Tham nhũng - kẻ hủy diệt sự thịnh vượng (bài 2): Khi tham nhũng ẩn trong những bộ mặt khó lường

Tham nhũng - một trong những “nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” vẫn đang diễn biến rất phức tạp và gây nhức nhối. Bởi ở bất cứ nền kinh tế nào, chế độ nào, tham nhũng luôn là kẻ hủy diệt sự thịnh vượng, cản trở mọi nỗ lực vươn tới phồn vinh. Do đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta phải thực sự là cuộc cách mạng của toàn dân chống lại “giặc nội xâm”.

Những đại án, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận vừa qua cho thấy, tham nhũng diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi, ẩn mình dưới những bộ mặt ít ai ngờ tới. Sự cấu kết giữa tiền bạc và quyền lực tạo nên thành lũy nhằm vô hiệu hóa công cuộc chống tham nhũng.

Tham nhũng “biến hình”…

Tham nhũng là hiện tượng xã hội gắn với sự hình thành chế độ tư hữu và quyền lực nhà nước, quyền lực công cộng, do đó, nó là hành vi không mới trong đời sống kinh tế - xã hội. Song ở mỗi thời kỳ, tham nhũng lại mang những đặc điểm khác nhau mà nếu không nắm được bản chất của nó thì sẽ khó nhận diện đúng, trúng để phòng, chống hiệu quả. 

Theo sát thực tiễn những vụ việc vừa qua, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng, tham nhũng có nhiều thủ đoạn, song hiện nổi lên 4 nhóm thủ đoạn và các nhóm thủ đoạn này có sự liên quan mật thiết với nhau.

Một là, tham nhũng thông qua các công trình, dự án kinh tế, với các hành vi lập khống giá trị hay sự ưu ái, chỉ định cho các doanh nghiệp, đơn vị có mối thân quen để trục lợi, mà vụ việc PVN ưu ái chỉ định thầu PVC, MobiFone mua 95% cổ phần AVG, hay các đại dự án thua lỗ ngành công thương, các dự án đầu tư hạ tầng nhiều sai phạm đang được điều tra là những ví dụ điển hình.

Hai là, tham nhũng thông qua mua chuộc quyền lực, thương mại hóa quyền lực để hưởng lợi từ việc được ưu ái mua rẻ đất công. Ai cũng biết bất động sản có giá trị lớn như thế nào, đặc biệt là đất vàng ở những đô thị trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Những vụ việc liên quan đến Vũ “nhôm” và các cựu lãnh đạo Đà Nẵng đang được làm rõ chính là điển hình của thủ đoạn này.

Ba là, tham nhũng thông qua chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm, thăng chức dựa trên các mối quan hệ thân hữu, nâng đỡ không trong sáng, không tuân thủ các quy định, quy trình hoặc hợp thức hóa các quy định, quy trình để đạt mục đích.

Sở dĩ chạy chức, chạy quyền được xem là một thủ đoạn tham nhũng, bởi lẽ, nó sẽ đem lại những mối lợi về dự án, về quyết định cấp đất, bán đất như hai thủ đoạn nêu ở trên, đồng thời lại tạo “cánh hẩu” để các nhóm lợi ích dễ bề hoạt động.

Bốn là, tham nhũng thông qua chạy tội. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm, bởi nó nhắm thẳng vào các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ và thực thi pháp luật, như công an, thanh tra, kiểm sát…

Các đối tượng đã dùng tiền hoặc “rất nhiều tiền” lôi kéo, mua chuộc những cán bộ biến chất, suy thoái để họ giảm tội, bỏ lọt tội và thậm chí dung túng, tiếp tay cho tội phạm. Vụ án đánh bạc trên Internet tại Phú Thọ và một số địa phương mới đây liên quan đến các cựu quan chức ngành công an là điển hình của thủ đoạn này.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), tham nhũng hiện nay có mấy điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, quyền lực bị tha hóa, bị thương mại hóa.

Thứ hai, đang xảy ra nhiều ở những mắt xích quyết định - những vị trí lãnh đạo chủ chốt, thậm chí là quyết định cao nhất - như trường hợp các cựu lãnh đạo tại Đà Nẵng hay nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa và cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh.

Thứ ba, có sự cấu kết tinh vi giữa tiền bạc và quyền lực, hình thành nhóm lợi ích phi pháp, tư lợi. Với những đặc điểm đó, nếu không làm quyết liệt, tham nhũng có thể để lại hậu quả rất lớn ngay trước mắt và nguy cơ lớn cho lâu dài.

Điều đáng nói là, tội phạm tham nhũng đang “ẩn mình” vào dòng chảy sôi động của công cuộc đổi mới, lợi dụng những kẽ hở, những điểm chưa hoàn thiện của hệ thống cơ chế, chính sách để trục lợi, trong đó có những chủ trương lớn như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng...

Đó là điều đã được Đảng ta nhận ra và chỉ rõ, gần đây nhất là tại Nghị quyết số 12-NQ/TW (Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tháng 6/2017) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Trung ương đã nhận định, “thể chế quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước còn không ít hạn chế, yếu kém, tạo kẽ hở để hình thành “nhóm lợi ích”, thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tham nhũng, lãng phí; không rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, quyền hạn chưa gắn với trách nhiệm trong quản trị, điều hành doanh nghiệp nhà nước; thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực”.

… cán bộ biến chất

Không chỉ “biến hình” ngày càng tinh vi, tham nhũng còn nhận được sự “tiếp ứng” của những cán bộ biến chất, suy thoái. Nhìn vào thực tế các đại án mà dư luận hết sức quan tâm vừa qua, có thể nhận thấy, trước khi bị đưa ra ánh sáng, những con người liên quan các vụ việc đó ít nhiều đã được đánh giá là có năng lực, thậm chí được kỳ vọng, từng có lúc được ghi nhận công trạng, được dư luận ủng hộ trong một số quyết định lãnh đạo, điều hành.

Có thể kể đến trường hợp ông Đinh La Thăng với một số quyết sách trong ngành giao thông, các cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến với ít nhiều đóng góp ở “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh với những cuộc phá án có tiếng…

Điều đáng buồn là, khi họ để quyền lực bị tha hóa, để đồng tiền, lợi ích che mờ lí trí, lấn át đạo đức, thì việc sa chân, lạc lối chỉ là vấn đề thời gian.

Chia sẻ với báo chí ngay sau khi xảy ra vụ việc liên quan đến các cán bộ trong ngành công an, tướng Lê Văn Cương phải xót xa rằng, người như ông Phan Văn Vĩnh, đã từng tham gia hàng trăm trận đánh án, nhiều lần phải đối mặt với cái chết đều đã vượt qua, nhưng cuối cùng lại hủy hoại thanh danh bởi những đồng tiền bẩn.

Cán bộ biến chất, suy thoái là nguy cơ lớn với Đảng, với chế độ. Chính vì thế, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ tâm đắc khi Đảng nhấn mạnh sự chuyển hóa, diễn biến của cán bộ và chỉ rõ những biểu hiện của nó. 

“Tổ chức phải nhìn nhận cán bộ trong tính động. Một cán bộ hôm nay tốt, mai không chắc còn tốt. Những trường hợp như ông Đinh La Thăng, các cựu lãnh đạo Đà Nẵng hay các ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa… cho thấy điều đó. Họ từng là những người như thế nào, nhưng sau khi được giao quyền ngày càng lớn thì lại bị quyền lực và tiền bạc tha hóa”.

“Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chỉ đạo tiến hành hơn 2 năm qua, đang được Hội nghị Trung ương 7 thảo luận đã nhìn thẳng thắn vào hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ thời gian qua. Tôi kỳ vọng, Trung ương sẽ có những quyết sách đột phá cho công tác cán bộ thời gian tới như một khâu quan trọng để phòng, chống tham nhũng hiệu quả ngay từ gốc”, tướng Thước bày tỏ.

Vì đâu tham nhũng “sống dai, sống khỏe”?

Nhìn nhận các đại án, vụ việc tham nhũng phức tạp, nghiêm trọng thời gian qua, bên cạnh nguyên nhân khách quan là những hạn chế, yếu kém, lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, thể chế đang dần hoàn thiện như Trung ương Đảng đã chỉ ra, thì phải thắng thắn thừa nhận, trước hết và quan trọng nhất chính là nguyên nhân chủ quan, gồm bản lĩnh mỗi cán bộ, đảng viên và vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực của hệ thống lãnh đạo, quản lý. 

Bản chất sâu xa của tham nhũng là lòng tham, là nhu cầu lợi ích vốn luôn tồn tại trong mỗi con người ở những mức độ khác nhau. Khi hoàn cảnh thuận lợi, khi cán bộ không đủ bản lĩnh, không vượt qua được cám dỗ, thì lòng tham sẽ dẫn dắt họ tiến một bước đến với tham nhũng.

Trong khi đó, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả  gián tiếp tạo ra môi trường, điều kiện để tham nhũng phát tác. Khi quyền lực trong tay, mỗi quyết sách có thể mang theo nó hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, mà không có cơ chế kiểm soát, đảm bảo dân chủ, minh bạch, khách quan, thì hậu quả là rất lớn.

Vụ việc các nguyên lãnh đạo Đà Nẵng liên quan đến Phan Văn Anh Vũ cho thấy, việc giám sát quyền lực có vấn đề, dân chủ phải chăng chỉ còn mang tính hình thức, bởi lẽ các quy định về tài sản, về đầu tư, định giá đất đều có, nhưng lãnh đạo ở địa phương vẫn ra nhiều quyết định dẫn đến sai phạm, vi phạm như kết quả thanh, kiểm tra đã chỉ ra.

Tội phạm tham nhũng đang “ẩn mình” vào dòng chảy sôi động của công cuộc đổi mới, lợi dụng những kẽ hở, những điểm chưa hoàn thiện của hệ thống cơ chế, chính sách để trục lợi.

- Thiếu tướng Lê Văn Cương   

Tương tự, ở PVN, nếu các quy trình góp vốn đầu tư, thực hiện dự án được giám sát đúng pháp luật; trong vụ án đánh bạc trên Internet ở Phú Thọ và một số địa phương, nếu ngành công an có cơ chế kiểm soát quyền lực tốt, biết và giám sát được những người làm nhiệm vụ chống tội phạm công nghệ cao đang làm gì..., thì khó có thể xảy ra những vụ việc với nhiều thế hệ lãnh đạo PVN vướng vòng lao lý hay chính lãnh đạo cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao lại tiếp tay cho tội phạm như vậy. Đáng tiếc là, bao nhiêu chữ “nếu” đặt ra giờ này cũng không thể cứu vãn được những số phận đã bị đồng tiền tha hóa.

Là người làm công tác cán bộ, công tác tổ chức lâu năm và theo dõi sát sao các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn thời gian qua, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng cũng có chung quan điểm rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến tham nhũng hoành hành chính là tình trạng cán bộ biến chất, thoái hóa, lạm quyền diễn ra ở nhiều cấp, với mức độ ngày càng cao và kéo dài. 

Quyền lực được trao vào tay cán bộ để lo cho nhân dân lại được họ dùng để vun vén, tư lợi và từ đó trở thành phá hoại nền kinh tế, làm hại đất nước.

Từ năm 1947, khi Nhà nước ta còn non trẻ, Bác Hồ đã cảnh báo sớm về tình trạng này trong cuốn Sửa đổi lối làm việc. Người nhắc đến những cán bộ đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, chỉ “tự tư tự lợi”.

Bác Hồ đã chỉ đích xác, đó là những người “dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Họ sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào”. 

Trong khi đó, theo ông Hương, chúng ta có nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát, ở cả cơ quan Đảng, chính quyền, các bộ ngành…, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu thực tế để chống lại “giặc nội xâm” tham nhũng.

Cần có những đổi mới căn bản về kiểm soát, giám sát quyền lực, để “nhốt quyền lực vào lồng thể chế” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, thì chống tham nhũng mới hiệu quả.

Tham nhũng ẩn mặt, biến hình tinh vi và cán bộ biến chất, suy thoái, với những nguyên nhân chủ quan và khách quan vừa nêu đòi hỏi “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng phải có quyết tâm cao, cách làm bài bản, hành động quyết liệt.

(Còn tiếp)

Huy Hào
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục