Trong một báo cáo mới đây, SSI Retail Research cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể giảm bớt áp lực thanh khoản giai đoạn cuối năm, giúp ổn định lãi suất huy động và cho vay.
Tuy nhiên, việc giảm này không mang ý nghĩa nới lỏng tiền tệ, bởi Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách trực tiếp, không qua trung gian.
Cụ thể, ngày 16/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thông báo giảm đồng loạt 25 điểm cơ bản đối với lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất thị trường mở (OMO) và tín phiếu.
Ðây đều là lãi suất trong các giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, trong đó 2 mức lãi suất được sử dụng nhiều nhất trong nghiệp vụ OMO và tín phiếu đã giảm lần lượt về mức 4,5%/năm và 2,5%/năm.
Theo SSI Retail Research, trong bối cảnh thanh khoản trên liên ngân hàng dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 85.130 tỷ đồng trong tháng 9/2019, dẫn đến lãi suất tiền đồng liên tục giảm, về mức 1,88%/năm với kỳ hạn qua đêm, thấp hơn lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng.
Lần đầu tiên trong 13 tháng qua, chênh lệch lãi suất qua đêm giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng chuyển sang âm.
Ðây là lần đầu tiên trong 13 tháng qua, chênh lệch lãi suất qua đêm giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng chuyển sang âm.
Thế nhưng, lãi suất huy động trên thị trường 1 (khu vực dân cư và tổ chức kinh tế) vẫn duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và 6,4-8,5%/năm với kỳ hạn từ 12-13 tháng.
Việc giảm lãi suất điều hành có thể giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn cao điểm cuối năm, giúp lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định.
Mới đây, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đã nâng lãi suất tiền gửi lên gần 9%/năm. Cụ thể, đối với từng kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng sẽ có mức lãi suất tương ứng là 8,5%/năm, 8,7%/năm và 8,9%/năm.
Trước động thái này, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng giảm lãi suất huy động trong quý cuối năm là không cao do dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều và nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, nếu quý IV này duy trì được đà tăng trưởng huy động ổn định như quý III vừa qua, lãi suất có khả năng giảm vào đầu năm 2020.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, lãi suất huy động có tăng, nhưng chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Nguyên nhân là vì các ngân hàng này chuẩn bị cho nhu cầu vốn thường tăng mạnh vào dịp kinh doanh cao điểm cuối năm.
Một lý do sâu sa hơn, đó là năm nay, bên cạnh tăng huy động từ dân cư, các ngân hàng còn liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn cấp 2 nhằm tăng hệ số an toàn vốn (CAR) và đáp ứng chuẩn Basel II, đồng thời đáp ứng lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Dẫu vậy, ông Lực đánh giá rằng, mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ vẫn ổn định, bởi Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho thanh khoản hệ thống, cũng như có văn bản “tuýt còi” các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động.
Mặt khác, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay là 14% và đến đầu tháng 10 mới đạt gần 9%, tức là dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhiều, nên các ngân hàng khó đẩy lãi suất lên cao.
Theo chia sẻ mới đây của đại diện Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 4/10/2019 tăng 8,95% so với đầu năm, tương ứng đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng.
Nếu so với con số tăng trưởng tín dụng ở mức 8,4% của Tổng cục Thống kê công bố tính đến ngày 20/9/2019, thì dư nợ tín dụng đã tăng thêm 0,55% trong vòng 2 tuần, tương đương tăng xấp xỉ gần 39.700 tỷ đồng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Ðào Minh Tú cho hay, lãi suất cho vay sẽ khó tăng những tháng cuối năm vì Ngân hàng Nhà nước vừa giảm lãi suất điều hành - thông điệp thể hiện nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực được ưu tiên, đồng thời là căn cứ để các ngân hàng thương mại tham chiếu với lãi suất điều hành để điều chỉnh lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên quý cuối năm.
Trong khi đó, theo một chuyên gia tài chính, nếu lãi suất tiền đồng các tháng cuối năm được giữ ổn định như hiện nay, thì đây được xem là một thành công lớn của ngành ngân hàng trong năm nay và do đó, các ngân hàng sẽ không cần phải giảm lãi suất.
“Có nhiều lý do để khẳng định điều này, đó là mức lãi suất của thị trường liên ngân hàng đang ổn định, thậm chí giảm, bởi có một số thời điểm Ngân hàng Nhà nước mua vào tiền đồng, dẫn đến thanh khoản dư thừa. Tuy vậy, lãi suất tiền gửi vẫn tăng, cho dù tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng ở trạng thái dương, chứng tỏ các ngân hàng vẫn đang rất cần vốn”, vị chuyên gia này phân tích.