Làm sao để huy động vốn thành công?

(ĐTCK) Thu hút và huy động vốn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp tăng trưởng, với mong muốn có đủ năng lực vốn để kịp thời nắm bắt những cơ hội kinh doanh tiềm năng có nhu cầu vốn vượt quá nguồn lực mình đang có.
Quản trị tốt cho phép doanh nghiệp huy động vốn bên ngoài ở mức chi phí thấp hơn, từ  đó có thể gia tăng lợi nhuận Quản trị tốt cho phép doanh nghiệp huy động vốn bên ngoài ở mức chi phí thấp hơn, từ đó có thể gia tăng lợi nhuận

Huy động vốn và sử dụng đòn bẩy tài chính là một chiến lược vốn thông minh, tuy nhiên, lại có ảnh hưởng lớn đến mức độ rủi ro và tính bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp. Đòn bẩy tài chính sẽ giúp đem lại lợi nhuận và tăng trưởng cao nếu có một chính sách quản trị rủi ro tốt, tuy nhiên, nó có thể là một quyết định rủi ro ngoài tầm kiểm soát khi thiếu một chính sách quản trị rủi ro và một tầm nhìn tăng trưởng bền vững.

Mức vay nợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ so với các nước phát triển hiện nay còn ở mức thấp. Cụ thể, tỷ lệ tổng nợ/tổng nguồn vốn của 100 công ty niêm yết phi ngân hàng lớn nhất trên 2 sàn HOSE và HNX hiện nay chỉ ở mức 35-38%. Có thể nói, đây là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có minh bạch thông tin tốt nhất tại Việt Nam và được kỳ vọng có thể tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn các doanh nghiệp khác. Mức này được đánh giá là khiêm tốn so với các nước đang phát triển khác như Argentina, Ấn độ… và so với cả các doanh nghiệp Mỹ (mức trung bình là 57%, dao động từ 38-76% - theo Nghiên cứu Báo cáo thường niên các doanh nghiệp Mỹ, năm 2011).

Ngoài ra, trong cơ cấu nợ vay của các doanh nghiệp Việt Nam, tỷ trọng nợ vay dài hạn của doanh nghiệp rất thấp, mà phần lớn là vay ngắn hạn. Vậy làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác được nguồn lực vốn vay từ thị trường cho hoạt động đầu tư phát triển, mà không rơi vào “bẫy” tài chính, mất khả năng thanh toán? 

Thông lệ tốt của thế giới trong kiểm soát rủi ro tài chính của doanh nghiệp

Tại các nước phát triển, các doanh nghiệp chú trọng xây dựng chính sách quản trị công ty, với mong muốn xây dựng một cơ chế quản trị công ty có vai trò kiểm soát và giám sát, đảm bảo việc thực hiện các quyết định đầu tư, kinh doanh vì tương lai lâu dài của doanh nghiệp.

Tại các thị trường vốn phát triển, quản trị công ty là yếu tố quan trọng được cân nhắc khi thị trường quyết định cấp vốn cho doanh nghiệp. Vì vậy, quản trị tốt cho phép doanh nghiệp huy động vốn bên ngoài ở mức chi phí thấp hơn.

Ngoài ra, nơi mà môi trường quản trị công ty minh bạch, an toàn, hệ thống tài chính cũng có mức độ rủi ro thấp hơn, tính biến động do đạo đức kinh doanh sẽ được kiểm soát tốt hơn, giúp cho mức độ an toàn của hệ thống gia tăng và tính biến động của môi trường vĩ mô cũng được hạn chế.

Trong thị trường này, doanh nghiệp sẽ ít lo ngại hơn về các rủi ro đến từ hệ thống, do vậy, sẽ yên tâm hơn trong việc huy động vốn vay cho các dự án đầu tư của mình.

Làm sao để huy động vốn thành công?           ảnh 1

Tại các quốc gia phát triển, vai trò HĐQT trong giám sát và quản trị rủi ro mang ý nghĩa rất lớn. HĐQT thể hiện rõ vai trò của mình trong việc rà soát, thảo luận, phản biện chiến lược kinh doanh, yêu cầu ban điều hành bám sát với định hướng, mục tiêu của doanh nghiệp; đồng thời, HĐQT tham mưu và giám sát thực thi chiến lược, giám sát tình hình huy động nguồn vốn và đảm bảo rủi ro tài chính nằm trong mức có thể kiểm soát được; bên cạnh đó, HĐQT nhận thức tốt vai trò phải công khai chia sẻ thông tin với cổ đông, nhà đầu tư.

Nhắc đến vai trò của HĐQT, không thể không nói tới các tiểu ban chuyên trách trong HĐQT. Với vai trò giám sát rủi ro tài chính, HĐQT có thể có các tiểu ban như Tiểu ban Chiến lược, Tiểu ban Quản trị rủi ro, hay Tiểu ban Kiểm toán nội bộ.

Vai trò tiểu ban Kiểm toán nội bộ, trong nhiều trường hợp là để giám sát từ bên trong doanh nghiệp. Công ty có thể xây dựng một bộ phận kiểm toán/kiểm soát nội bộ, hoạt động chuyên trách và có vai trò báo cáo trực tiếp cho Tiểu ban Kiểm toán nội bộ của HĐQT. Tiểu ban kiểm toán nội bộ của HĐQT có trách nhiệm giám sát công tác quản trị rủi ro, bảo đảm tính minh bạch, phân tích chuyên sâu tình hình tài chính, thẩm định các chính sách vốn, cũng như tiến hành kiểm soát huy động và sử dụng vốn chặt chẽ. 

Câu chuyện tại Việt Nam

Sử dụng vốn vay và kiểm soát rủi ro trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ phức tạp hơn trong các công ty, tập đoàn, khi mà đòn bẩy tài chính hợp nhất là kết quả của tất cả các hoạt động vay nợ, kiểm soát rủi ro của các công ty con và công ty mẹ. Do vậy, quản lý vay nợ trong tập đoàn đòi hỏi một cơ chế quản trị rủi ro được thiết lập cẩn trọng, không chỉ ở phạm vi tập đoàn, mà còn đi sâu xuống từng doanh nghiệp thành viên.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính hợp nhất là thế mạnh của mô hình tập đoàn. Mô hình này cho phép các tập đoàn điều phối dòng tiền giữa các công ty con và tận dụng tính chất “túi chung có nhiều ngăn”. Đây là chiến lược vốn mà các tập đoàn lớn trên thế giới có thể nhanh chóng phát huy “tính kinh tế nhờ quy mô vốn” và “tính hiệu quả nhờ phối hợp dòng tiền” để đầu tư lớn và tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, “thuyền lớn” thường gây nên “sóng lớn”, do vậy, quản trị mô hình tập đoàn đòi hỏi một năng lực quản trị phát triển cao và một tầm nhìn tăng trưởng theo quan điểm bền vững. Việc lạm dụng đòn bẩy tài chính sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp, nếu không kiểm soát được rủi ro kinh doanh.

Trong rủi ro của doanh nghiệp, rủi ro kinh doanh và rủi ro đòn bẩy tài chính là 2 rủi ro quan trọng, có ảnh hưởng sống còn đến tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp. Khi mà doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có rủi ro kinh doanh cao, việc cân đối rủi ro tài chính giữ ở mức thấp sẽ là một biện pháp kiểm soát rủi ro an toàn.

Làm sao để huy động vốn thành công?           ảnh 2

Chẳng hạn, cuối năm 2015, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) có tổng tài sản là 25.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 11.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản 43%. HPG có khả năng thanh toán hiện thời ở mức 1,19 lần. Mặc dù khả năng thanh toán nhanh chỉ ở mức 0,47, nhưng tỷ lệ lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) ở mức 13,74% (14,7% năm 2014) cho phép HPG duy trì được khả năng sinh lợi và tất nhiên là khả năng chi trả trách nhiệm nợ. HPG cũng chọn lựa một mức cân đối trong đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh, với tỷ trọng hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi chiếm đến 80% và 20% hoạt động là đầu tư vào các ngành nghề có/không liên quan. Không đi quá xa lĩnh vực kinh doanh cốt lõi cho phép doanh nghiệp có thể kiểm soát được rủi ro kinh doanh.

Để có thể sử dụng đòn bẩy tài chính cho tăng trưởng và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần luôn nỗ lực cao trong việc cải thiện quản trị công ty, xây dựng một hệ thống kiểm soát tốt rủi ro ở cấp HĐQT và cấp Ban điều hành.

Một ví dụ khác, tại CTCP Dược Hậu Giang (DHG), với tỷ lệ nợ vay 25%, Công ty đã giữ mức vay an toàn với mức độ sinh lợi rất tốt, ROA ở mức 17%. Ngoài ra, DHG đề cao kiểm soát nội bộ khi có Tiểu ban Kiểm toán và quản lý rủi ro trong HĐQT. Đây là một trong số rất hiếm các doanh nghiệp ở Việt Nam không phải thuộc lĩnh vực ngân hàng, nhưng có Tiểu ban Kiểm toán và quản trị rủi ro. Cũng hoạt động trong lĩnh vực truyền thống, DHG cân bằng tốt rủi ro kinh doanh và sử dụng đòn bẩy tài chính để tăng trưởng tốt lợi nhuận cho cổ đông.

Kiểm soát rủi ro cần đặc biệt xem trọng hơn tại các tập đoàn, cần thiết kế hệ thống quản trị sâu sát tới cấp công ty con và không chỉ dừng lại ở cấp quản lý tập đoàn. HĐQT luôn cần thể hiện tầm nhìn và định hướng chiến lược vì mục tiêu phát triển bền vững và luôn cần thực thi vai trò giám sát, cẩn trọng cao đối với Ban điều hành, không chỉ ở cấp tập đoàn, mà còn sâu sát đến Ban điều hành của các công ty con, công ty thành viên, công ty liên kết trong lập và thực thi kế hoạch chiến lược, nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Một cơ cấu vốn được lựa chọn phù hợp với định hướng phát triển và một hệ thống quản trị tốt được thiết kế cho nội bộ tập đoàn không chỉ giúp cho doanh nghiệp tận dụng tác động tích cực từ đòn bẩy tài chính, mà còn giảm thiểu khả năng xảy ra tình trạng kiệt quệ tài chính.

Nguyễn Thu Hiền- Dương Huyền Phương, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ