Lo lãi suất, tín dụng diễn biến bất thường

Việc NHNN cảnh báo các ngân hàng thương mại về tình trạng đua lãi suất cao cùng với động thái siết đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng cho thấy, cơ quan này đang rất cảnh giác với diễn biến của lĩnh vực ngân hàng.
Lãi suất tiền gửi VND đang được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn. Ảnh: Dũng Minh Lãi suất tiền gửi VND đang được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn. Ảnh: Dũng Minh

Nhu cầu vốn khá căng

Giữa tuần này, một số ngân hàng TMCP nhận được văn bản cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất. Theo đó, NHNN cảnh báo việc các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và mạnh ở một số kỳ hạn, hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao.

NHNN cho rằng, động thái trên tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn cho thị trường tiền tệ.

Trước đó, như Báo Đầu tư phản ánh, thời gian gần đây, một loạt ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất từ xấp xỉ 9% đến trên 10%/năm cho kỳ hạn dài. Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cũng được nhiều ngân hàng tăng mạnh.

Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng mạnh gần đây.

Thứ nhất, nhu cầu cho vay trung, dài hạn đang rất lớn.

Thứ hai, các ngân hàng phải tăng huy động vốn dài hạn để đảm bảo hệ số an toàn vốn theo quy định của NHNN.

Thứ ba, tăng huy động vốn trung, dài hạn nhằm đáp ứng tốt hơn các quy định của NHNN về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Thứ tư, cạnh tranh huy động vốn với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Thế nhưng, quan sát diễn biến trên thị trường tiền tệ cho thấy, lãi suất tăng một phần do thanh khoản của một số ngân hàng có biểu hiện căng thẳng. Minh chứng là tuần này, lãi suất liên ngân hàng tăng khá mạnh. Thêm vào đó, thay vì hút tiền về, NHNN lại bơm mạnh tiền ra qua kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO) với khối lượng hàng ngàn tỷ đồng.

Mặc dù Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, thanh khoản của hệ thống vẫn rất tốt, song những minh chứng trên cho thấy, căng thẳng vốn ở một số ngân hàng là có thật. Trong bối cảnh đó, nếu NHNN không sớm ngăn chặn, một cuộc đua lãi suất có thể sẽ diễn ra.

Kiểm soát chặt tín dụng và trái phiếu, lãi suất sẽ hạ nhiệt

Hiện nay, NHNN chỉ quy định trần lãi suất huy động với các kỳ hạn dưới 6 tháng, còn với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, ngân hàng được áp dụng lãi suất thỏa thuận. Trong khi đó, thời gian qua, hầu hết các ngân hàng dâng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài. Câu hỏi đặt ra là, khi trần lãi suất huy động đã được thả nổi, liệu NHNN “thổi còi” có hợp lý?

Trong văn bản gửi tổ chức tín dụng mới đây, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất, tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN.

Như vậy, văn bản của NHNN không nói đến vi phạm quy định nào về lãi suất, mà chỉ nhấn mạnh các vi phạm “quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN”. Theo các chuyên gia ngân hàng, tuy không còn nắm công cụ trần lãi suất kỳ hạn dài, song NHNN lại nắm “vũ khí” khác tín dụng.

Để đảm bảm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019. Cụ thể, phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ về việc chấp hành tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan…    

Theo đó, NHNN sẽ căn cứ vào vi phạm về tín dụng để xử phạt. NHNN cũng đã tuyên bố không loại trừ việc nhà băng bị co hẹp tín dụng nếu vi phạm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà NHNN liên tiếp đưa ra hai văn bản cảnh báo với các tổ chức tín dụng: một văn bản cảnh báo đầu tư trái phiếu và một văn bản cảnh báo chạy đua lãi suất. Chỉ cần siết hoạt động đầu tư trái phiếu, kiểm soát tín dụng bất động sản, là lãi suất sẽ hạ nhiệt”.

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại nửa đầu năm nay, rất nhiều ngân hàng huy động vốn chậm hơn tăng trưởng tín dụng. Nguồn vốn huy động vốn bị cạnh tranh gay gắt bởi kênh trái phiếu doanh nghiệp, vàng, bất động sản… lại càng “hẻo” hơn vì ngân hàng đua nhau mua trái phiếu, thay vì cho vay.

Một rủi ro khác, không chỉ mua trái phiếu của các công ty thân hữu để đảo nợ, nhiều ngân hàng đang tập trung rất lớn dư nợ cho các công ty sân sau. Không loại trừ, một số ngân hàng đã cho vay vượt hạn mức đối với một khách hàng và người có liên quan.

Chính vì vậy, cũng trong văn bản cảnh báo lãi suất mới đây, NHNN đã yêu cầu tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chặt chẽ chấp hành tín dụng với các khách hàng và người có liên quan.

Mặc dù báo cáo của NHNN cho thấy, sở hữu chéo đã giảm, song theo nhận xét của các chuyên gia, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng biến hóa đa dạng và phức tạp. Tình trạng ngân hàng cấp tín dụng cho công ty sân sau, mua trái phiếu của công ty sân sau, công ty thân hữu ngày càng khó kiểm soát.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đề nghị, cần phải chấm dứt sở hữu lũng đoạn và quản trị gia đình với các ngân hàng. Đặc biệt, nên có quy định cấm ông chủ tập đoàn tư nhân trở thành ông chủ ngân hàng để tránh các hệ lụy phát sinh.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục