Làm gì để chống tham nhũng qua hình thức quà tặng?

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận vào hôm nay (13/6), ông Nguyễn Tiến Sinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rất băn khoăn về quy định quà tặng. “Một trong các hình thức tham nhũng phổ biến là quà tặng. Chống tham nhũng qua hình thức quà tặng bằng cách nào quả là quá khó”, ông Sinh trăn trở
Ông Nguyễn Tiến Sinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ông Nguyễn Tiến Sinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Luật Phòng, chống tham nhũng nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà tặng dưới mọi hình thức. Ông có cho rằng, quy định này dường như không có nhiều tác dụng?

Theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. 

Thực hiện quy định này, trong 10 năm qua, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, có khoảng 900 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng; có khoảng 10 trường hợp vi phạm quy định về nhận quà tặng được phát hiện và xử lý. 

Số liệu trên không có nghĩa rằng, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc quy định về tặng quà và nhận quà tặng, mà chỉ cho thấy, quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. 

Nhận quà và tặng quà trong dịp lễ, tết, cưới xin, sinh nhật… là việc hết sức bình thường, là một phần văn hóa của người Việt. Vấn đề này rất tế nhị và cũng rất dễ biến tướng thành một kênh hối lộ.

Nước ngoài quy định về tặng quà và nhận quà tặng thế nào, thưa ông?

Pháp luật các nước quy định, trị giá quà tặng từ bao nhiêu trở lên thì người được tặng quà phải báo cáo và nộp lại cho cơ quan, tổ chức. 

Ví dụ, ở châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia khác, nếu quà tặng trị giá thấp, chỉ mang ý nghĩa quà kỷ niệm, mang giá trị tinh thần như cái bút máy, cái caravat… thì không sao, nhưng trị giá quà tặng từ 100 USD trở lên, người ta không nhận, nếu nhận, đòi hỏi phải có hóa đơn để thực hiện các thủ tục nộp lại quà tặng theo quy định của từng nước. 

Đi công tác ở nhiều nước, sau buổi làm việc, kết thúc chuyến công tác, người ta cũng không mời cơm nếu chi phí của bữa ăn không được quy định cụ thể trong chi phí tiếp đón. 

Vậy Việt Nam cũng có thể quy định quà tặng từ bao nhiêu trở lên phải nộp lại và nghiêm cấm cán bộ, công chức dự chiêu đãi của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình?

Theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức ốm đau, tai nạn hoặc nhân dịp hiếu, hỷ, lễ, tết truyền thống được tặng quà có trị giá dưới 500.000 đồng mà việc tặng quà không liên quan đến công việc của cán bộ, công chức;

Nhận quà tặng từ họ hàng, người thân trong gia đình mà những người này không có mối quan hệ về lợi ích liên quan đến công việc; hoặc nhận quà tặng từ những cơ quan, đơn vị, cá nhân khác không liên quan đến công việc. 

Ngoài các trường hợp này, người được tặng quà đều phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp và nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị. Nếu cán bộ, công chức nhận quà tặng trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng, nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này thì có thể sẽ bị xử lý theo tội nhận hối lộ được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quy định hiện hành về tặng quà và nhận quà tặng đã có, nhưng kiểm soát việc tặng quà, trong không ít trường hợp là hành vi biến tướng của tham nhũng, hối lộ rất phức tạp.

Cụ thể, người ta không tặng quà trực tiếp cho cán bộ, công chức, nhưng nhân dịp sinh nhật, cưới xin, lễ tết của bố mẹ, vợ, chồng, con cái của cán bộ, công chức người ta “mừng” quà trị giá rất nhiều tiền thì xử lý thế nào?

Chống tham nhũng qua hình thức quà tặng, ăn uống, nghỉ mát, du lịch rất phức tạp, rất khó phát hiện, rất khó xử lý, tất cả trông chờ vào sự tự nguyện, tự giác, ý thức của cán bộ, công chức.

Chống tham nhũng qua hình thức tặng quà đúng là rất phức tạp, nhưng không có nghĩa là bó tay trước thực trạng này, thưa ông?

Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội phải dành nhiều thời gian hơn để tập trung thảo luận, hiến kế với Ban Soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để làm sao đưa ra giải pháp khả thi, bịt mọi lỗ hổng có nguy cơ dẫn tới tham nhũng.

Muốn chống được tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức, đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn. 

Tôi rất đồng tình với quy định yêu cầu cán bộ, công chức khi được tuyển dụng phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và phải kê khai bổ sung khi có tài sản mới hoặc thu nhập phát sinh trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. 

Nhiều người cho rằng, quy định này sẽ khiến tăng khối lượng công việc không cần thiết và tạo ra thủ tục hành chính, song tôi nghĩ, lập luận như vậy không đúng.

Vì cán bộ, công chức khi được tiếp nhận cứ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan có thẩm quyền không phải kiểm tra, giám sát, nên không phát sinh thêm công việc.

Bản kê khai này là căn cứ để trong trường hợp cán bộ, công chức có khối tài sản tăng lên bất thường thì có cái để so sánh, đối chiếu và yêu cầu giải trình, nếu không chứng minh được nguồn gốc thu nhập hợp pháp thì sẽ xử lý, còn xử lý bằng cách nào thì các đại biểu Quốc hội cần phải nghiên cứu tiếp.

Cán bộ, công chức cũng như tất cả công dân khác, ngoài công việc chính họ có thể kinh doanh, đầu tư và làm những công việc mà pháp luật không cấm để có thu nhập, nếu có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên, họ rất mong muốn được kê khai bổ sung để khẳng định rằng, thu nhập, tài sản của họ là chính đáng và tránh dư luận xã hội cho rằng, họ trở nên giàu có là do tham nhũng, do nhận quà biếu, quà tặng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục