Lạm phát của Nhật Bản dao động quanh mức cao nhất trong 2 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản đã tăng 0,5% trong tháng 12/2021 so với một năm trước đó, đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm qua. 
Lạm phát của Nhật Bản dao động quanh mức cao nhất trong 2 năm

Sự gia tăng lạm phát gần đây đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

"Nhật Bản sẽ không chứng kiến ​​mức lạm phát tăng cao như ở Mỹ, nhưng có khả năng cao là cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát có thể vượt quá kỳ vọng", một thành viên hội đồng BOJ cho biết sau cuộc họp ngày hôm nay.

Sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI), bao gồm chi phí năng lượng, thấp hơn một chút so với dự báo của thị trường (tăng 0,6%), nhưng phù hợp với mức tăng 0,5% trong tháng 11/2021 và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 2/2020.

Việc chỉ số lạm phát tăng này không có khả năng khiến BOJ rút ngay các biện pháp kích thích tiền tệ, hơn nữa lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu 2% và chủ yếu do các yếu tố bên ngoài tác động chứ không phải do nhu cầu trong nước mạnh. Nhưng ngân hàng trung ương này sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc trấn an thị trường về việc chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ sớm kết thúc, vì một số nhà phân dự đoán lạm phát tiêu dùng sẽ đạt mức 2% khi việc cắt giảm phí điện thoại kết thúc vào tháng 4.

Lạm phát leo thang cũng có thể ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng khi số ca nhiễm biến thể mới Omicron tăng cao và ngày càng có nhiều người lựa chọn ở nhà nhiều hơn để giữ an toàn, làm viễn cảnh phục hồi kinh tế của Nhật Bản thêm mù mịt. Dữ liệu CPI cho thấy, trong tháng 12, hóa đơn tiền điện đã tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước và là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1981, bên cạnh chi phí xăng dầu tăng vọt 22,4%.

Các công ty Nhật Bản, vốn được cho là thận trọng trong việc tăng giá vì sợ doanh số bán hàng giảm cũng không thoát khỏi tác động của lạm phát hàng hóa toàn cầu khi giá bán buôn tại nước này cũng tăng với tốc độ kỷ lục. Điều này khiến cho nhiều công ty buộc phải tăng giá bán và làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về giảm phát sẽ kéo dài.

BOJ đã nâng dự báo về giá cả hàng hóa nhưng không vội vàng thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng với quan điểm lạm phát do chi phí gần đây tăng cao sẽ chỉ là tạm thời. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết, mối quan tâm hiện nay của ngân hàng trung ương là xem xét liệu mức tăng lương có đủ để tăng sức mua của các hộ gia đình hay không, cho phép các công ty tăng giá trong giới hạn và giúp kiểm soát lạm phát một cách bền vững.

Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn về việc liệu các công ty có chú ý đến yêu cầu của Thủ tướng Fumio Kishida về việc tăng lương hay không khi chi phí đầu vào cao có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Một số nhà phân tích vẫn đặt dấu hỏi về việc liệu lạm phát có mở rộng ra ngoài hàng hóa thiết yếu và giá nhiên liệu hay không.

Dữ liệu từ CPI cho thấy, chỉ số loại bỏ ảnh hưởng của năng lượng và giá thực phẩm tươi sống biến động đã giảm 0,7% trong tháng 12/2021, giảm tháng thứ 9 liên tiếp.

Taro Saito, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu NLI cho biết: “Có những mặt hàng có thể tăng giá tương đối dễ dàng, chẳng hạn như nhiên liệu và năng lượng, nhưng tôi không nghĩ rằng, giá các mặt hàng này tại Nhật sẽ tăng nhiều như ở Mỹ hay châu Âu."

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục