Bà Nguyễn Thị Hạnh, một khách hàng tại VietinBank Chi nhánh Hà Nội cho biết, bà có một khoản USD do người thân ở nước ngoài gửi về cùng với số USD tích lũy được trước đó vẫn đang gửi tiết kiệm trong ngân hàng, nhưng với lãi suất huy động ngoại tệ xuống quá thấp, nên sẽ quyết định đổi sang VND để được hưởng lãi suất cao hơn.
Đối với doanh nghiệp, quyết định này được một chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ giúp NHNN giảm bớt áp lực phải chi bán ngoại tệ cân đối trong thời gian vừa qua khi điều chỉnh tỷ giá. Bởi khi các doanh nghiệp không còn động lực để gửi tiết kiệm USD, họ sẽ có giải pháp xử lý nguồn ngoại tệ hiện có, có thể là mua đi bán lại với nhau hoặc bán ra để lấy VND hoặc chuyển đổi sang loại ngoại tệ khác… Việc này sẽ làm tăng lượng cung ngoại tệ trên thị trường, qua đó giúp các đơn vị thiếu có thể mua được, kể cả NHNN trong việc mua USD để bổ sung dự trữ ngoại hối.
“Chắc chắn cả người dân, doanh nghiệp sẽ phải tính toán một cách hợp lý giữa việc nắm giữ đồng USD với mức lãi suất như vậy hay chuyển đổi ra VND để đầu tư, kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn”, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank nói.
Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, để có được số liệu tương đối về sự dịch chuyển của USD sang VND sau quyết định giảm lãi suất huy động ngoại tệ có hiệu lực, cần thời gian ít nhất một tháng khi người dân đến kỳ hạn rút tiền gửi tiết kiệm. Còn đối với doanh nghiệp, sẽ không có thay đổi hay tác động lớn.
Lý giải về nhận định này, vị lãnh đạo trên phân tích, nếu nói doanh nghiệp “găm” giữ ngoại tệ là hơi quá, bởi các doanh nghiệp Việt Nam, để có doanh thu bằng USD thì phần lớn đều là vay USD từ ngân hàng, nên khi có dòng tiền về đều phải để thanh toán. Doanh nghiệp nào không vay bằng USD mà bằng VND, thì khi có doanh thu USD cũng sẽ bán đi để lấy VND thanh toán cho ngân hàng. Mặt khác, nếu có USD, doanh nghiệp cũng muốn bán chứ không giữ lại nhiều vì về nguyên tắc, để USD trong tài khoản tại ngân hàng cũng không được hưởng lãi suất, nên rõ ràng không có lợi.
“Vấn đề có liên quan là khi thị trường biến động, tỷ giá lên xuống bất thường, đôi khi doanh nghiệp giữ USD lại vài ngày nhằm có thêm chút lợi nhuận, chứ doanh nghiệp không có sẵn nguồn vốn ngoại tệ gửi tiết kiệm kiếm lợi nhuận. Các ngân hàng cần chuẩn bị trước các kịch bản cho thời gian tới”, vị lãnh đạo trên nói.
Trước thông tin đang âm ỉ trên thị trường về việc một vài ngân hàng tư vấn cho khách hàng chuyển sang gửi tiết kiệm bằng Euro và AUD (đô la Úc), nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, điều này không khả quan và khó trở thành làn sóng mạnh trong thời gian tới. Nguyên nhân, khách hàng sẽ chịu rủi ro tỷ giá của cặp tiền tệ này còn lớn hơn so với USD. Ví dụ như AUD là đồng tiền yết giá (commodity currency), nên khi nền kinh tế thế giới suy yếu, nhu cầu hàng hóa giảm, AUD cũng yếu theo, trong khi USD lại mạnh lên. Hai vấn đề này tác động lẫn nhau sẽ khiến AUD chịu rủi ro lớn hơn nữa.
“Cách đây 2 năm, có những lúc AUD ngang ngửa, thậm chí cao giá hơn USD, nhưng hiện nay, AUD chỉ bằng 0,7 so với USD”, một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam thận trọng: “Chúng ta cần lưu ý nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu với nền kinh tế thế giới. Do đó, khi Fed tăng lãi suất, cần duy trì mặt bằng lãi suất USD trong nước ở mức hợp lý để đảm bảo lãi suất USD tại Việt Nam không quá thấp so với mặt bằng lãi suất thị trường quốc tế. Điều này sẽ giúp tránh việc khó thu hút vốn vào thị trường Việt Nam hoặc các doanh nghiệp sẽ tìm cách giữ doanh thu xuất khẩu tại nước ngoài”.
Trước những phản ứng của thị trường sau khi lãi suất USD giảm, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp, nhằm đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.