Áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 và tháng 5/2019 chắc chắn rất lớn vì ngoài 2 đợt nghỉ lễ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, CPI còn chịu áp lực của việc tăng giá điện và giá xăng dầu, thưa bà?
Ngày 20/3/2019, giá điện tăng thêm 8,36%, không tác động đến CPI tháng 3 vì ngành điện chốt chỉ số công tơ của người tiêu dùng vào cuối tháng. Việc tăng giá điện sẽ tác động lên CPI của tháng 4 và tháng 5. Nhưng theo tính toán của chúng tôi, giá điện tăng tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp chỉ làm CPI tăng thêm 0,29%. Tác động trực tiếp là tác động ngay đến các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện.
Tác động trực tiếp vào CPI tháng 4, còn tác động gián tiếp là khi giá điện tăng, đầu vào sản xuất tăng, giá thành sản phẩm tăng, làm tăng giá bán sản phẩm, sẽ tác động lên CPI tháng 5.
Đáng ra, giá bán lẻ xăng dầu đã phải tăng từ ngày 18/3. Tuy nhiên, trước việc tăng giá điện vào ngày 20/3, Tổng cục Thống kê đã kiến nghị tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu vì cả 2 mặt hàng chiến lược này mà cùng tăng trong một thời điểm sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát tháng 3 và quý I/2019, thậm chí có thể gây hoang mang cho người dân.
Việc tăng giá xăng dầu với mức khá cao trong ngày 2/4 (xăng E5 tăng 1.377 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.484/lít, các mặt hàng dầu tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg) không hề bất ngờ, mà đều được tính toán từ trước và nằm trong kịch bản điều hành giá của Chính phủ, với mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát nằm trong mức từ 3,3 - 3,9%.
Theo bà, cụ thể xăng dầu và điện tăng giá tác động lên CPI tháng 4 và tháng 5 thế nào?
Đầu tháng 3 (ngày 2/3) giá xăng dầu tăng khoảng 1.000 đồng/lít, nhưng CPI tháng 3 vẫn giảm 0,21% so với tháng 2 và CPI bình quân quý I chỉ tăng 2,63% - là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và là một trong 3 năm CPI quý I tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, do giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ giảm, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm giảm mạnh.
Trong tháng 4 và tháng 5, giá thực phẩm vẫn tiếp tục giảm do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn. Vì vậy, dù giá xăng dầu và giá điện tăng cộng với việc người dân được nghỉ lễ Giỗ tổ và 30/4-1/5, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là nhu cầu đi du lịch, nhưng CPI tháng 4, tháng 5 cũng như CPI bình quân 4 tháng và 5 tháng đầu năm cũng sẽ không tăng quá cao.
Còn một lý do nữa để đưa ra nhận định trên là trong tháng 4 và tháng 5/2018, có tới 4 lần tăng giá bán lẻ xăng dầu đã khiến CPI tháng 5/2018 tăng cao nhất kể từ năm 2013 và CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01%. CPI so sánh với cùng kỳ năm trước, mặt bằng CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 khá cao, nên CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm không thể tăng cao được.
Từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn giảm do người dân lo ngại dịch tả lợn châu Phi. Thưa bà, khi dịch tả lợn được đẩy lùi, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tăng mạnh, trong khi nguồn cung bị thiếu sẽ tác động lớn tới CPI?
Đúng là có lúc, có nơi, người dân có tâm lý giảm nhu cầu sử dụng thịt lợn do sợ lây lan bệnh dịch. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng rất quan trọng giúp người dân hiểu đúng về loại dịch bệnh này. Nhờ công tác tuyên truyền nên sau một thời gian ngắn, người dân đã hiểu được dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thịt lợn đã tăng trở lại.
Còn trong điều hành, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngăn chặn lây lan dịch tả lợn châu Phi, có biện pháp tái đàn để bảo đảm nguồn cung khi bệnh dịch được kiểm soát; Ngân hàng Nhà nước có hình thức hỗ trợ tín dụng với hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng; Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, kết nối doanh nghiệp chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn với các đơn vị phân phối để giảm chi phí trong lưu thông và bán lẻ.
Trên thực tế, chỉ có một số ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, còn trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn hiện chiếm khoảng 60% nguồn cung mặt hàng thực phẩm này không bị ảnh hưởng. Nguồn cung thịt lợn vẫn bảo đảm trong trường hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trở lại sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát hoàn toàn, nên thịt lợn khó có khả năng tạo áp lực tăng giá tiêu dùng.
Tuy vậy, trong điều hành giá không được chủ quan, chính vì vậy, chúng tôi đã khuyến cáo, đối với các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, phải tránh tăng đồng loạt vào một thời điểm, tránh tăng giá vào dịp lễ, tết hay thời điểm đầu năm học mới, khi mà nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.
Theo bà, áp lực tăng giá năm nay có cao không?
Xăng dầu điều hành theo thị trường thế giới, nên cứ 15 ngày điều chỉnh một lần. Việc này đã được thực hiện từ nhiều năm nay, chứ không riêng gì năm 2019. Dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt… năm nào cũng có. Lương cơ sở năm nào cũng điều chỉnh, chứ không phải chỉ có năm nay.
Nói chung, ngoài việc tăng giá điện thì điều hành giá năm nay cũng không có gì đột biến và việc tăng giá điện, như tôi đã nói, chỉ tác động làm tăng CPI cả trực tiếp lẫn gián tiếp 0,29%. Vì vậy, khả năng kiểm soát CPI dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đặt ra hoàn toàn trong tầm tay.
Trước diễn biến của thị trường, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đều có các kịch bản điều hành. Nói như vậy không có nghĩa là việc kiểm soát lạm phát dưới 4% dễ dàng, vì thực hiện lộ trình chuyển từ phí sang giá, các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, đặc biệt là giá dịch vụ y tế (viện phí) và giá dịch vụ giáo dục (học phí) sẽ tăng.
Đối với học phí, thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP, năm học 2019 - 2020, học phí tiếp tục tăng theo lộ trình. Còn đối với viện phí, thực hiện Nghị định 85/2012/NĐ-CP, theo lộ trình thì bắt đầu từ năm 2013, viện phí sẽ dần từng bước tính đúng, tính đủ gồm chi phí trực tiếp; khấu hao tài sản, thiết bị, máy móc; chi phí tiền lương và chi phí quản lý.
Giá điện đã tăng khiến chi phí trực tiếp khám chữa bệnh tăng; lương cơ sở sẽ tăng từ ngày 1/7/2019 (từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng/tháng), nên lương của nhân viên y tế và dịch vụ thuê ngoài tăng; chi phí quản lý của lĩnh vực khám chữa bệnh sẽ được tính vào viện phí trong năm nay. Tất cả những yếu tố này tạo áp lực tăng viện phí, qua đó tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát.