Kinh tế Việt Nam bước vào năm 2024 với nền tảng là các kết quả tích cực, quan trọng đạt được trong năm 2023. Tuy vậy, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2024, dự báo tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Cụ thể, bên cạnh thuận lợi là có nền tảng vĩ mô ổn định, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Không chỉ là các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới, tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mà còn là các vấn đề liên quan đến các điểm nghẽn nội tại bên trong.
Trong bối cảnh như vậy, xác định năm 2024 là năm bứt phá, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, khi dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phương châm điều hành của Chính phủ trong năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã nhắc đến phương châm điều hành 16 chữ này.
Theo đó, Chính phủ xác định, trong năm tới, sẽ tập trung điều hành theo hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (với mục tiêu đạt được mức tăng trưởng 6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn cho phép, cắt giảm chi thường xuyên 5%.
Cùng với đó, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA với UAE, khu vực Mỹ La-tinh, tiếp tục mở rộng xuất khẩu vào khu vực châu Phi, thị trường Halal; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 6% so với năm 2023.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Chính phủ cũng xác định sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất ban hành một số chủ trương, cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển điện lực, năng lượng tái tạo; triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII, kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Xây dựng và triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực trong giai đoạn 2025 - 2030.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới…
Chính phủ cũng xác định tiếp tục tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; quyết tâm hoàn thành toàn bộ 7 mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế, 16 chỉ tiêu về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực mới, mang tính đột phá. Đồng thời, chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương; nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.
Với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm này, Chính phủ tin tưởng, nhất định sẽ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và hoàn thành cao nhất Kế hoạch 5 năm 2021-2025.