Sáng 8/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi nhóm bị cáo phạm tội Tham ô tài sản. Có 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo PVC, Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch và Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa bị cấp sơ thẩm tuyên phạt từ 3 năm tù treo – 16 năm tù giam.
Hành vi của các bị cáo xuất phát từ chủ trương của Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC). Trịnh Xuân Thanh cùng Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) chỉ đạo các bị cáo khác lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chiếm đoạt. Việc chuyển tiền thông qua đầu mối Bùi Mạnh Hiển, nguyên Chánh văn phòng PVC.
Trình bày về lý do xin giảm án, bị cáo Hiển khẳng định không tham gia bàn bạc, không liên quan việc lập hợp đồng khống. Số tiền bị cáo cho nhân viên nhận về theo chủ trương của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận là 2,7 tỷ đồng/13 tỷ đồng. Việc sử dụng cũng thực hiện theo chỉ đạo của tổng giám đốc, bị cáo không chiếm hưởng đồng nào. Bị cáo không biết nguồn gốc tiền từ hợp đồng khống.
Bị cáo Hiển khai nhận, ngoài Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, bị cáo còn nhận tiền từ một số đơn vị thành viên khác nhưng số tiền ít hơn.
Bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) thừa nhận chỉ đạo bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban điều hành dự án) lập hồ sơ khống. Bị cáo xem xét hồ sơ do cấp dưới trình lên, ký thay tổng giám đốc và báo cáo với anh Vũ Đức Thuận.
“Sau khi nghe bản án sơ thẩm tuyên bị cáo 16 năm tù, một thời gian dài trong trại tạm giam bị cáo rất buồn và nặng nề. Bị cáo là người thực hiện theo chỉ đạo cấp trên. Bị cáo mong HĐXX giảm nhẹ tội cho các bị cáo”, bị cáo Minh khai.
Bị cáo Nguyễn Anh Minh.
Còn bị cáo Vũ Đức Thuận phủ nhận những lời khai của cấp dưới. Bị cáo cho rằng không được Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa báo cáo về hợp đồng khống. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận chủ trương này là sai.
Chủ tọa ngắt: “Đây chỉ là một phần điều tra được ở một dự án này thôi, nếu không phát hiện ra chắc chắn không dừng lại như thế đâu, tiền cứ chuyển lên như thế, không hạch toán kinh doanh lỗ lãi như nào. Rất nhiều vụ án các tổng giám đốc phải ra tòa. Bị cáo phải nhận thức được vai trò chỉ đạo của mình”.
Ép tiến độ, ký hợp đồng ẩu
Tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một số bị cáo nguyên là phó tổng giám đốc PVN liên lụy do đồng phạm với Đinh La Thăng trong việc chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, thiếu điều khoản về thanh toán.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) thừa nhận do bị ép tiến độ nên mặc dù chưa đủ điều kiện vẫn đôn đốc PVPower ký hợp đồng chuyển đổi chủ đầu tư từ PVPower sang PVN . Bị cáo hiểu nếu hợp đồng chưa hoàn chỉnh nên chuyển về tập đoàn để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) cho rằng, điều khoản thiếu có thể bổ sung sau, trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Về lý do chuyển đổi chủ đầu tư từ PVPower sang PVN, bị cáo Sơn thừa nhận do sức ép tiến độ nhà máy rất gấp nên PVN chuyển dự án về tập đoàn trực tiếp quản lý, điều hành.
Trả lời HĐXX, ông Vũ Minh Quang, nguyên Tổng giám đốc PVPower cho hay, “không nắm được lý rõ lý do chuyển đổi này, nhưng theo ý nghĩ chủ quan do năng lực tài chính của tổng công ty”.
Ông Quang cho rằng, PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC vì sức ép tiến độ rất lớn. Tập đoàn thường xuyên có những cuộc họp kiểm điểm tiến độ, yêu cầu không thay đổi thời gian khởi công.
Để có tài chính thực hiện dự án, PVPower phải xin cấp vốn từ tập đoàn bằng hình thức xin tăng vốn điều lệ. Việc làm này phải thông qua các thủ tục theo luật doanh nghiệp và một tháng không thể làm xong được thủ tục.
Chủ tọa gặng hỏi: “Đó có phải lý do PVN phải chuyển đổi chủ đầu tư không?”, đại diện PVPower nói: “Bản thân chúng tôi không biết được”.
Bản án sơ thẩm thể hiện, việc ký hợp đồng gấp rút với mục đích để tạm ứng cho PVC số tiền 6,6 triệu USD và 1.317 tỷ đồng.