Làm thế nào để doanh nghiệp FDI “định cư” tại Hà Nội?

0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, đại diện các tổ chức doanh nghiệp và ngoại giao nước ngoài đã hiến kế để doanh nghiệp FDI “định cư” tại Hà Nội.
Làm thế nào để doanh nghiệp FDI “định cư” tại Hà Nội?

Hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp du lịch         

Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham)

Cả thế giới bị chuỗi hệ lụy do Covid-19. Sống và làm việc tại Việt Nam, tôi cảm nhận rõ sự khó khăn của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, đặc biệt là đối với ngành hàng không, du lịch.

Tôi đánh giá cao Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trong công tác phòng chống Covid-19, minh bạch thông tin về tình hình dịch và đã sớm khống chế được dịch. Do ảnh hưởng của dịch, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất như cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại, gia hạn nộp thuế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc còn gặp khó khăn. Vì vậy, tôi mong muốn Việt Nam và Hà Nội có sự hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, đặc biệt là doanh nghiệp ngành du lịch.

Hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý nhập cảnh vào Việt Nam rất lớn. Việt Nam nên sớm cấp visa và mở đường bay quốc tế trở lại bình thường. Hàn Quốc có thể hỗ trợ Việt Nam về việc chuyển đổi kỹ thuật số để Việt Nam trở thành xã hội kỹ thuật số; đồng thời doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn chung tay, đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội.

Nên tập trung phát triển các khu công nghiệp hiện đại     

Bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham)

Để thu hút đầu tư hiệu quả hơn, Hà Nội nên tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là xây dựng hệ thống thuế, kiểm toán tốt hơn. Đặc biệt, Hà Nội nên tập trung đầu tư thêm kết hợp với cải tạo, nâng cấp để có nhiều khu công nghiệp hiện đại, có đủ hạ tầng, dịch vụ hậu cần chu đáo cho các nhà đầu tư.

Chúng tôi tin tưởng, với sự nỗ lực của Thành phố, cùng xu hướng tăng cường hợp tác ngày càng mạnh mẽ của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ, Hà Nội sẽ ngày càng thu hút được mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư và phát triển.

Hướng tới thương mại bền vững và thu hút FDI chất lượng cao

Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam

Yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là cần đảm bảo mọi hoạt động thương mại và thông thương được phục hồi. Ngoài ra, tiếp tục hướng tới thương mại bền vững và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.

Hà Lan là một quốc gia đầu tư và thương mại hàng đầu thế giới, tôi biết rằng, nhiều công ty Hà Lan đang mong muốn được tăng cường thương mại hợp tác với Hà Nội. Tôi thấy Hà Nội và Hà Lan có nhiều điểm chung,

Lãnh đạo Hà Nội mong muốn phát triển sân bay, giao thông nội địa và trở thành trung tâm logistics, giáo dục và chất lượng nhân lực. Những điều các bạn đang hướng tới cũng tương đồng với 3 cột trụ trong phát triển kinh tế của Hà Lan và sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta có thể cùng hợp tác.

Hà Nội có thể thành lập đơn vị chuyên trách để phát triển các dự án PPP

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Mặc dù Covid-19 gây ra hậu quả lớn, nhưng lại mang đến cơ hội cho Hà Nội, bởi đây là địa phương khống chế được Covid-19, trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư đa quốc gia dịch chuyển cơ sở sản xuất.

Sự dịch chuyển hướng tới đa dạng hóa sản xuất của các công ty đa quốc gia, mang đến cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để biến thành hiện thực. Để thu hút đầu tư, Hà Nội cần xây dựng chính sách khuyến khích FDI thông qua việc cải cách hành chính và đào tạo nhân lực có đủ  kiến thức và kỹ năng.

Hà Nội có thể thành lập đơn vị chuyên trách để phát triển các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng đô thị và WB luôn sát cánh hỗ trợ Hà Nội phát triển mạnh hơn.

Cần sản xuất sản phẩm có giá trị thặng dư cao   

Ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)

Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có nhiều lợi thế chiến lược quan trọng, như mức độ cao về hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực và chi phí hợp lý, cũng như sự ổn định về môi trường chính trị. Việt Nam cần tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và tập trung hướng tới mục tiêu sản xuất những sản phẩm có giá trị thặng dư cao.

Các bạn nên tập trung vào những hoạt động về nghiên cứu và phát triển (R&D), chú trọng vào các ngành phụ trợ và học tập cách thức các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục