặt, thậm chí là choáng, nên chưa được xã hội chấp nhận nhiều.

Các đơn vị này có thể không nản lòng, tiếp tục tìm hiểu để đón người dùng ở nền tảng công nghệ mới hơn như thực tế ảo tăng cường (AR), cho phép người dùng không cần dùng kính và có thể tương tác trực tiếp trên thiết bị thông minh.

Tuy nhiên, điều này không đơn giản, bởi chúng ta chưa biết những nền tảng công nghệ mới nào sẽ được sinh ra thời gian tới. Thậm chí, trong những năm gần đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng, báo chí di động (sản phẩm báo chí dành cho điện thoại thông minh) sẽ hết thời, thay vào đó là sản phẩm báo chí dành cho những thiết bị đeo trên người, tức là thiết bị ảo thay vì các thiết bị vật lý.

Khi các cơ quan chuyển sang những nền tảng mới, kèm theo là đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt của nhà báo. Những kỹ năng như viết tốt, chụp ảnh, quay phim đẹp chỉ là sự khởi đầu, nhiều cơ quan báo chí đã đầu tư để các nhà báo biết làm infogaphic, thiết kế đồ họa… và nhiều kỹ năng tác nghiệp hiện đại khác.

Bởi thực tế, khi xây dựng nội dung, các cơ quan báo chí đã phải hình dung nó được thể hiện như thế nào và cần có nhân viên lập trình cùng làm để tạo ra những tác phẩm báo chí cầu kỳ, đặc biệt, được may đo riêng, chứ không đơn giản là dán nội dung, hình ảnh, video lên nền tảng internet.

Là người có hơn 30 năm kinh nghiệm báo chí ở nhiều môi trường khác nhau, từ nước ngoài tới các cơ quan báo chí lớn trong nước, ông đánh giá thế nào về sự đổi mới của báo chí Việt Nam? Đâu là điều còn thiếu mà các cơ quan báo chí cần tập trung phát triển trong giai đoạn hiện nay?

- Có thể nói, báo chí Việt Nam bắt nhịp rất nhanh với những xu hướng trên thế giới và không thiếu bất cứ công nghệ mới nào. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa tìm hiểu và có lộ trình chuyển đổi bài bản. Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí cho rằng, cứ có một website đẹp, có bản mobile, có CMS là xong.

Thực tế, báo in thế giới ngày càng khó khăn, nhưng họ đã rất sáng tạo để thu hút quảng cáo, kích thích người dùng và duy trì mối liên hệ với tờ báo in bằng cách tạo trực quan và sự cảm nhận. Chẳng hạn, các tạp chí nước ngoài quảng cáo nước hoa, họ tẩm nước hoa vào trang quảng cáo để người dùng trải nghiệm. Hay quảng cáo thiết bị âm thanh, người dùng có thể tháo tờ quảng cáo ra, gấp thành loa, rồi đặt điện thoại lên sẽ tạo hiệu ứng khuếch đại âm thanh… Trong khi đó, quảng cáo trên báo in ở Việt Nam vẫn theo cách rất cổ điển, truyền thống với những trang in đơn thuần.

Tương tự, phát thanh, truyền hình thế giới cũng có những hình thức thu hút sự tương tác của người dùng. Đặc biệt, trong lĩnh vực digital, quảng cáo ngày càng sinh động và hấp dẫn. Để có nguồn thu, những tờ báo uy tín luôn đặt quảng cáo ở những vị trí đảm bảo tôn trọng bạn đọc, chứ không gắn code chi chít, vô tội vạ vào bất cứ chỗ nào trong bài viết, khiến người đọc khó chịu như cách nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đang làm.

Qua các cuộc hội thảo, có thể thấy rõ rằng, đang có nhiều “chủ thuyết” phát triển khác nhau tại nhiều cơ quan báo chí trong nước, chẳng hạn cần phải thu hút bạn đọc bằng mọi cách, lấy tiêu chí view hay user làm thước đo thành công, trả nhuận bút cho tác phẩm; hay định vị ấn phẩm trong một nhóm nhỏ bạn đọc riêng biệt, một địa phương nhất định; hoặc một cơ quan báo chí phải làm được tất cả theo xu hướng multimedia, multiplatform… Điều này theo ông là sự phát triển bình thường hay chỉ là sự quá độ trong quá trình phát triển lên một nền báo chí hiện đại?

- Thực tế, báo chí Việt Nam đang bị cuốn vào cuộc chơi của các tập đoàn công nghệ, khi họ tạo ra các thuật toán hỗ trợ cho việc tìm kiếm hiệu quả, tạo ra nhiều lợi ích cho người dùng cũng như cơ quan báo chí.

Sự phát triển của mạng xã hội cũng tương tự như vậy. Họ tạo ra những thuật toán nhằm đưa quảng cáo tiếp cận đúng nhu cầu của người dùng mạng xã hội, đồng thời, giúp các cơ quan báo chí cố gắng làm sao để nội dung hiển thị tới đúng đối tượng.

Điều này rất tốt, nhưng lại nảy sinh tình trạng báo chí sản xuất nội dung dựa trên những vấn đề đang nổi lên, hay những sự việc đang được quan tâm chú ý. Thậm chí, bằng mọi cách nhét từ khóa vào tiêu đề, ảnh, bài viết với hy vọng được người dùng tìm kiếm nhiều hơn.

Có thời kỳ, nhiều cơ quan báo chí tự hào khi biết làm SEO, tối ưu hóa cho các máy tìm kiếm. Đây là việc sai hoàn toàn, vì những nội dung mang tính chất pháp luật, hay người nổi tiếng gây tò mò luôn được xem nhiều hơn, nhưng liệu chúng thực sự có giá trị hơn các bài viết về chính trị, kinh tế, đối ngoại, môi trường và nhiều lĩnh vực khác hay không?

Điều này sai về mặt nguyên tắc, vì chúng ta mong muốn bài viết tiếp cận nhiều người và coi đó là hiệu quả, nhưng lại dựa trên thuật toán để tìm kiếm sự chú ý của người dùng. Bản thân một bài viết được nhiều người xem là bình thường, nhưng do chúng ta dùng từ khóa, bắt trend mới được nhiều người xem thì lại không bình thường.

Hãy thử tưởng tượng, một bài phóng sự điều tra được thực hiện trong nhiều tháng, rất nguy hiểm, rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu đổ xuống, nhưng chắc gì được xem nhiều bằng tin pháp luật, hay người nổi tiếng nào đó. Như vậy, vô hình trung, các phóng viên sẽ chạy theo để sản xuất những nội dung nhắm vào thị hiếu tức thời của người dùng hơn là đi vào những bài chuyên sâu.

Có một thực tế đáng buồn là từ khi Internet phát triển, những tin nhanh theo kiểu “mì ăn liền” tăng lên. Những nội dung mang tính chuyên sâu ngày càng giảm. Thói quen đọc của người dùng cũng thay đổi. Họ ngại đọc dài. Cho nên, có những cơ quan, thay vì tập trung sản xuất những nội dung mang tính trí thức, cung cấp kiến thức bổ ích, chuyên sâu, lại chạy theo nội dung hời hợt. Đặc biệt, các bài phóng sự, phóng sự điều tra ngày càng hiếm hoi trên báo chí Việt Nam.

Trong khi đó, báo chí thế giới đang có xu hướng báo chí chậm, tập trung vào những nội dung chuyên sâu. Họ xác định, chỉ báo chí mới có đủ năng lực làm những bài chuyên sâu như vậy và không tham nhiều nội dung, thậm chí ít nội dung hơn trước, nhưng đi vào chiều sâu.

Có những tờ báo trên thế giới một tuần chỉ ra một tác phẩm, nhưng họ lại nhắm được đến đối tượng rất đặc thù, nội dung rất chi tiết, sâu sắc, khiến người dùng sẵn sàng trả tiền để đọc nội dung được cắt may riêng, không thể tìm kiếm ở nơi nào khác. Nhóm độc giả chậm này sẽ tiêu hóa, tiêu thụ được nhiều nội dung chuyên sâu hơn.

Trở lại câu chuyện phát triển của báo chí Việt Nam, chúng ta nắm bắt công nghệ, bám theo trào lưu rất nhanh, nhưng lại không đi tới tận cùng. Đơn cử, với báo điện tử, bước đầu phát triển đã tốt rồi, nhưng đến mức độ nào đó lại hài lòng và dừng lại, không nghĩ xem liệu CMS đã tối ưu chưa, có thể bổ sung tính năng gì mới để làm ra sản phẩm khác biệt? Thực tế, nhiều tờ báo điện tử, cũng như nhiều cơ quan báo chí có website tại Việt Nam hiện đang làm báo in trên nền tảng digital, chứ không phải làm báo điện tử, có khác chăng là thêm nhiều ảnh, video.

Một câu chuyện khác, xu hướng thế giới hiện nay, mỗi trang bài cũng hấp dẫn như một trang chủ (home), trong khi chúng ta làm trang home rất đẹp, nhưng tỷ lệ vào trang home trực tiếp rất thấp. Trước đây, con số này đạt hơn 80%, giờ chỉ còn dưới 20%, vì người dùng hiện nay đa phần xem qua link hoặc các công cụ tìm kiếm. Bài toán của chúng ta là làm thế nào để xem bài xong, người dùng bị cuốn hút, tiếp tục xem trang thứ 2, thứ 3, thứ n.

Theo nghiên cứu, nhiều tờ báo tỷ lệ người xem vào rồi ra luôn rất cao, lên đến hơn 80%. Số lượng người dùng đọc bài thứ 2, thứ 3 rất thấp. Lượng người dành 1 phút, 5 phút, 10 phút trên tờ báo ngày càng ít đi. Do đó, phải “vắt óc”, không ngừng đổi mới, sáng tạo để giữ chân số 20% độc giả trung thành là điều quan trọng nhất.

Hiện nay, chúng ta đang cố gắng tìm 80% người đọc lướt, trong khi 20% độc giả trung thành mới mang lại cơ hội tạo doanh thu cho báo chí. Việc duy trì độc giả trung thành đang bị nhiều cơ quan báo chí bỏ quên, trong khi khoản đầu tư để tìm một người dùng mới đắt hơn chi phí duy trì người dùng trung thành.

Nhìn ra quốc tế, những tờ báo hàng đầu của các nền kinh tế phát triển đang được đầu tư như những công ty công nghệ, có đội ngũ công nghệ thông tin riêng để vận hành, phát triển các sản phẩm như chatbot, IA, máy học… trong làm báo, thậm chí đã sẵn sàng với công nghệ tương lai như metaverse, blockchain. Chuyển đổi số có lẽ là hướng đi bắt buộc với đa số tòa soạn báo tại Việt Nam, nhưng câu hỏi là các cơ quan báo chí cần làm gì để giải quyết câu chuyện nguồn lực, nhân sự và có được các bước đi phù hợp, thưa ông?

- Thực ra, ai cũng nghĩ rằng đầu tư công nghệ rất tốn kém. Đúng là muốn đầu tư bài bản thì cần khoản tiền không nhỏ, nhưng điều đó không có nghĩa các cơ quan báo chí nhỏ, kinh phí có hạn không làm được.

Ở nước ngoài đang có xu thế Media-tech, các cơ quan báo chí lớn xây dựng hẳn đội ngũ làm kỹ thuật, công nghệ hoành tráng, không cần phụ thuộc đối tác công nghệ. Họ mạnh đến mức có thể bán phần mềm, dịch vụ, nhưng số này không nhiều. Tỷ lệ cơ quan báo chí quy mô nhỏ nhưng chuyển đổi hiệu quả cũng không ít.

Câu chuyện ở đây là “liệu cơm gắp mắm”. Một trong những biện pháp được cho là hiệu quả với các cơ quan báo chí quy mô nhỏ và vừa hiện nay là hợp tác với đối tác công nghệ chiến lược. Các đối tác công nghệ này phải được xây dựng dựa trên nhu cầu của cơ quan báo chí để các hệ thống liên thông, đảm bảo thay đổi giao diện vẫn không ảnh hưởng đến toàn bộ dữ liệu.

Những đối tác công nghệ chiến lược sẽ tư vấn, hỗ trợ, đồng hành với cơ quan báo chí trong một thời gian dài. Ví dụ, báo điện tử Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam) ban đầu chọn đối tác công nghệ chưa chuẩn khiến hệ thống vận hành không tốt, nhưng chỉ sau 5 tháng đổi đối tác công nghệ mới vào năm 2009, đến nay càng làm họ càng hiểu ý, chỉ cần nêu ý tưởng họ liền thiết kế hình ảnh, đến cách thức làm công nghệ rất chuẩn. Các dự án tích hợp dễ dàng, giúp hệ thống ngày càng dày dặn và thông minh hơn.

Một câu chuyện riêng của Báo Nhân dân, tờ báo đang mang lên mình những hình ảnh mới hấp dẫn bạn đọc. Sự thay đổi đó được thực hiện thế nào trong thời gian ngắn và đâu là kinh nghiệm dành cho các tòa soạn báo tại Việt Nam, thưa ông?

- Kinh nghiệm thực tế là mọi sự sáng tạo phải dựa trên thế mạnh của từng cơ quan báo chí và sự sáng tạo không thể mang từ nơi này sang nơi khác.

Khi mới làm Tổng Biên tập Báo Nhân dân, bên cạnh hình ảnh rất truyền thống mọi người vẫn nghĩ về báo, tôi phát hiện ra những điểm mạnh rất đặc thù mà nếu biết khai thác thì có thể trở thành những điều độc đáo, khác biệt.

Đơn cử như Bác Hồ từng viết hơn 1.200 bài viết cho Báo Nhân dân, điều này không một tờ báo nào có được. Hay Báo Nhân dân sở hữu hơn 400 truyện độc quyền, chúng tôi tạo ra chương trình Podcast. Hay Báo Nhân dân có thế mạnh liên hệ với các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ rất chặt chẽ, nên chúng tôi tạo ra các bộ lịch, có sự tham gia của các hoạ sĩ hàng đầu Việt Nam. Sự sáng tạo phải xuất từ những thứ chỉ Báo Nhân dân mới có nên không ai có thể sao chép được.

Không cá nhân nào luôn tràn ngập ý tưởng, mà phải có sự ủng hộ, tham gia nhiệt thành của anh chị em phóng viên, biên tập viên, người lao động, mới có thể mở rộng và bền vững được. Khởi đầu không phải họ không có khả năng sáng tạo, mà vì họ đã quen với cách thức làm kiểu cổ điển. Bây giờ người lãnh đạo phải động viên để họ thoát ra khỏi vùng an toàn. Và thật bất ngờ, sự sáng tạo không chỉ xuất hiện ở những người trẻ, mà còn ở những phóng viên, biên tập viên có thâm niên.

Báo Nhân dân đã sáng tạo ra “Ngày đổi mới sáng tạo”. Ban đầu, tôi nghĩ rằng năm đầu tiên chỉ là sự kích hoạt, nhưng cuối cùng, có tới 27 đề án gửi lên. Chúng tôi chấm và trao giải cho rất nhiều ý tưởng thú vị, của cả những người làm chuyên môn và bộ phận văn phòng, các hội, đoàn...

Có những ý tưởng đang được áp dụng, có những thứ đang gợi mở ý tưởng, chỉ cần điều chỉnh một chút sẽ tạo ra những điều tuyệt vời. Chúng tôi luôn khuyến khích những sáng tạo dù là nhỏ nhất với mục tiêu không ngừng đổi mới để phát triển bền vững.

Một vấn đề có liên quan, đó là sự phát triển của mạng xã hội, kèm theo đó là vấn nạn tin giả, quảng cáo xuyên biên giới…, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp thách thức trong các yêu cầu phải hợp tác, cạnh tranh và đấu tranh với các nền tảng này. Theo ông, đâu là hướng xử lý phù hợp để các cơ quan báo chí trong nước vẫn thực hiện được nhiệm vụ chính trị, vẫn phải phát triển được về chuyên môn?

- Từ lâu, các cơ quan báo chí đã có quan điểm coi các tập đoàn công nghệ vừa là bạn vừa là thù.

Là “bạn” vì báo chí phải dựa vào họ để làm quảng cáo, thu hút lượng người truy cập, mà tỷ lệ này càng ngày càng lớn. Mức truy cập trực tiếp đối với một số báo hiện nay xuống dưới 20% và từ các nền tảng tìm kiếm, mạng xã hội lên tới 80%.

Là “thù” vì nhiều cơ quan báo chí có gì cũng để hết lên internet hay trên mạng xã hội, khi các tập đoàn công nghệ thay đổi thuật toán, họ lập tức lao đao. Các tập đoàn công nghệ hiện đang dẫn dắt cuộc chơi. Các cơ quan báo chí vốn được coi là người gác cổng, thì bây giờ phải chạy theo họ.

Thực tế cho thấy, trong vòng 20 năm qua và đặc biệt là trong khoảng 3 - 5 năm gần đây, doanh thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm, cả ở báo in và báo điện tử, bởi cách thức gắn mã code khiến chúng ta không thể kiểm soát được đối tượng người dùng.

Có rất nhiều yếu tố khiến hoạt động báo chí nói chung, nhất là sản xuất nội dung phải lệ thuộc, chạy theo thuật toán câu view, ảnh hưởng đến vấn đề doanh số, doanh thu. Trong khi, quảng cáo lâu nay vốn rất quan trọng, chiếm từ 15 - 95% doanh thu của các cơ quan báo chí.

Tuy vậy, hiện nay, một số cơ quan báo chí rất thành công trong việc tạo ra nguồn thu từ digital và những cách thức tạo nguồn thu khác. Ví dụ, tổng số doanh thu từ quảng cáo năm 2018 lần đầu tiên thấp hơn doanh thu tự động từ người dùng trên toàn cầu.

Bức tranh của báo chí thế giới rất khác với Việt Nam, khi họ đã thu phí người dùng với những nội dung chất lượng cao, tổ chức sự kiện, liên kết với các nhãn hàng kinh doanh trực tuyến, kinh doanh phần mềm, ứng dụng cho các cơ quan báo chí khác, kinh doanh dữ liệu người dùng… Trong khi đó, hiện nay báo chí Việt Nam vẫn loay hoay làm quảng cáo, chứ chưa nghĩ cách thức nào để có nguồn thu từ độc giả.

Chẳng hạn, Washington Post bán phần mềm CMS cho hơn 400 tờ báo trên thế giới. Tại Mỹ, The Wall Street Journal (WSJ) là tờ báo tiên phong thu phí người đọc trực tuyến từ năm 1997. Ngay sau đó, các tờ báo danh tiếng khác cũng không bỏ lỡ cơ hội này. The Financial Times áp dụng năm 2002, tờ The New York Times (NYT) bắt đầu năm 2005 và là một trong những tòa soạn khá thành công với mô hình này… Hiệu quả của paywall (bức tường phí) đã được chứng minh qua doanh thu và số lượng người đọc đăng ký không ngừng tăng của các tòa soạn trên.

Có rất nhiều cách thức để tạo doanh thu. Một cơ quan báo chí phải áp dụng ít nhất ba phương thức kinh doanh mới có thể tồn tại bền vững.

Tại Việt Nam, cũng có những cơ quan báo chí rất năng động khi tổ chức giải thể thao, sự kiện, nhưng không đều đặn, thường kỳ. Trong khi đó, với nhiều cơ quan báo chí trên thế giới, nguồn thu từ tổ chức sự kiện thậm chí chiếm 20% nguồn thu của tờ báo.

Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 đang mang đến những kết quả rõ nét khi sắp xếp và thu hẹp nhiều đầu mối cơ quan báo chí, định vị rõ các loại hình báo chí…, nhưng có một vấn đề vẫn đang được thảo luận nhiều ở các cuộc hội thảo, tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, đó là kinh tế báo chí. Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông đánh giá thế nào về các đề xuất như trao thêm quyền tự chủ tài chính hơn nữa cho các cơ quan báo chí, cơ chế miễn thuế với báo chí để bổ sung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền hiệu quả hơn… hiện nay?

- Chúng ta thấy rất rõ câu chuyện quy hoạch với những mục tiêu hết sức đúng đắn, là tạo nên bức tranh báo chí Việt Nam gọn gàng, tinh nhuệ, hoạt động hiệu quả.

Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng cơ chế để Nhà nước và địa phương, các ngành có kinh phí đặt hàng báo chí. Cách làm này rất đúng, bởi báo chí đã dành thời lượng một số trang nhất định để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, thì việc được cung cấp một khoản kinh phí từ ngân sách là điều dễ hiểu và đương nhiên.

Dẫu vậy, từ mục đích rất đúng đắn đó đến việc thực hiện còn có nhiều khó khăn. Vì có nguy cơ tạo ra cơ chế xin - cho. Điều quan trọng hơn, ai sẽ là người thẩm định nội dung xem có thỏa đáng với kinh phí của Nhà nước đã bỏ ra? Cơ quan báo chí nhận kinh phí, nhưng tuyên truyền không hiệu quả thì thế nào? Làm sao để phân bổ kinh phí cho công bằng giữa các cơ quan nhiều phóng viên và ít phóng viên? Hay bài dài, bài ngắn thì chi phí rasao?... Câu chuyện hiện thực hóa chủ trương này dẫn đến rất nhiều khó khăn, nếu không công minh, không nghiêm túc thì có khả năng ngân sách sẽ không được sử dụng đúng đắn.

Theo tôi, báo chí không nên quá lệ thuộc vào nguồn kinh phí này. Đây chỉ là một phần tạo nên nguồn thu của cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cần phải chủ động hơn nữa nhằm đa dạng hóa các mô hình kinh doanh.

Tất nhiên, việc này rất khó, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta phải cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ liên tục có cách thức mới, cộng thêm hành vi người dùng đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, báo chí phải dám chấp nhận rủi ro để thử nghiệm những cách làm mới mẻ và tìm ra cách thức nào phù hợp với mình nhất.

Một tờ báo nhỏ cũng có thể nhắm đến nhóm đối tượng rất đặc thù để tạo được nguồn thu ổn định hơn một tờ báo có quy mô phát hành lớn, nhưng đối tượng quá đa dạng. Đơn cử, có những tờ báo chuyên dành cho những người mê câu cá. Họ sẽ hướng đến các nội dung về việc hướng dẫn kỹ năng, chỉ ra những cửa hàng bán mồi, phụ kiện câu cá… Khi đó, đối tượng người dùng sẽ rất đều đặn và trung thành.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không có một công thức thành công chung nào dành cho mọi cơ quan báo chí. Dù là sản xuất nội dung hay kinh doanh thì đều phải dựa trên thế mạnh riêng của từng cơ quan báo chí để tăng sức cạnh tranh và ý tưởng sáng tạo dựa trên “đặc sản” của cơ quan mình để không ai có thể sao chép.

Để đảm bảo yêu cầu “chất lượng và hiện đại” thì nguồn lực đầu tư cho cơ quan báo chí hiện tại là chưa đủ, đặc biệt do nguồn thu từ quảng cáo cả báo in, báo điện tử và truyền hình đều suy giảm như đã đề cập. Thưa ông, ngoài nỗ lực tự thân của mỗi cơ quan báo chí, thì đâu là hướng giải quyết về cơ chế chính sách cho các cơ quan báo chí?

- Với báo chí nước ngoài, yếu tố tự thân rất cao, buộc họ phải chuyển đổi để vươn lên. Trong những giai đoạn khó khăn như 2,5 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, không cơ quan báo chí nào được hỗ trợ, nhiều cơ quan báo chí rơi vào khủng hoảng, thậm chí đóng cửa, nhiều nhà báo phải nghỉ việc.

Trong khi đó ở Việt Nam, trong thời kỳ Covid-19 vừa qua, chúng tôi chưa nghe thấy một cơ quan báo chí nào thông báo phải cho nhân viên nghỉ việc. Các cơ quan báo chí khó khăn, có những thời kỳ nguồn thu quảng cáo trực tiếp giảm khoảng 60%, nhưng nay đã phục hồi và phát triển tương đối ổn định.

Điều đó cho thấy sự khác biệt của báo chí Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới. Đôi khi đi hơi chậm một chút, chúng ta lại thoát khỏi khó khăn ập đến với các cơ quan báo chí trên thế giới.

Thực tế, không phải Nhà nước trực tiếp hỗ trợ về kinh phí cho báo chí Việt Nam phát triển trong thời gian khó khăn vừa qua, nhưng có sự chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn cách thức để xây dựng và thực hiện các cơ chế đặt hàng; hay Hội Nhà báo Việt Nam chủ động tổ chức những khóa học đào tạo, bồi dưỡng... mà nước ngoài không có.

Báo chí Việt Nam có cái hay và cái khó riêng khá đặc thù. Chúng ta phải xác định, Nhà nước chỉ tạo điều kiện thuận lợi, chứ không thể làm thay việc của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí phải tự nỗ lực để vươn lên, để cạnh tranh và áp dụng những điều mới mẻ.

Đơn cử như câu chuyện chuyển đổi số, có tình trạng một số cơ quan báo chí ngồi chờ Nhà nước giúp, không tự thân suy nghĩ mình cần gì hay cần đầu tư như thế nào. Rồi nhìn xem có cơ quan nào thành công thì đến học hỏi, khiến chậm chân trong việc chuyển đổi.

Hay dù biết rõ tình trạng báo in trên thế giới bắt đầu sụt giảm từ nhiều năm trước, nhưng không chuẩn bị gì. Vì vậy, hơn 2 năm Covid-19 vừa qua, mức sụt giảm của báo in ở Việt Nam rất nhanh, theo chiều thẳng đứng, rất nhiều cơ quan báo chí không kịp đối phó.

Trong tương lai, nếu chúng ta tiếp tục mắc phải những sai lầm như trên, thì sẽ thua, bởi đứng yên nghĩa là tụt hậu, người khác đã bỏ xa ta cả quãng đường dài.

Xin cám ơn ông về những chia sẻ về một nền báo chí hiện đại, cũng như những điều cần phải tiếp tục thực hiện. Nhân dịp 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), ông có chia sẻ gì với báo chí nói chung, Báo Đầu tư nói riêng?

- Bản tính của người Việt Nam nói chung, người làm báo Việt Nam nói riêng rất linh hoạt, luôn chịu khó nắm bắt những thứ mới mẻ. Nếu chúng ta loại bỏ tư duy chờ đợi và sự an toàn, thì báo chí Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bởi thực tế, Việt Nam đã làm ra những thứ mà thế giới phải học tập, phải mua để sử dụng trong lĩnh vực rất mới mẻ, đặc sắc trên nền tảng digital.

Trong lĩnh vực báo chí, tôi mong muốn lãnh đạo các cơ quan báo chí phải tự vượt qua vùng an toàn của mình, dám chấp nhận rủi ro để có những thử nghiệm mới và dám chấp nhận sai lầm. Làm được điều đó, báo chí Việt Nam sẽ không thua kém ai.

Còn về Báo Đầu tư, tôi nằm trong nhóm độc giả trung thành của Báo. Tôi đã đọc và theo dõi Báo Đầu tư từ những số báo đầu tiên khi tờ báo vừa “chào đời” và nhận thấy, những bài viết chuyên sâu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh thực sự đã tác động, ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Những nội dung của Báo Đầu tư qua nhiều thế hệ đều được đồng nghiệp đánh giá là những cây viết rất sắc sảo. Họ giống như những chuyên gia, không chỉ trong những bài viết liên quan đến đầu tư, mà cả những bài viết về kinh tế, chính trị, xây dựng Đảng...

Trong sự phát triển của báo chí hiện đại, với sự ra đời của hàng loạt cơ quan báo chí, cộng thêm rất nhiều kênh giải trí trên Internet khiến người dùng có sự xao lãng ít nhiều đối với báo chí nói chung và những tờ báo kinh tế nói riêng, nhưng vai trò và vị thế của Báo Đầu tư trong hệ thống báo kinh tế ở Việt Nam vẫn hết sức quan trọng.

Có thể nói, từ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các sở, ban, ngành, địa phương, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều tìm thấy ở Báo Đầu tư những nội dung rất riêng biệt mà họ không thể thấy ở những tờ báo khác.

Đương nhiên, trong sự cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay, để thu hút sự chú ý của người dùng, chắc chắn Báo Đầu tư sẽ còn phải làm nhiều việc hơn nữa. Trong quá trình chuyển đổi số, với những thế mạnh vốn có của tờ báo in, Báo Đầu tư cần phải được chuyển đổi lên các nền tảng số. Nền tảng số ở đây không chỉ dừng lại ở website, ứng dụng điện thoại, Fanpage hay kênh YouTube, mà phải đa dạng hơn nữa. Báo Đầu tư muốn phát triển mạnh thì người dùng ở đâu phải hiện diện ở đó, trên mọi nền tảng có người dùng.

Tôi mong muốn, với nền tảng vững chắc và truyền thống lâu đời, Báo Đầu tư sẽ tiếp tục xây dựng những nội dung mang tính chất chuyên sâu, có chất lượng cao, không chạy theo những trào lưu, xu hướng nhất thời của báo chí nói chung, cũng như các nền tảng digital.

Báo Đầu tư cần làm thế nào để ngày càng giành được niềm tin của độc giả, của các nhà đầu tư, các vị lãnh đạo chính trị, cũng như lãnh đạo doanh nghiệp, để nét đặc thù của tờ báo về kinh tế hàng đầu Việt Nam tiếp tục được giữ vững và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Hồ Hạ - Dũng Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục