Lạm phát “hạ nhiệt”, môi trường vĩ mô dự báo ổn định hơn

(ĐTCK) Tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2017 vừa diễn ra mới đây, đánh giá về tình hình tăng trưởng kinh tế trong quý II và các quý còn lại của năm 2017, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, môi trường vĩ mô sẽ ổn định hơn trong năm nay, khi dấu hiệu lạm phát có xu hướng “hạ nhiệt”.
Kết thúc quý I/2017, lạm phát đã giảm nhẹ, dừng ở mức 4,65%

Cho dù các số liệu tính toán có sự chênh lệch nhất định, song các nhận định về bức tranh kinh tế tổng thể quý I/2017 của VEPR cũng khá tương đồng với các số liệu đã công bố trước đó của Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, theo VEPR, tăng trưởng công nghiệp quý I/2017 thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ đạt 4,2%, một trong những nguyên nhân chính là do sự suy giảm của khu vực công nghiệp điện tử. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo cũng chỉ đứng ở mức 8,3%, thấp hơn cùng kỳ các năm trước.

Trong khi đó, ngành nông-lâm ngư nghiệp đã có sự phục hồi đáng ghi nhận, ngành dịch vụ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để bù đắp cho sự sụt giảm bất thường của ngành công nghiệp.

Về thị trường tài chính tiền tệ, theo VEPR, tổng phương tiện thanh toán quý I/2017 có mức giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường, huy động giảm nhẹ, trong khi tín dụng tăng cao, làm ảnh hưởng tới lãi suất huy động trong kỳ. Thị trường bất động sản chưa thực sự sôi động, chỉ tập trung chủ yếu vào phân khúc trung-cao cấp. 

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng VEPR cũng cho rằng, kinh tế quý I có một số điểm tích cực, nhất là việc lạm phát có xu hướng chững lại và dừng ở mức 4,65%. Lạm phát giảm nhẹ chủ yếu dựa trên sự giảm giá hàng hóa cơ bản, bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ thận trọng. Cùng với đó, vốn đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế cũng tăng trưởng mạnh trong quý I. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập tiếp tục gia tăng cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế.

Dự báo cho tình hình tăng trưởng kinh tế quý II cũng như các quý còn lại của năm, TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, sẽ có nhiều yếu tố khó lường cả trong và ngoài nước có thể gây tác động tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Cụ thể, theo ông Thành, về các yếu tố bên ngoài, những bất trắc về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donal Trump, hay sự thắng thế của chủ nghĩa cực hữu tại châu Âu có thể tạo ra những khó khăn mới cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Về nội tại, một số ngành công nghiệp chủ chốt trong nước vẫn đang trong đà suy giảm; đầu tư khu vực tư nhân có dấu hiệu khởi sắc, song tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa mạnh. Một vấn đề đáng lo ngại khác là đầu tư nước ngoài có thể sẽ chững lại do ảnh hưởng của việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị hủy bỏ.

“Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều ràng buộc hơn cho tăng trưởng, khi các nguồn lực lớn như công nghiệp, thu hút FDI dường như sắp đạt ngưỡng tới hạn. Tác động từ việc TPP bị hủy bỏ khiến những lợi thế vốn có bị suy giảm, trong khi những bất lợi về sự giảm sút khả năng cạnh tranh trong hội nhập AEC lại bộc lộ rõ hơn. Điều này cho thấy, việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là một nhu cầu cấp thiết, nhằm tạo động lực cho sự phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới”, ông Thành phân tích.

Về lạm phát, theo VEPR, lạm phát có dấu hiệu “hạ nhiệt” có thể hứa hẹn một môi trường vĩ mô ổn định hơn trong năm 2017. Tuy nhiên, nếu mức chênh lệc giữa lạm phát toàn phần và lạm phát lõi vẫn ở mức cao, sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát có thể tăng trở lại.

“Trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản thế giới tiếp tục phục hồi và giá cả các dịch vụ công vẫn phải điều chỉnh, các nhà điều hành chính sách cần duy trì sự thận trọng để kiểm soát chặt chẽ lạm phát trong các quý tới. Việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục cần thực hiện theo đúng lộ trình để ổn định mặt bằng giá chung trên thị trường. Điều này dù gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn, nhưng tạo sự ổn định trong dài hạn”, TS.Thành khuyến nghị.

Theo dự báo của VEPR, với bối cảnh các nguồn lực tăng trưởng còn chưa rõ nét như hiện nay, trong quý II/2017, tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt khoảng 5,7%, cả năm ước đạt 6,1%, thấp hơn mục tiêu 6,7% mà Quốc hội đề ra.

Để có thể thực hiện được mục tiêu tham vọng trên, cần có nỗ lực lớn trong việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh… Đây là điều kiện để củng cố và gia tăng niềm tin, giúp khu vực tư nhân tăng cường đầu tư vốn vào nền kinh tế, tạo nguồn lực để hồi phục và bứt phá.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục