Khủng hoảng chu kỳ đang đến, cần giảm thêm lãi suất điều hành

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán và bất động sản. Chuyên gia này cũng kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ có thêm các đợt cắt giảm lãi suất điều hành nữa.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế.

Theo ông, vì sao NHNN quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành ở thời điểm này?

Có 3 lý do khiến NHNN giảm lãi suất điều hành.

Thứ nhất là tác động từ bên ngoài. Thời gian qua, ngân hàng trung ương một loạt quốc gia đã cắt giảm lãi suất. Gần đây nhất là ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất tiền gửi xuống -0,5%.

Thứ hai là lạm phát ở Việt Nam đang ở mức thấp, thậm chí thấp hơn mức dự kiến đầu năm nay.

Thứ ba là tín dụng trên thị trường có dấu hiệu căng thẳng, cầu tín dụng cao hơn cung. Nhiều ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất huy động qua nhiều hình thức. Giảm lãi suất đồng nghĩa với việc NHNN tăng cung tiền, tăng khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, đẩy tín dụng lên. Tôi cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành có thể coi là nới lỏng tiền tệ thực sự. 

Lãi suất điều hành giảm có tác động lan tỏa đến lãi suất thị trường không, thưa ông ? 

Ở Việt Nam, lãi suất điều hành không mấy liên quan đến lãi suất thị trường, bởi các ngân hàng thương mại vay từ NHNN không lớn, đặc biệt là kênh tái cấp vốn hầu như không hoạt động, chỉ cho vay với ngân hàng sắp phá sản. 

Chính vì vậy, dù  lãi suất điều hành giảm, nhưng số ngân hàng có thể giảm lãi suất không nhiều. Các ngân hàng nhỏ vẫn kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh giảm thêm lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm.

Tôi cho rằng, nếu lãi suất điều hành giảm thêm thì mới tác động tích cực tới thị trường, giúp tín dụng tăng lên khoảng 16-17% trong năm nay. Hiện tại, nhìn vào thị trường bất động sản và hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cho thấy, tín dụng đang khá căng thẳng. 

Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc giảm lãi suất điều hành tới thị trường nói chung ?

Lãi suất điều hành chỉ giảm 0,25% hầu như không tác động đến thị trường, nhưng tạo ra một không gian để NHNN có thể dễ dàng điều chỉnh chính sách , đồng thời điều này cũng tác động tích cực tới tâm lý thị trường.

Giảm lãi suất điều hành mang lại kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ khá hơn, từ đó góp phần giữ được nhịp độ tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, một số thị trường cũng “ăn theo” như thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn, thị trường bất động sản cũng có cơ hội để tăng cung.

Lãi suất giảm, cung tiền tăng, lạm phát liệu có đáng ngại không, thưa ông?

Lạm phát ở nước ta chưa có nguy cơ gì đáng cảnh báo. Trên thế giới, lạm phát cũng đang ở mức thấp, yếu tố quan trọng nhất là giá xăng dầu lại đang đi xuống và nhiều người lo ngại, kỷ nguyên giá dầu trên 60 USD/thùng đã kết thúc. Chưa kể, sự thực về một cuộc khủng hoảng chu kỳ đang đến gần.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu của thế giới dự đoán, GDP Mỹ có khả năng giảm còn 1 - 1,5%, GDP Nhật quay về 0 - 0,5%, châu Âu dưới 1%, Trung Quốc 5,5 - 6% trong vài ba năm tới. Chu kỳ khủng hoảng đang đến, cộng với thương chiến Mỹ - Trung khiến tình hình thêm khó khăn. Tín hiệu rất xấu là, tăng trưởng thương mại toàn cầu đang chậm hơn tăng trưởng GDP toàn cầu (tăng trưởng thương mại toàn cầu 1,7%, trong khi tăng trưởng GDP toàn cầu là 2,5%) - tình trạng chỉ xảy ra trong các đợt khủng hoảng kinh tế thế giới đã xuất hiện từ năm ngoái đến nay. Cầu tiêu dùng rất thấp và nhiều nước không kích lên được dù đã dùng mọi cách.

Tại Việt Nam, tình hình chưa đến mức trầm trọng như các nước lớn, tâm lý tiêu dùng của người Việt vẫn rất lạc quan. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, nhập khẩu ô tô tăng kỷ lục. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lường trước kịch bản để đối phó.

    Thùy Liên
    baodautu.vn

    Tin liên quan

    Tin cùng chuyên mục