Gói hỗ trợ lãi suất sẽ kiềm chế lãi vay tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các gói hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh trong thời gian tới, góp phần kiềm chế đà tăng của mặt bằng lãi suất cho vay.
Lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn ở mức thấp so với tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Dũng Minh Lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn ở mức thấp so với tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có thể giúp giảm 0,2 - 0,4% lãi suất cho vay

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất 2% đạt hơn 10.700 tỷ đồng đối với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ đạt khoảng 9.800 tỷ đồng. Cập nhật đến cuối tháng 9/2022, tức sau 4 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt trên 15.000 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất hơn 13.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi là hơn 29 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước trị giá 40.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 phân bổ 16.000 tỷ đồng, năm 2023 phân bổ 24.000 tỷ đồng.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận xét, việc triển khai gói bù lãi suất diễn ra rất chậm, khó có thể đạt được mục tiêu năm 2022. Trong khi đó, lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, sẽ kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi lên.

Cụ thể, ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1% do điều kiện huy động tài chính trên toàn cầu bị thắt chặt trong vài tháng trước và đồng USD mạnh lên, tỷ giá chính thức giữa VND/USD tiếp tục tăng trong tháng 9 (tăng 1,0% so với tháng 8 và tăng 3,8% so cùng kỳ). Theo đó, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng tăng lãi suất huy động VND.

Bốn ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng lên 4,4%/năm (tăng 1,03% so với đầu năm) và kỳ hạn 12 tháng lên 6,4%/năm (tăng 0,87% so với đầu năm). Đối với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,7%/năm (tăng 1,2% so với đầu năm), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,6%/năm (tăng 1,02% so với đầu năm).

Ông Hinh nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, bởi tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất chính sách và cơ quan này đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ đầu tháng 9, dẫn đến tăng nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến nâng lãi suất điều hành lên 4,5% vào cuối năm 2022 và USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái cũng như lãi suất tại Việt Nam.

Trước đó, tăng trưởng huy động vốn ở mức thấp so với tăng trưởng tín dụng do lãi suất huy động kém hấp dẫn: dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7/2022 tăng 9,42% so với đầu năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng huy động vốn so với đầu năm 2022 là 4,2%, so với cùng kỳ là 9,9%.

“Chúng tôi dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm 2022. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 6,5 - 6,7%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022. Đối với năm 2023, lãi suất huy động tăng thêm khoảng 0,5%. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên 7,0 - 7,2%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023”, ông Hinh nói.

Ông Hinh cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 2% cần được triển khai nhanh hơn cho các doanh nghiệp để góp phần kiềm chế đà tăng của lãi suất cho vay. Việc này là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay. Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2% có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 0,2 - 0,4%, bù đắp phần nào việc tăng lãi suất do sức ép từ lãi suất huy động tăng.

“Chúng tôi dự báo, lãi suất cho vay có thể ổn định ở vùng thấp trong những tháng cuối năm 2022 trước khi áp lực lãi suất huy động kéo mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 0,6 - 0,8% (bình quân) trong năm 2023”, ông Hinh nói.

Gói cấp bù lãi suất 2% nằm trong gói kích cầu kinh tế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, được Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các đoàn công tác liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số địa phương; tích cực tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chuyên đề triển khai Nghị định 31 nhằm thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng để nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ.

Gói tín dụng 20.000 tỷ đồng: Kỳ vọng giải ngân nhanh

Kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ ổn định ở vùng thấp trong những tháng cuối năm 2022, trước khi áp lực lãi suất huy động kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi lên.

Mới đây, hai công ty tài chính là FE Credit và HD Saison đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit cho biết, FE Credit và HD Saison được Ngân hàng Nhà nước chỉ định triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen đang lộng hành tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.

FE Credit triển khai gói vay tiêu dùng 10.000 tỷ đồng cho đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp với lãi suất giảm 50% so với lãi suất hiện hành. Sản phẩm vay đa dạng và linh hoạt với giá trị vay từ 10 - 70 triệu đồng, có kỳ hạn từ 6 - 24 tháng. Ngoài ra, FE Credit cung cấp thêm gói bảo hiểm miễn phí/giá ưu đãi, tiện ích từ dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng là các đối tác công ty và nhân viên.

“Bên cạnh đó, chúng tôi không ngừng triển khai các giải pháp khác nhằm đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cho người yếu thế, giúp họ tiếp cận gần hơn với nguồn tín dụng chính thức”, ông Phúc nói.

Tại HD Saison, Phó tổng giám đốc Nguyễn Đình Đức cho hay, Công ty luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ người dân nhất là trường hợp người yếu thế dễ bị tổn thương khi nền kinh tế bị tác động do các yếu tố ngoại vi. Vì thế, ngay khi được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, HD Saison nhanh chóng phối hợp với các tổ chức liên quan nhằm đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Theo ông Đức, để phát huy tối đa khả năng hỗ trợ tài chính đối với nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân, các công ty tài chính tiêu dùng chính thống không ngừng lớn mạnh đa chiều, nhất là tập trung phát triển mạng lưới và sản phẩm vay. Trong đó, HD Saison liên tục mở rộng mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và hiện nay đã có xấp xỉ 24.000 điểm. Công ty sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, chú trọng đến những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Đại diện Mcredit chia sẻ, thời gian qua, Mcredit xác định đối tượng yếu thế cần phải tập trung hỗ trợ là công nhân. Đây là lực lượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19, thu nhập và việc làm của người lao động bị tác động mạnh mẽ. Thêm vào đó, nhóm công nhân được đánh giá có trình độ học vấn hạn chế, thiếu kiến thức về tài chính và có tâm lý tìm đến tín dụng đen để giải quyết các khó khăn về tài chính.

“Mcredit đang tích cực phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để được tham gia các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho người lao động vượt qua khó khăn và chung tay cùng Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng đen ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước”, đại diện Mcredit nói.

Theo Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong 6 tháng tới, nếu gói hỗ trợ tín dụng 20.000 tỷ đồng cho kết quả tốt, toàn bộ 16 công ty tài chính tiêu dùng hiện tại có thể triển khai theo mô hình hợp tác với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Có sự tham gia của tổ chức này, rủi ro sẽ giảm, lãi suất cũng thấp hơn.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục