
Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Dự thảo Luật ra đời nhằm luật hoá một số quy định về xử lý nợ xấu sau 7 năm áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Dự thảo Luật có quy định: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm”.
Như vậy, dự thảo Luật đã chuyển thẩm quyền quyết từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành NHNN.
Quy định này không chỉ triệt để phân cấp, phân quyền mà còn giảm bớt khâu trung gian, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Phát biểu tại thảo luận tổ chiều 20/5, đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn TP. Huế) nhận định, đây là một “cơ chế ưu đãi rất lớn” nên cần công khai tiêu chí cụ thể: Ngân hàng nào được vay? Ai quyết định? Trường hợp có sự “ỷ lại” vào Ngân hàng Trung ương thì ai giám sát?
Ông khẳng định, đây không chỉ là câu chuyện tài chính mà còn là vấn đề đạo đức chính sách và niềm tin thị trường.
“Cần đảm bảo luật hóa minh bạch, không trái đạo đức, không bị lạm dụng quyền thu giữ tài sản, và phải có cơ chế giám sát đầy đủ”, ông Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, việc chuyển thẩm quyền cho vay lãi suất đặc biệt từ Thủ tướng cho Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách có hạn, ông Cường đề nghị bổ sung tiêu chí, điều kiện được vay hình thức này để tránh trục lợi chính sách. Cùng với đó, ông Cường cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong kiểm soát dòng tiền để không rơi vào tình trạng rủi ro.
Trong khi đó, đại biểu Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nêu vấn đề: nguồn vốn cho vay đặc biệt lãi suất 0% từ ngân sách hay của các ngân hàng thương mại? Theo ông, nguồn lực này nên lấy từ ngân sách, bởi "dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại sẽ khó cho họ, có thể ảnh hưởng quyền lợi khách hàng nếu nhà băng nhận khoản vay gặp vấn đề, sụp đổ".
![]() |
Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Quản Minh Cường phát biểu chiều 20/5 |
Phát biểu thảo luận về vấn đề này, ông Lê Quang Mạnh, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho biết, những quan ngại của đại biểu Quốc hội cũng được cơ quan này đặt ra khi thẩm tra dự luật.
Theo đó, Ủy ban Kinh tế Tài chính đã đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể các trường hợp, đảm bảo chính sách công bằng, tránh xâm phạm quyền lợi của các tổ chức tín dụng và người dân.
Quy định rõ trách nhiệm phối hợp trong thu giữ tài sản đảm bảo
Cũng theo dự thảo luật, các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng.
Để tránh lạm dụng quyền thu giữ tài sản này, dự luật quy định trong quá trình thực hiện, tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Bình luận về điều này, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, trong 10 kỹ thuật xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42, hiện mới luật hóa được 7, còn 3 nội dung, đặc biệt là quyền thu giữ tài sản vẫn gây tranh cãi.
Ông Nam cho biết, có hai trường phái lý luận quốc tế về thu giữ tài sản đảm bảo: Trường phái thông luật cho phép ngân hàng thu giữ tài sản ngay khi người vay không trả; trong khi hệ thống pháp luật dân sự như Việt Nam lại buộc phải thông qua tòa án. Cách tiếp cận thận trọng này giúp bảo vệ người dân, nhưng đồng thời khiến quá trình xử lý kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi nợ.
Về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị cần có giám sát của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý khi các ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm, để không xâm phạm quyền lợi, tài sản khác của bên đi vay.
![]() |
Đại biểu Thạch Phước Bình |
Đồng thời, ông cho rằng cần có thêm cơ chế khiếu nại nếu việc thu giữ tài sản của tổ chức tín dụng trái pháp luật.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội nêu vấn đề phạm vi, điều kiện thu giữ của tổ chức tín dụng, cũng như vai trò của cơ quan nhà nước chưa được nêu rõ tại dự luật.
Theo ông Hùng, cơ quan soạn thảo phải bổ sung quy định trách nhiệm phối hợp của các bên trong xử lý, trình tự, biện pháp thu giữ tài sản cần công khai, minh bạch. Việc này để tránh lạm dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người đi vay.
"Không để vi phạm các quyền hợp pháp của cá nhân như chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong thu giữ tài sản này", đại biểu đề xuất, đồng thời nhấn mạnh dự luật cần có cơ chế kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong xử lý tài sản của các tổ chức tín dụng.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vào ngày 29/5 và biểu quyết thông qua ngày 17/6 tới.