Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 5 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng theo tháng cao hơn một chút so với kỳ vọng tăng 0,6%, nhưng thấp đáng kể so với mức tăng 2,5% hàng tháng vào tháng 4, cho thấy lạm phát đang chậm lại phần nào.
Trong khi đó, mức tăng theo năm phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters và cao hơn một chút so với mức tăng 9% được ghi nhận vào tháng 4.
Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh cho biết, ước tính lạm phát "sẽ kéo dài cao hơn so với lạm phát vào khoảng năm 1982, trong đó ước tính dao động từ gần 11% trong tháng 1 xuống khoảng 6,5% vào tháng 12”.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tuần trước đã thực hiện lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng đã chậm lại so với các đợt tăng mạnh lãi suất ở Mỹ và Thụy Sĩ, vì có khả năng BoE sẽ kiềm chế lạm phát mà không làm gia tăng sự suy giảm kinh tế hiện tại.
Lãi suất chính hiện đang ở mức cao nhất trong 13 năm là 1,25% và BoE dự kiến lạm phát CPI sẽ vượt quá 11% vào tháng 10.
Paul Craig, Giám đốc danh mục đầu tư tại Quilter Investors cho biết, dữ liệu lạm phát công bố hôm thứ Tư (22/7) là một lời nhắc nhở về những thách thức mà ngân hàng trung ương, chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải đối mặt.
“Thật đáng thất vọng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ không phải là một vấn đề ngắn hạn, và điều này cuối cùng khiến Ngân hàng Trung ương Anh bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan”, ông cho biết.
“Trong khi Mỹ thừa nhận sự cần thiết phải tăng lãi suất một cách mạnh mẽ và nhanh chóng, Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn, cố gắng không đẩy nền kinh tế vào suy thoái vào thời điểm mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang cảm thấy khó khăn”, ông cho biết.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 25% người Anh đã bỏ bữa vì áp lực lạm phát và khủng hoảng lương thực ảnh hưởng đến điều mà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey gọi là viễn cảnh “ngày tận thế” đối với người tiêu dùng.
Cùng với những cú sốc bên ngoài mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt như giá lương thực và năng lượng tăng do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine và các vấn đề chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 tắc nghẽn kéo dài - Anh cũng đang điều hướng các áp lực trong nước, chẳng hạn như rút dần các gói hỗ trợ tài chính của chính phủ trong thời đại dịch và những tác động của Brexit.
Ông Paul Craig gợi ý rằng, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương sẽ theo dõi chặt chẽ thị trường lao động, chứ không chỉ để ý đến những dấu hiệu về các cuộc đình công tiếp theo do tăng lương do lạm phát.
“Với tình trạng lạm phát đang ở mức hiện tại, bất kỳ dấu hiệu nào của sự yếu kém về việc làm sẽ là một dấu hiệu cảnh báo lớn cho nền kinh tế”, ông cho biết.