Dư nợ tăng khi mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp
Tính đến ngày 15/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024, tích cực hơn kết quả của thời điểm này năm ngoái (tăng 1,21%). Theo thông tin nêu tại báo cáo phục vụ chất vấn gửi Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng toàn hệ thống tăng 18,19% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và vào các động lực tăng trưởng, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm là một trong những yếu tố tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng. Đến ngày 10/4, lãi suất cho vay bình quân với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Các ngân hàng đã công bố thông tin lãi suất cho vay bình quân trên website nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
Từ đầu năm nay, NHNN có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng như ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản thủ tục vay vốn, triển khai nhiều chương trình ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Chính phủ và NHNN cũng chỉ đạo các nhà băng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất - kinh doanh.
Đáng chú ý, trong năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, gấp đôi chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn, cơ quan này đã thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Thêm vào đó, nhà điều hành tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, nhằm tạo điều kiện tích cực. Cụ thể, nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát chỉ tiêu này năm nay.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 2 cho biết, đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 4,018 triệu tỷ đồng, ước tăng khoảng 2% so với cuối năm 2024 (trong khi 4 tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng 1,31%, cùng kỳ năm 2023 tăng 1,72%).
Ngân hàng nỗ lực kích cầu tín dụng
Theo báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết, tổng dư nợ cho vay khách hàng đã tăng khoảng 3,82% so với đầu năm, tương đương gần 452.500 tỷ đồng được giải ngân thêm, nâng quy mô dư nợ toàn nhóm lên gần 12,3 triệu tỷ đồng. Diễn biến này cho thấy, tín dụng trong quý đầu năm nay đã có khởi đầu rất tích cực.
Nguyên nhân được chuyên gia tài chính Lê Hoài Ân cho là nằm ở sự khác biệt trong phân bổ tăng trưởng. Nếu các năm trước, quý IV thường là giai đoạn dồn lực tăng trưởng khiến quý I kế tiếp tăng chậm lại, thì năm 2024 chứng kiến đà tăng tín dụng ổn định hơn qua từng quý. Sang quý I/2025, các ngân hàng không cần dồn lực bù đắp như trước, mà có thể duy trì nhịp mở rộng tín dụng đều đặn ngay từ đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng quý I/2025 phản ánh xu hướng hồi phục tín dụng trên toàn ngành, nhưng với mức độ không đồng đều giữa các phân khúc. Tín dụng doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong quý I/2025, nhưng ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ bán lẻ cao trong năm 2025. Theo chuyên gia Lê Hoài Ân, điều này cho thấy, tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng trở thành chìa khóa tháo gỡ nút thắt trong áp lực tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Để kích cầu tăng trưởng tín dụng, ngày 15/4, NHNN ban hành Công văn số 2756/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đặc biệt dành riêng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với quy mô tổng thể lên đến 100.000 tỷ đồng. Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hợp lệ thuộc các lĩnh vực nêu trên. Các khoản vay sẽ được giải ngân đến khi tổng doanh số cho vay của toàn hệ thống đạt mốc 100.000 tỷ đồng.