Ông đánh giá thế nào về mức tăng trưởng kinh tế 5,05% mà Việt Nam đã đạt được năm 2023, trong tương quan với các nền kinh tế của khu vực?
Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm 2023 đầy thách thức, trong đó, thách thức lớn đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu bên ngoài sụt giảm.
Các yếu tố chính giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi khá tốt vào năm 2023 bao gồm sự phục hồi của các ngành dịch vụ trong nước (trong đó có du lịch), cũng như chi tiêu công. Giải ngân vốn đầu tư công tuy còn chậm, nhưng đã phần nào thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2023 rất khả quan, với gần 36,61 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 32,1% so với năm 2022; vốn giải ngân ở mức kỷ lục, với hơn 23,18 tỷ USD.
Chúng tôi cho rằng, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn vững vàng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ kịp thời trong nửa đầu năm 2023, trong khi lạm phát được kiểm soát khá tốt…
Nhìn ra Đông Nam Á, thành tích của Việt Nam là khá tích cực. Trước đó, ADB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của các nước trong khu vực Đông Nam Á từ 4,6% xuống 4,3%. Sự điều chỉnh này phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất tiếp tục mờ nhạt ở các nền kinh tế mở hơn, lớn hơn và có định hướng thương mại hơn trong khu vực, như Malaysia, Thái Lan.
Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 được Quốc hội đặt ra là 6 - 6,5%. Theo ông, đâu là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu này?
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%, với giả định khu vực bên ngoài sẽ phục hồi nhất định, trong khi quá trình phục hồi trong nước có thể lấy lại đà so với năm 2023.
Động lực quan trọng cho Việt Nam đến từ sự ổn định kinh tế vĩ mô thận trọng nhờ các chính sách tài chính và tiền tệ chủ động, được tiếp tục duy trì từ năm 2023. Nhưng chỉ điều này thôi, thì chưa đủ. Theo tôi, đầu tư công, tiêu dùng nội địa và phục hồi xuất khẩu là 3 động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Đầu tư công là biện pháp kích thích tài khóa cần được ưu tiên, vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài chính. Nợ công được kiểm soát tốt ở mức 39 - 40% GDP tính đến cuối năm 2023. Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân khoản đầu tư công khá lớn, khoảng 30 tỷ USD. Điều này sẽ trực tiếp hỗ trợ các ngành công nghiệp như xây dựng và khai thác mỏ, mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn. Việc thực thi chính sách có thể hiệu quả hơn nhờ chi tiêu đầu tư công hiệu quả vào hạ tầng có chất lượng để kích thích các hoạt động kinh tế.
Điều quan trọng nữa, theo tôi, là phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp tài chính khác, như cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và việc giảm thuế GTGT nên được thực hiện đến cuối năm 2024, chứ không phải ngày 30/6/2024. Chính phủ cũng có thể xem xét các biện pháp an sinh xã hội để hỗ trợ thị trường lao động, bao gồm cả trợ cấp thất nghiệp hoặc khuyến khích đào tạo lại kỹ năng.
Tiêu dùng trong nước có thể được thúc đẩy nhờ nhu cầu gia tăng từ các biện pháp tài khóa, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp để giữ lãi suất ở mức tương đối thấp. Chính sách phối hợp có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế hiệu quả, có tính đến sự ổn định tương đối về giá và nhu cầu thấp. Trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ cần mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa cần được mở rộng. Tăng trưởng tín dụng chậm trong thời gian qua cho thấy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải phối hợp chặt chẽ với thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả.
Năm 2024, thị trường toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với thách thức, song đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị trong mạng lưới sản xuất toàn cầu để cải thiện xuất khẩu.
Điều này có thể được bổ sung bằng những cải cách mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút dòng vốn FDI và nâng cao khả năng cạnh tranh để phục hồi nhu cầu thương mại.
Ông có thể chỉ ra những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024?
Năm 2024, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại, đến từ cả bên ngoài lẫn bên trong. Sự phục hồi sức cầu của thị trường thế giới là không chắc chắn; còn ở trong nước, nhiều lĩnh vực kinh tế, như bất động sản, vẫn gặp khó khăn, các thủ tục hành chính còn phức tạp...
Dựa trên đánh giá mới nhất của ADB, chúng tôi nhận thấy sự phát triển không đồng đều ở các nền kinh tế lớn, từ đó tạo ra những bất ổn cho triển vọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bước sang năm 2024, dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu, tăng trưởng chậm hơn năm 2023. Điều này đồng nghĩa với những “cơn gió ngược” mạnh hơn đối với các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có độ mở lớn như Việt Nam. Các nước cần tìm kiếm động lực tăng trưởng thay thế từ thị trường nội địa.
Những bất ổn này của kinh tế toàn cầu vẫn sẽ đè nặng lên nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Điều này có nghĩa là, nhu cầu bên ngoài khó có thể phục hồi đáng kể, bất chấp những dấu hiệu tích cực gần đây. Vì vậy, chính sách của Việt Nam cần chủ động hơn nữa để kích thích nhu cầu trong nước và cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam có thể xây dựng chính sách chính sách tiền tệ và tài chính dựa trên kinh nghiệm và những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2023, tăng cường sự phối hợp để thực hiện hiệu quả.