Lãi suất tiết kiệm khó tăng cao

(ĐTCK)  Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục nhích nhẹ khi cầu vốn cải thiện về cuối năm. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, lãi suất tiền gửi trong nước khó tăng cao khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bước vào lộ trình hạ lãi suất.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện mới dừng lại ở mức 6,1%, cho kỳ hạn 18-36 tháng

Lãi suất huy động sẽ tăng chậm lại

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động, gồm DongA Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, BacA Bank, NCB, OCB, BVBank, ACB, PGBank và Nam A Bank. Tuy vậy, hiện tại, lãi suất huy động cao nhất được áp dụng mới dừng lại ở mức 6,1%/năm, được niêm yết tại 5 ngân hàng: NCB và OceanBank (kỳ hạn tiền gửi từ 18 - 36 tháng); HDBank (kỳ hạn 18 tháng); Saigonbank và SHB (kỳ hạn gửi tiền từ 36 tháng).

Xu hướng tăng lãi suất vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân. Còn nhóm 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.

Theo Công ty Chứng khoán MBS, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ nhích thêm 0,7 - 1%/năm, lên 5,3 - 5,6%/năm trong các tháng cuối năm, do áp lực tỷ giá đã dịu bớt nhờ Fed bước vào lộ trình hạ lãi suất.

Sau hơn một năm duy trì lãi suất tham chiếu ở mức 5,25 - 5,50%/năm, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%/năm tại cuộc họp diễn ra vào ngày 17 - 18/9 vừa qua, đưa lãi suất tham chiếu xuống còn 4,75 - 5%/năm. Đây cũng là lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Mỹ hạ lãi suất kể từ năm 2020. Tuy nhiên, thông qua biểu đồ “dot plot”, Fed phát tín hiệu chỉ cần cắt giảm lãi suất thêm 0,5%/năm trong năm nay. Có thể thấy, Fed đã đưa ra tín hiệu rất rõ ràng về việc không nới lỏng vội vã và các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra quyết định của mình một lần nữa dựa trên dữ liệu thực tế tại từng cuộc họp.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam nhìn nhận, việc cắt giảm lãi suất 0,5%/năm của Fed vừa rồi đã đảo ngược xu thế các đợt tăng lãi suất VND trong nửa đầu năm 2024, cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần định hướng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian gần đây.

Ngay trước thềm cuộc họp Fed, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) từ mức 4,25%/năm xuống còn 4%/năm. Đây cũng là lần giảm lãi suất OMO thứ hai trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, cho thấy chính sách tiền tệ tiếp tục linh hoạt nhằm hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, áp lực tỷ giá USD/VND gần đây đã suy giảm khá nhiều (khi tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố về sát 24.000 đồng/USD, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng cũng lùi xuống dưới 25.000 đồng/USD, còn 24.480 đồng/USD bán ra) sẽ làm giảm lạm phát nhập khẩu, qua đó, góp phần giúp lạm phát duy trì được mục tiêu dưới 4,5% trong thời gian còn lại của năm.

“Chính sách tiền tệ được kỳ vọng tiếp tục duy trì theo hướng hỗ trợ, với việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,5%/năm. Tuy nhiên, với việc Fed mới bắt đầu bước vào chu kỳ giảm lãi suất của mình với rất nhiều kịch bản phía trước, những khác biệt về chính sách có khả năng vẫn còn duy trì, cùng với xu hướng tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm tiếp tục là yếu tố chính ảnh hưởng tới thanh khoản, lãi suất VND”, ông Khoa nêu quan điểm.

Nhận định được PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra, việc tỷ giá hạ nhiệt đã giúp nhà điều hành có nhiều dư địa để giảm lãi suất OMO, từ đó hạ lãi suất thị trường và hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy vậy, chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ, do đó, giảm lãi suất mới chỉ tác động đến tâm lý thị trường, còn tác động thực sự sẽ không ngay lập tức, nhưng động thái nới lỏng gần đây của Fed đã giúp lãi suất huy động tăng chậm lại. Thậm chí, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,3%/năm.

Sau nhiều ngày khá trầm lắng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bơm mạnh tiền ra thị trường trước bối cảnh lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng. Cụ thể, trong phiên đấu thầu tín phiếu ngày 24/9/2024, có 9 thành viên trúng thầu với tổng giá trị hơn 23.046 tỷ đồng, đây là phiên có khối lượng cao nhất kể từ đầu tháng 9 đến nay. Lãi suất trúng thầu duy trì ở mức 4%/năm cho kỳ hạn 7 ngày.

Giữ ổn định lãi suất cho vay

Việc Fed giảm lãi suất USD sẽ góp phần giúp cho Việt Nam ổn định được mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng

Ông Huân cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây là do trước đó đã giảm mạnh nên các ngân hàng phải tăng để “giữ chân” dòng tiền nhàn rỗi khi các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu hồi phục trở lại. Vả lại, nhu cầu vốn được dự báo cải thiện trong các tháng còn lại của năm nên ngân hàng tăng huy động để chuẩn bị tốt thanh khoản, đáp ứng cầu tín dụng.

Theo dự báo của PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, từ nay tới cuối năm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có thể tăng khoảng 1%/năm nhưng lãi suất cho vay sẽ khó tăng, nhất là đối với lãi suất cho vay doanh nghiệp.

Từ góc nhìn của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc Fed giảm lãi suất USD sẽ góp phần giúp cho Việt Nam ổn định được mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, việc Fed giảm lãi suất sẽ làm cho USD yếu đi, giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giữ tỷ giá hối đoái ở mức tăng gần 2% (so với đầu năm) hoặc thấp hơn nữa. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước không còn áp lực hút tiền về để giảm áp lực tỷ giá như giai đoạn trước, hỗ trợ cho việc ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí hạ lãi suất để kích cầu tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.

Nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra, Fed sẽ còn cắt giảm lãi suất trong thời gian tới và điều này tác động tích cực lên tỷ giá, lãi suất VND. Ông Ngô Đăng Khoa cho biết, HSBC dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp chính sách từ nay tới cuối năm cũng như 4 cuộc họp tiếp theo vào năm sau, đưa lãi suất tham chiếu xuống còn 3,25 - 3,5%/năm vào tháng 6/2025.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB cũng kỳ vọng, Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2024 (tức là hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, vào các cuộc họp của FOMC diễn ra lần lượt vào ngày 24/11/2024 và ngày 24/12/2024) và sẽ giảm 100 điểm cơ bản trong năm 2025 (cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý).

“Chúng tôi vẫn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong phần còn lại của năm 2024, song Ngân hàng Nhà nước vẫn để mắt đến những rủi ro về lạm phát”, ông Suan Teck Kin nói thêm.

Liên quan đến chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với tốc độ và xu hướng chung của nền kinh tế, đặc biệt là so với trước kia, tình hình tín dụng khởi sắc dần. Đến ngày 17/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tin rằng, có khả năng đạt được 15% tăng trưởng tín dụng và mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, quan trọng nhất là làm sao tập trung tăng trưởng chất lượng, tức mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế, trong đó đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục