Lãi suất USD về 0%, tiền sẽ chảy vào chứng khoán?

(ĐTCK) Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi USD từ 0,75%/năm xuống 0,25%/năm đối với cá nhân và 0%/năm đối với tổ chức.
Động thái hạ lãi suất tiền gửi USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ USD, giảm áp lực lên tỷ giá ngoại tệ Động thái hạ lãi suất tiền gửi USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ USD, giảm áp lực lên tỷ giá ngoại tệ

Động thái chính sách này có thể tác động nhẹ đến nguồn thu của những doanh nghiệp có số dư tiền gửi lớn bằng USD, nhưng về tổng thể lại có tác động tích cực về nhiều mặt đến doanh nghiệp và nền kinh tế.

Quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD của NHNN được xem là biện pháp hạn chế tình trạng tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong thời gian gần đây và liên tục chạm trần biên độ tại hầu hết các ngân hàng thương mại. Việc hạ lãi suất cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chống đô-la hóa nền kinh tế, duy trì ổn định tỷ giá về cuối năm của nhà điều hành, bởi đây thường là thời điểm căng thẳng về tỷ giá.

Nhìn nhận về động thái chính sách này của NHNN, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược CTCK Maritime (MSI) cho rằng, việc lãi suất tiền gửi đồng USD về 0%/năm sẽ không tác động nhiều đến các DN, bởi lãi suất trước khi điều chỉnh cũng đã ở mức rất thấp. Hơn nữa, việc nắm giữ ngoại tệ đối với nhiều DN như một cách dự trữ tài sản, chứ không phải là một kênh đầu tư.

Về phía DN, đối tượng ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định giảm lãi suất tiền gửi USD, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ Trường Thành (TTF) cho biết, điều này không ảnh hưởng nhiều đến TTF, bởi Công ty tuy có nguồn thu bằng ngoại tệ, nhưng gửi ngân hàng không lớn. Thậm chí, chính sách này sẽ khiến nhiều tổ chức, cá nhân chuyển đổi từ USD sang VND để gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh khác, thúc đẩy tốc độ quay vòng vốn trong xã hội, nâng cao dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng.

“Mục đích chính của việc hạ lãi suất đồng USD của NHNN là giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân, khuyến khích người dân nắm giữ tiền đồng” ông Thành bình luận.

Trao đổi với ĐTCK, một số DN cũng cho biết sẽ không găm giữ nguồn vốn bằng USD để trả cho những khoản nợ vay trước đó, mà sẽ luân chuyển từ đồng USD sang VND và sử dụng vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh. Những DN nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất và xuất khẩu thành phẩm thì lại kỳ vọng, việc đưa lãi suất huy động về 0%/năm lại cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay bằng USD với lãi suất thấp hơn.

Tuy vậy, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược CTCK MBS cho rằng, những DN có nguồn thu lớn từ ngoại tệ và có số dư tiền gửi lớn bằng USD ở ngân hàng sẽ mất đi một phần doanh thu tài chính, vì về bản chất làm giảm tính hấp dẫn của việc gửi tiết kiệm bằng USD và tăng lợi thế cho việc gửi tiền bằng VND, nhưng con số này không lớn. Ở khía cạnh khác, lãi suất tiền gửi USD giảm có thể gián tiếp giúp dòng tiền đầu tư chảy từ kênh tỷ giá sang các kênh khác như bất động sản, chứng khoán và DN sẽ hưởng lợi.

CTCK VNDirect cũng đưa ra đánh giá, đây là động thái khá chủ động của NHNN nhằm làm giảm tính hấp dẫn của đồng USD và tạo áp lực cho các tổ chức, cá nhân bán ra USD, giảm găm giữ ngoại tệ. Theo phân tích của ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VN Direct, trong các tháng tới, NHNN có thể sẽ phải nâng lãi suất đồng VND lên để các cá nhân, tổ chức găm giữ đồng USD mạnh dạn chuyển đổi sang VND và động thái điều chỉnh lãi suất USD là nhằm tránh một cú sốc cho đồng USD vào cuối năm nay. 

“Tính từ đầu năm tới nay, thị trường trái phiếu sơ cấp khá ế ẩm bởi các tổ chức tài chính đang mong muốn mức lợi suất cao hơn. Động thái nâng lãi suất trong biên độ hợp lý sẽ giải quyết được nhiều vấn đề ngắn hạn. Đối với các DN thì tác động của việc hạ lãi suất đồng USD là không nhiều và phần nào sẽ tích cực khi giảm áp lực tỷ giá cho các DN có nhu cầu mua USD phục vụ nhập khẩu”, ông Du bình luận.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ