Lãi suất ngân hàng vẫn chịu áp lực tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất ngân hàng vẫn chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ và cân đối với mục tiêu ổn định tỷ giá.
Giai đoạn cuối năm, các ngân hàng thường tăng lãi suất huy động để đảm bảo nhu cầu thanh toán. Giai đoạn cuối năm, các ngân hàng thường tăng lãi suất huy động để đảm bảo nhu cầu thanh toán.

Vòng xoáy thanh khoản – lãi suất

Diễn biến trên thị trường 1 (giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và dân cư) cho thấy, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành thêm 1%/năm vào ngày 25/10/2022, mặt bằng lãi suất huy động vốn VND tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng từ 0,5 - 1,8%/năm tại hầu hết các kỳ hạn, trong đó tập trung vào nhóm kỳ hạn dưới 6 tháng.

Trong tháng 10, có tới một nửa số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 2 lần, thậm chí có ngân hàng 3 lần nâng lãi suất tiết kiệm như Techcombank. So với thời điểm đầu năm, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 đã tăng từ 1,5 - 3%/năm, phổ biến quanh mức 7,6 - 8,2%/năm. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối thấp hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khoảng 0,5 - 1,7%/năm.

Trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), đầu tháng 10, lãi suất cho vay qua đêm tăng vọt lên trên 8,0%/năm. Tới giữa tháng, lãi suất liên ngân hàng tạm thời hạ nhiệt khi Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh cung cấp thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Tại ngày 1/11/2022, lãi suất cho vay qua đêm cao hơn 1,68%/năm so với cuối tháng 9/2022.

Cụ thể hơn, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 11/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng hơn 95.000 tỷ đồng qua thị trường mở. Điểm đáng chú ý, số lượng thành viên tham gia vào các phiên đấu thầu ở kênh mua kỳ hạn duy trì ở mức cao, đa phần là hơn hẳn số thành viên tham gia nghiệp vụ mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, có những phiên liên tiếp Ngân hàng Nhà nước bơm tiền vào hệ thống với kỳ hạn dài hơn (14 ngày).

“Mặc dù doanh số giao dịch ở các kỳ hạn còn lại không đáng kể nhưng vẫn có một số căng thẳng nhất định về thanh khoản ở các kỳ hạn 1 - 6 tháng”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần thông tin.

Nhận định về các yếu tố thúc đẩy đà tăng của mặt bằng lãi suất trong tháng 10, một lãnh đạo cao cấp của BIDV cho biết:, thứ nhất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời để đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát cũng như an toàn hệ thống. Nếu như trong nửa đầu tháng, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường bơm vốn qua các kênh OMO, tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường sau tác động của sự kiện SCB thì trong nửa sau của tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang hút ròng qua kênh tín phiếu, bán ngoại tệ, đồng thời tăng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm để hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Thứ hai, cân đối huy động vốn - tín dụng có xu hướng thu hẹp trong tháng 10 do tăng trưởng huy động vốn tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh cung - cầu ngoại tệ kém thuận lợi và dòng tiền vẫn bị ứ đọng ở kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 11,5%, gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn là 4,6%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, xét trên bình diện toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, thanh khoản hiện vẫn tốt, có dư thừa. Trong tháng 10, thanh khoản của thị trường ngân hàng chủ yếu chịu tác động của yếu tố tâm lý và những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới.

Thống đốc khẳng định, các ngân hàng thương mại đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhằm giải đáp những lo ngại của thị trường trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm.

Xu hướng tăng lãi suất chưa chấm dứt

Có thể thấy rõ trong giai đoạn này, nền kinh tế ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô, áp lực tỷ giá và lãi suất. Với dự báo xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) vẫn chưa chấm dứt, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất VND vẫn còn dư địa tăng.

“Ngoài mức tăng chung theo mức tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, các tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu thanh khoản tăng lên để phục vụ cho các nhu cầu thanh toán cuối năm. Do đó, không loại trừ khả năng có thời điểm lãi suất liên ngân hàng có thể tăng lên mức trên 10%/năm”, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định.

Ảnh tác giả

Khả năng NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành tăng thêm ít nhất 0,5 - 1%/năm trong quý IV/2022 và quý I/2023.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

Còn đối với thị trường 1, vị lãnh đạo cao cấp BIDV cho rằng, trong tháng 11, dự kiến mặt bằng lãi suất VND tăng thêm khoảng 0,3 - 0,5%/năm.

Vị này lý giải, trong bối cảnh môi trường quốc tế và trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là áp lực lạm phát, tỷ giá vẫn chưa có xu hướng hạ nhiệt thì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì xu hướng thắt chặt xuyên suốt trong giai đoạn từ nay đến cuối năm với mục tiêu ưu tiên là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.

“Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết cung tiền thận trọng, thể hiện ở việc hút tiền qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ, đồng thời vẫn có thể hỗ trợ OMO để bổ sung thanh khoản cho thị trường tại những thời điểm căng thẳng. Đối với lãi suất điều hành, sau đợt điều chỉnh tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ duy trì ổn định các loại lãi suất này trong tháng 11 và tiếp tục thận trọng quan sát thêm các dịch chuyển vĩ mô trên thị trường quốc tế cũng như trong nước”, lãnh đạo BIDV chia sẻ.

Bên cạnh đó, câu chuyện thanh khoản VND mặc dù được nhận định đã hoá giải được căng thẳng trong thời gian qua, nhưng dự kiến vẫn tiếp tục đối mặt khó khăn trong bối cảnh các dòng tiền cơ bản vẫn chưa có sự cải thiện.

Ví dụ như cân đối cung - cầu ngoại tệ dự kiến vẫn kém thuận lợi và dòng tiền sẽ tiếp tục bị hút về Ngân hàng Nhà nước qua kênh tín phiếu cũng như bán ngoại tệ. Đồng thời, cân đối huy động vốn - tín dụng dự kiến cũng tiếp tục chịu nhiều áp lực trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng dự kiến được đẩy nhanh hơn trong giai đoạn cuối năm trong khi tăng trưởng huy động vốn vẫn tương đối khó khăn.

“Tăng trưởng tín dụng trong tháng 11 ước đạt khoảng 1,0 - 1,5% và cao hơn khoảng 0,5 - 0,7% so với tăng trưởng huy động vốn”, lãnh đạo BIDV tính toán.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất điều hành đã trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2019, dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào các yếu tố bên ngoài như động thái chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), diễn biến chỉ số DXY, Nhân dân tệ. Đồng thời, vấn đề nội tại đó là lạm phát trong nước và áp lực trượt giá của tiền đồng (cung - cầu ngoại tệ, triển vọng cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, thanh khoản tiền đồng…).

“Những yếu tố này đều đang hỗ trợ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành ít nhất 0,5 - 1%/năm trong quý IV/2022 và quý I/2023. Cần lưu ý thêm là lãi suất huy động hiện đã cao hơn 1,7 - 1,9%/năm so với đầu năm và cao hơn 0,2 – 0,5%/năm so với đầu năm 2019”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia nhận định.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục