Kiểm toán doanh nghiệp FDI để tạo môi trường lành mạnh

Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng chuyên ngành III (Kiểm toán Nhà nước), Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ sớm khống chế được Covid-19.
Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng chuyên ngành III (Kiểm toán Nhà nước). Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng chuyên ngành III (Kiểm toán Nhà nước).

“Để không bỏ lỡ cơ hội, Thủ tướng vừa quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, Kiểm toán Nhà nước cũng nên cân nhắc kiểm toán chuyên đề đối với khu vực kinh tế này”, ông Thăng đề xuất.

Ông có nghĩ rằng, hậu Covid-19 là cơ hội rất tốt để Việt Nam gia tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?

Chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bị lung lay khi cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn bắt đầu xảy ra cách đây vài năm, đặc biệt là thương chiến Mỹ - Trung. Covid-19 bùng phát từ chính Trung Quốc - công xưởng của thế giới - khiến chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gẫy.

Không một nhà đầu tư nước ngoài nào dám mạo hiểm khi tập trung đầu tư tại một thị trường, khi đã nhìn thấy rõ hậu quả của việc chuỗi sản xuất, cung ứng bị gián đoạn, đứt gẫy. Vì vậy, hậu Covid-19 sẽ xảy ra sự dịch chuyển đầu tư.

Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, đặc biệt trong những năm gần đây, khi nước ta tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hiện tại, Việt Nam lại là hình mẫu về kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, nên sức hút đối với vốn FDI càng lớn hơn.

Nhưng thu hút vốn FDI trong những tháng đầu năm nay không tăng, thưa ông?

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần và vốn thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài giảm nhẹ so với với cùng kỳ năm 2019. Đặt trong bối cảnh giãn cách xã hội và giao thương với thế giới bị gián đoạn do Covid-19 mới thấy việc giảm sút này là không đáng kể. Còn nếu đặt trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu giai đoạn 2020 - 2021 dự báo giảm 30 - 40%, thì việc vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ đã là một thành công.

Tận dụng cơ hội đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành hữu quan nhằm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

Tôi cho rằng, đây là hành động rất kịp thời của Chính phủ. Về phần Kiểm toán Nhà nước, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 20/8/2019) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, nên có các cuộc kiểm toán chuyên đề việc thúc đẩy, nâng cao hiệu quả thu hút FDI.

Thưa ông, việc đẩy mạnh thu hút, khuyến khích đầu tư, nhưng cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liệu có dẫn đến những bất nhất trong chính sách?

Bất cứ nhà đầu tư chân chính nào cũng mong muốn có môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng với trách nhiệm giải trình cao; các chính sách, cơ chế ổn định, dễ hiểu, dễ thực hiện. Để biết cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã bảo đảm yêu cầu, mong mỏi của nhà đầu tư chưa, thì phải kiểm toán. Kiểm toán còn đảm bảo sự tương thích giữa chính sách thu hút với thông lệ quốc tế cũng như các hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia.

Nghị quyết 50-NQ/TW khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ; xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước… Nếu không kiểm toán, thì không thể chỉ ra những việc đã làm được, chưa làm được, làm chưa sát thực tế.

Nghị quyết 58/NQ-CP (ngày 27/4/2020) của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW đã chỉ rõ từng đầu việc phải làm, giao cụ thể công việc cho từng bộ, ngành phải làm. Nếu không kiểm toán thì làm sao biết được bộ, ngành nào làm tốt; bộ, ngành nào làm chưa tốt.

Như vậy, cần thiết phải kiểm toán cả khu vực FDI?

Kiểm toán Nhà nước không chỉ nhằm chỉ ra sai phạm, vi phạm, kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị tăng thu, giảm chi…, mà quan trọng không kém là tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan xây dựng và thi hành chính sách. Điều này không doanh nghiệp FDI chân chính nào không mong muốn. Khi các cơ quan của Chính phủ, UBND xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách thu hút FDI và được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán đưa ra ý kiến một cách công khai, minh bạch, thì sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn.

Đó là kiểm toán các bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về FDI. Còn kiểm toán doanh nghiệp FDI thì sao, thưa ông?

Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam mở cửa thu hút FDI, bên cạnh các nhà đầu tư chân chính, muốn hoạt động lâu dài và hai bên cùng có lợi, thì cũng có không ít nhà đầu tư không thiện chí, như đầu tư núp bóng, đầu tư chỉ để lợi dụng các hiệp định thương mại tự do, đầu tư để lẩn trốn thuế khi chiến tranh thương mại giữa các nước lớn xảy ra. Hơn nữa, bất cứ nhà đầu tư nào, trong nước hay nước ngoài, đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán tuân thủ pháp luật, tạo môi trường bình đẳng giữa các nhà đầu tư và đó là mong mỏi của nhà đầu tư chân chính.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục