Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài vượt 7%/năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đã lên mức 6,9% - 7,4%/năm. 
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài vượt 7%/năm

Lãi suất huy động tăng giảm trái chiều

NHNN vừa công bố thông tin về diễn biến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của TCTD đối với khách hàng tháng 7/2024. Cụ thể, tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.

Mức 2,4% - 3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4% - 4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5% - 6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9% - 7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Còn lãi suất tiền gửi USD của TCTD vẫn ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Gần đây một số ngân hàng "lội ngược dòng" khi giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn dài như: OCB vừa công bố biểu lãi suất huy động mới nhất, theo hướng giảm ở một số kỳ hạn 24 - 36 tháng, với mức giảm 0,2%/năm. Trong đó, mức 6%/năm được OCB duy trì suốt hai tháng qua đối với tiền gửi kỳ hạn 36 tháng nay giảm về 5,8%/năm.

ABBank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ mức cao nhất thị trường 6,2%/năm xuống 6%/năm kể từ ngày 1/8. Bac A Bank giảm từ 0,1% - 0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng. Trong đó, đáng chú ý, mức lãi suất huy động kỳ hạn 18 - 36 tháng áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên giảm từ 6,05% xuống còn 5,95%/năm.

Như vậy, bên cạnh việc có không dưới chục ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 8 đến nay, có một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động là Bac A Bank, SeABank, ABBank và OCB. Điểm chung của cả 4 ngân hàng này là đều đã từng niêm yết lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài ở mức dẫn đầu thị trường, từ 6 - 6,2%/năm.

Lãi vay giữ ổn định để kích cầu tín dụng

Về lãi suất cho vay, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở trong khoảng 6,9% - 9,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1%-5,0%/năm đối với ngắn hạn; 6,3%-7,4%/năm đối với trung và dài hạn.

Tại thông báo mới nhất của NHNN về lãi suất liên ngân hàng ngày 20/8/2024, lãi suất qua đêm ở mức 4,5%/năm. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 1 tuần - 2 tuần - 1 tháng lần lượt là 4,57% - 4,52% - 4,79%/năm. Thực tế cũng cho thấy, trong thời gian từ đầu tháng 8 đến nay, các ngân hàng liên tiếp giảm lãi suất huy động. Điểm chung của các nhà băng này là từng niêm yết lãi suất trên 6%/năm với những kỳ hạn dài.

Trước đó NHNN cũng cho hay, trong nửa đầu năm nay, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Số liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng tháng cuối tháng 7/2024 chỉ tăng 5,66% so với cuối năm 2023, trong khi đến cuối tháng 6/2024 tăng 6%. Một trong những mục tiêu trọng tâm của NHNN trong tháng cuối năm là tập trung vốn hướng vào các lĩnh vực là động lực phát triển bao gồm xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng. Đặc biệt, với Thông tư 12/2024 cho phép các tổ chức tín dụng cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Đồng thời, cơ chế này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia của khối ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục