Làm gì để nền kinh tế 2024 đi đúng kịch bản

0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã được quyết nghị ở mức 6 - 6,5%. Nền kinh tế sẽ phải làm sao để đi đúng kịch bản này?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương

Kinh tế 2023: Tiếp tục phục hồi, nhiều điểm sáng

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, tổ chức vào cuối tuần qua, các ý kiến đều cho rằng, kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng và tích cực.

Gửi báo cáo tới Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng của bức tranh kinh tế toàn cầu, với tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm đạt 5,05%, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD.

Hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư viện dẫn để chứng minh xu hướng tích cực hơn của nền kinh tế. Chẳng hạn, Chỉ số Giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 3,25%; thu ngân sách nhà nước vượt 8,12% dự toán; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD, xuất siêu khoảng 28 tỷ USD… Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), với số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; giải ngân đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất kể từ trước tới nay. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài…

Phát biểu tại Hội nghị với tư cách là chuyên gia kinh tế, ông Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ là tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, mà mức tăng trưởng 5,05% của cả năm cũng cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (2,9%) và cao hơn cả mức bình quân của khu vực ASEAN (4,3%).

Thực tế, các địa phương mới là những nơi “thấm” nhất về sự phục hồi của nền kinh tế. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi hồ hởi cho biết, từ mức tăng trưởng chỉ 0,7% trong quý I, tăng trưởng GRDP của TP.HCM đã tăng lên mức 9,62% ở quý IV, đưa cả năm 2023 đạt 5,81%, góp phần thực hiện mục tiêu chặn đà suy giảm tăng trưởng chung của cả nước.

“Có kết quả này là nhờ, năm 2023, chúng tôi đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, như thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, khởi công nhiều dự án quan trọng, trong đó có đường Vành đai 3, đồng thời tích cực triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM”, ông Mãi nói.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi tăng trưởng GRDP của địa phương đã đạt 13,45% trong năm 2023”.

Bắc Giang chính là địa phương đi đầu cả nước về tăng trưởng GRDP. Với kết quả này, bình quân 3 năm qua, tăng trưởng GRDP của Bắc Giang đã đạt trên 14%, đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Còn ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2023, GRDP của tỉnh tăng 11,02%, cao hơn 0,74 điểm % so với năm ngoái. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, địa phương này có mức tăng trưởng 2 con số.

“Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và đạt được những kết quả khá toàn diện, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhận định.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2023, cả nước có 59 địa phương ghi nhận tăng trưởng dương và 4 địa phương ghi nhận tăng trưởng âm. Trong đó, 7 tỉnh, thành phố tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số.

Kịch bản nào cho nền kinh tế năm 2024?

Kinh tế năm 2023 đã phục hồi tích cực. Nhưng mức tăng trưởng thấp 5,05% của cả nước và vẫn có 4 địa phương tăng trưởng âm cho thấy, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình năm 2024 khó khăn và có thể còn khó khăn hơn cả năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra rằng, dù thời cơ, thuận lợi không nhỏ, khi mà các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư đều có xu hướng tích cực hơn và cơ hội tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024, nhưng thách thức cũng rất lớn. Đó là khi những diễn biến bất lợi của thế giới và khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của Việt Nam.

“2024 vẫn còn nhiều yếu tố ‘rủi ro, bất định, thận trọng’. Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí còn tăng trưởng thấp hơn 2023; lạm phát tuy giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, lãi suất cũng vẫn cao; rủi ro về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, kể cả chuỗi cung ứng cũng còn lớn, ảnh hưởng đến cả đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu của Việt Nam”, ông Cấn Văn Lực lo lắng.

Câu hỏi đặt ra là, nền kinh tế Việt Nam sẽ đi theo kịch bản nào trong năm 2024?

Dù chưa “chốt” chính thức, nhưng trong Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ, kịch bản kinh tế năm 2024 đã được phác thảo. Theo đó, để cả năm đạt mức tăng trưởng GDP 6 - 6,5%, thì quý I/2024, tăng trưởng GDP phải đạt 5,26 - 5,69%. Quý II, con số là 5,8 - 6,29%, để 6 tháng, có thể đạt được tăng trưởng 5,54 - 6%.

Sang quý III, tăng trưởng GDP phải đạt mức cao hơn, là 6,24 - 6,77%; để 9 tháng, đạt 5,78 - 6,27%. Quý IV/2024 sẽ là quý đóng vai trò quyết định tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, do đó, con số phải đạt được là 6,55 - 7,09%.

Nhìn vào các chỉ số này, có thể thấy, đây là một thách thức không nhỏ. Bởi lẽ, năm 2023, nền kinh tế đã “đi” không đúng kịch bản, do những diễn biến khôn lường của kinh tế toàn cầu, khiến tăng trưởng GDP các quý lần lượt ở mức 3,41%; 4,25%; 5,47%; và 6,72%. Mà năm 2024, yếu tố bất định, khó lường thì vẫn còn đó. Chỉ cần một biến động lớn, như xung đột Nga - Ukraine, hay xung đột Israel - Hamas tiếp tục leo thang, thì kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Bởi thế, lường trước khó khăn, chủ động trước mọi tình huống để có phản ứng chính sách kịp thời sẽ là điều quan trọng để nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục vững vàng vượt qua khó khăn.

Chia sẻ về những điểm nhấn quan trọng của kinh tế Việt Nam năm 2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã nhắc đến những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ. “Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Với những nỗ lực đó, kinh tế Việt Nam đã vượt qua những “cơn gió ngược” của kinh tế toàn cầu để đạt được kết quả tích cực trong năm 2023. Ông Cấn Văn Lực cũng nhắc đến điều này. Lấy dẫn chứng về phản ứng chính sách kịp thời của Việt Nam, ông Lực cho biết, việc chính sách tiền tệ đảo chiều ngay từ cuối quý I/2023, chuyển từ chắc chắn sang linh hoạt, nới lỏng, thận trọng, giảm lãi suất, cho phép cơ cấu lại nợ; cộng hưởng với việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ hậu Covid-19… đã hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Thực hiện “5 quyết tâm” để thúc tăng trưởng kinh tế

Năm 2024 là năm có ý nghĩa bản lề đối với việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đây cũng sẽ là năm nền kinh tế “bứt phá để về đích”. Chính vì vậy, Chính phủ đã xác định mục tiêu điều hành trong năm tới là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Trong phương châm điều hành này, ngoài vấn đề “kỷ cương, trách nhiệm”, thì câu chuyện “chủ động, kịp thời” đặc biệt được nhấn mạnh. “Năm 2024, chúng ta vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên với yêu cầu cao hơn, chỉ tiêu lớn hơn năm 2023; vừa giải quyết các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, các vấn đề ách tắc lâu nay về chính sách và tổ chức thực hiện; vừa phải đối phó, phản ứng nhanh với các vấn đề, diễn biến mới có thể phát sinh chưa dự báo được hết”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nói như vậy.

Nhiệm vụ đặt ra là nặng nề. Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, bao gồm tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%; Chỉ số Giá tiêu dùng bình quân kiểm soát ở mức 4 - 4,5%, đang tiếp tục đặt áp lực nặng nề lên điều hành vĩ mô của Chính phủ. Bởi thế, để hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần “5 quyết tâm”.

Đó là, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; và quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

“Hiểu rằng, tình hình năm 2024 còn nhiều khó khăn, có khả năng lặp lại kịch bản tăng trưởng của quý I/2023, chúng tôi đang chuẩn bị triển khai các giải pháp thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng ngay từ đầu năm”, ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%, tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, kinh tế số, sớm hoàn thành quy hoạch và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và đầu tư.

Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tăng trưởng 14,5% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Là địa phương đang nổi lên như “thỏi nam châm” thu hút đầu tư, Bắc Giang muốn có thêm quỹ đất để mở các khu công nghiệp mới, đón nhà đầu tư. “Hiện nay, các khu công nghiệp của chúng tôi đã được lấp đầy”, ông Dương nói.

Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2024, trong đó ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng tình với các giải pháp này, ông Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống, như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, cần thúc đẩy, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, thúc đẩy liên kết vùng.

“Cần tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng như thời kỳ Covid-19, đồng thời, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực thi thể chế, chính sách”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục