Tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài: Cơ hội các ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 18/03/2025, Nghị định số 69/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam chính thức được ban hành.
Tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài: Cơ hội các ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ

Theo đó, kể từ ngày 19/05/2025, các ngân hàng tham gia Phương án tái cơ cấu TCTD yếu kém của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ được phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 49% từ mức 30% hiện tại đang áp dụng cho các ngân hàng nói chung.

Theo VIS Rating, Nghị định mới chỉ áp dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, do đó, trong số bốn ngân hàng tham gia, bao gồm HDBank (HDB), MBBank (MBB), Vietcombank (VCB) và VPBank (VPB), giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài mới sẽ không áp dụng cho VCB - một ngân hàng quốc doanh .

Các chuyên gia của VIS Rating kỳ vọng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn sẽ tăng khả năng huy động vốn mới cho các ngân hàng trên, từ đó hỗ trợ tăng trưởng tài sản mạnh mẽ. Theo phương án tái cơ cấu, các ngân hàng tham gia sẽ nhận được một số quyền lợi và miễn trừ từ NHNN, bao gồm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn, được hỗ trợ về thanh khoản... Trong trường hợp các ngân hàng này duy trì tăng trưởng tài sản cao hơn trung bình ngành hoặc trên 25% và khả năng sinh lời duy trì ổn định trong vòng 2 năm tới, VIS Rating đánh giá HDB, MBB và VPB sẽ là những ngân hàng cần bổ sung vốn mới để duy trì tỷ lệ an toàn vốn hiện tại.

“Chúng tôi ước tính tỷ lệ an toàn vốn (CAR) có thể giảm từ 150 đến 300 điểm cơ bản đến cuối năm 2026 nếu các ngân hàng trên không tăng vốn cổ phần mới hoặc phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2. Từ trước đến nay, các ngân hàng chủ yếu dựa vào lợi nhuận giữ lại và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để bổ sung nhu cầu vốn. Chúng tôi lưu ý rằng quá trình lựa chọn và đạt được thỏa thuận chính thức với nhà đầu tư nước ngoài thường kéo dài nhiều năm”, các chuyên gia của VIS Rating nhận định.

Ví dụ cụ thể được dẫn chứng là VPB đã mất khoảng 2 năm để bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vào năm 2023. HDB cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài trong suốt 5 năm qua. MBB hiện không có thông báo về kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Do đó, VIS Rating kỳ vọng lợi nhuận giữ lại và trái phiếu tăng vốn cấp 2 sẽ là nguồn tăng vốn chính của MBB.

Được biết, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VCB sẽ duy trì ở 30%. Ngân hàng có kế hoạch chào bán 6,5% vốn cổ phần trong năm 2025-2026 cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có đối tác chiến lược, Ngân hàng Mizuho. Nếu thành công, VIS Rating ước tính tỷ lệ CAR của VCB sẽ tăng hơn 200 điểm cơ bản từ mức hiện tại. Về dài hạn, sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp tăng cường bộ đệm hấp thụ rủi ro của các ngân hàng thông qua việc bơm vốn mới và hỗ trợ chiến lược tăng trưởng kinh doanh, quản trị rủi ro cũng như tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế.

Được biết, với sự hỗ trợ từ SMBC, quy mô cho vay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VPB đã tăng gấp 3 lần lên 3.700 tỷ đồng trong năm 2024.

VIS Rating thông tin thêm, vào ngày 05/05/2025, VPBank đã công bố huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD, được thu xếp bởi SMBC và một số ngân hàng nước ngoài khác để tài trợ cho hoạt động tài chính bền vững của ngân hàng.

Trước đó, tháng 1 năm 2025, NHNN đã công bố việc chuyển giao GPBank cho VPBank và DongABank cho HDBank. Sự kiện này nối tiếp việc chuyển giao tương tự đã được công bố vào tháng 11 năm 2024 của CBBank cho Vietcombank và Oceanbank cho MBBank. Việc chuyển giao được thực hiện theo chương trình tái cơ cấu của NHNN nhằm bảo vệ các chủ nợ và phục hồi hoạt động của ngân hàng trở lại bình thường. Trước khi chuyển giao, bốn ngân hàng được NHNN kiểm soát đặc biệt sau nhiều năm tích lũy đáng kể nợ xấu và lỗ lũy kế.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục