Làm gì để tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc

Nhiều cơ hội đang được mở ra khi quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được thúc đẩy. Nhưng vấn đề đặt ra là, làm sao để Việt Nam tối ưu hóa lợi ích từ sự hợp tác này.     
Hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN Hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam có gì?

Một câu hỏi luôn được dư luận đặt ra như vậy về vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam? Nếu chỉ thuần túy về con số, thì đây là một con số không hề nhỏ. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến ngày 20/8/2016, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký đầu tư sang Việt Nam trên 11 tỷ USD (không tính Hồng Kông, Đài Loan, Macau). Trung Quốc đứng hàng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Và nếu “điểm danh”, không ít dự án quy mô lớn cũng đã và đang được các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Gần đây nhất là Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương, vốn đầu tư 1,85 tỷ USD. Dù vẫn luôn được nhắc đến như là dự án của nhà đầu tư Malaysia (Jaks Resources Bhd), nhưng thực tế, BOT Nhiệt điện Hải Dương còn có một chủ đầu tư khác là Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co. Ltd - CPECC). CPECC nắm giữ 50% vốn trong Dự án.

Một dự án nhiệt điện quy mô lớn khác, cũng do các nhà đầu tư Trung Quốc làm chủ đầu tư, là Dự án Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD ở Bình Thuận. Trong dự án này, các nhà đầu tư Trung Quốc (Liên danh hai nhà đầu tư Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc) nắm giữ tới 95% vốn.

Ngoài ra, theo Cục Đầu tư nước ngoài, thời gian gần đây, còn khá nhiều dự án quy mô lớn khác của các nhà đầu tư Trung Quốc, như Dự án Lốp xe Việt Luân, vốn đầu tư 400 triệu USD tại KCN Tây Ninh; Dự án Chế biến cao su Tân Cao Thâm tại Lào Cai với tổng vốn đầu tư 337,5 triệu USD; Dự án Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung tại Lào Cai, vốn đầu tư 337,5 triệu USD...

Vốn đầu tư không phải là ít, nhưng nếu hỏi rằng, đầu tư ở Trung Quốc “có gì”, thì lại không dễ trả lời. Lý do, có lẽ, đúng như GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đó là vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam “lượng nhiều, chất thấp, thiếu tin cậy”.

Dù cũng có những dự án quy mô lớn, song hiếm có dự án nào của Trung Quốc tạo được tác động lan tỏa đến kinh tế - xã hội của Việt Nam như các dự án của Samsung, Intel, hay LG, GE… Chưa kể, những nỗi lo về việc sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đã luôn khiến đầu tư Trung Quốc “mất điểm” trong con mắt của dư luận Việt Nam.

Thực tế, cũng không chỉ hẳn là nỗi lo. Mặc dù đầu tư ở hầu khắp các địa phương của Việt Nam, song dự án của nhà đầu tư Trung Quốc phần lớn có quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, với vốn đăng ký chưa đến 1 triệu USD. Nhiều dự án bị cho là sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn và gây tổn hại đến môi trường. Đặc biệt, hầu như không có dự án nào trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thêm nữa, việc các nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu EPC của rất nhiều dự án gây tai tiếng, như Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II với vốn đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Dự án Đường ống nước Sông Đà... càng khiến câu hỏi về việc “đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam có gì” thêm khó trả lời.

Đón thời cơ lớn?

Dư luận lại đang nhắc tới một cơ hội lớn đang được mở ra sau khi quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được thúc đẩy. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau khi kết thúc hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai vị Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết 9 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định gia hạn bổ sung Quy hoạch Phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021; Hiệp định Hợp tác kinh tế - kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông…

Bên cạnh đó, Danh mục Dự án hợp tác năng lực sản xuất; Hiệp định Thương mại biên giới sửa đổi; Bản ghi nhớ xây dựng Quy hoạch hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020; Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giai đoạn 2016 - 2021; Bản ghi nhớ về việc trao tặng thiết bị hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (trị giá 20 triệu nhân dân tệ) đã được ký kết.

Việc hiện thực hóa các thỏa thuận trên cũng sẽ là cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai quốc gia.

Thêm nữa, xu hướng những năm gần đây cho thấy, cùng với việc là quốc gia nhận đầu tư hàng đầu thế giới, thì giới đầu tư Trung Quốc cũng đang đổ xô ra thế giới để đầu tư bởi dư địa đầu tư đã bắt đầu cạn dần.

Trong làn sóng ấy, Việt Nam là một trong những địa điểm được lựa chọn. Tuy nhiên, khác với việc đầu tư vào ngành công nghiệp giải trí ở Mỹ, hay bất động sản ở Anh, Australia…, các nhà đầu tư Trung Quốc lại chọn một lĩnh vực khác để đầu tư vào Việt Nam: dệt may. Lý do dễ hiểu, Việt Nam đã và đang ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi từ các FTA này.

Một ví dụ khá rõ ràng là Tập đoàn Texhong. Đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn tại Việt Nam, nhưng tập đoàn này vẫn đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất ở Việt Nam để đa dạng hóa nguồn thu. Hiện tại, Texhong đã có tổ hợp 5 nhà máy sợi ở Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch (Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Ngoài ra, nhà đầu tư này còn có một nhà máy sợi 300 triệu USD đã đi vào hoạt động từ năm 2013 ở Quảng Ninh. Năm 2014, Texhong đã chính thức khởi công Dự án hạ tầng KCN Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD, đồng thời rót thêm 300 triệu USD để thực hiện Dự án Chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung tại chính KCN này.

Bên cạnh đó, để phục vụ các dự án thứ cấp tại KCN Texhong Hải Hà, Texhong cũng đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện có công suất 2.000 MW tại đây. Năm 2014, Texhong đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện dự án trên. Đồng thời, nhà đầu tư này cũng đang lên kế hoạch “vời” khoảng 200 nhà đầu tư Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào KCN mà họ đầu tư xây dựng hạ tầng, với kỳ vọng biến nơi đây thành một chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may khép kín.

Chia sẻ về các dự án trên, ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch Tập đoàn Texhong không ngần ngại khẳng định, “đại kế hoạch” đầu tư của Texhong ở Việt Nam xuất phát từ kỳ vọng đón đầu các cơ hội do TPP mang lại.

Trong khi đó, Tập đoàn Shenzhou cũng đã đầu tư Dự án Worldon, vốn đầu tư 300 triệu USD, tại KCN Đông Nam (Củ Chi, TP.HCM). Ở khu vực phía Nam, cũng đã có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư xây dựng các nhà máy dệt may.

Tại Hội nghị bàn tròn đối thoại với các CEO của các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, tổ chức chiều 11/9 tại Quảng Tây (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã rất hào hứng trước các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Chẳng hạn, Tập đoàn Huawei quan tâm các cơ hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Công ty Lưới điện Phương Nam, doanh nghiệp đang đầu tư Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tiếp tục quan tâm tới các chính sách và nhu cầu đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng…

Sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp Trung Quốc tại Hội nghị đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao. “Sự có mặt đông đảo của các đồng chí hôm nay là một biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta”, Thủ tướng nói.

Có thể thấy, cơ hội đón các thời cơ hợp tác mới đang thực sự mở ra.

Tối ưu hóa lợi ích

Hoan nghênh dự án đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng vô cùng thẳng thắn, khi phát biểu trước các doanh nghiệp Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: “Chúng tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư bảo vệ môi trường cho tốt, không đầu tư bằng bất cứ giá nào, cho nên phải sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”.

“Chính phủ, các cấp chính quyền, nhân dân Việt Nam vui mừng đón nhận những xí nghiệp, công ty làm ăn tốt, công nghệ thiết bị bảo vệ môi trường tốt vào Việt Nam và quan tâm đến thu nhập cho công nhân để đảm bảo đời sống theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng thời nhắc tới một số công trình, dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc ở Việt Nam còn chậm tiến độ.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã một lần nữa nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển bền vững đang triển khai, Việt Nam coi trọng các yêu cầu về công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện với môi trường và đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo…

Không chỉ với doanh nghiệp Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã luôn nhất quán quan điểm “không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hy sinh môi trường”, đặc biệt sau sự cố Formosa. Với các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn lâu nay vẫn bị coi là thường sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, ảnh hưởng lớn tới môi trường, thì càng cần cẩn trọng hơn. Cũng đã có rất nhiều cảnh báo về xu hướng Trung Quốc đang dịch chuyển đầu tư các ngành nghề có mức độ ô nhiễm cao sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

GS-TSKH Nguyễn Mại, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam phải tỉnh táo khi lựa chọn dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, sao cho vừa thu hút thêm vốn đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng phải phù hợp với định hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn đầu tư.

Lần này, thông điệp đã được phát đi một cách thẳng thắn và rất rõ ràng từ người đứng đầu Chính phủ. Làm được như vậy, Việt Nam sẽ tối ưu hóa được lợi ích từ dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, tối ưu hóa được lợi ích do các thời cơ lớn mang lại.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục