Lãi suất tiết kiệm tăng cao
Từ ngày 17/10/2022, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại NCB được hưởng lãi suất 8,5%/năm; nếu mở tài khoản tiết kiệm online, lãi suất là 8,65%/năm. Đối với tiền gửi kỳ hạn 6 - 7 tháng, lãi suất là 8%/năm. Bên cạnh đó, nhân dịp 20/10, khách hàng nữ gửi tiết kiệm được nhận lãi suất cao nhất là 8,9%/năm.
Ngân hàng số Cake by VPBank áp dụng lãi suất huy động tiền gửi cao nhất là 9,5%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, lãi suất kỳ hạn 24 tháng là 9,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 9,3%/năm.
Một số ngân hàng khác nâng lãi suất trong ngày 17/10 như SHB, Saigonbank..., thêm 0,7 - 1%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Ngày 18/10, DongABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, trong đó, kỳ hạn 13 tháng hưởng lãi 7,8%/năm. Khách hàng gửi từ 10 triệu đồng trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất từ 0,38 - 0,7%/năm.
Tại Kienlongbank, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đến dưới 36 tháng phổ biến từ 7,8 - 8,3%/năm, cao nhất là 8,6%/năm.
Trong đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi online ngày 13/10, VietABank nâng mức lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 13 - 36 tháng lên 8,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 8,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 7 - 11 tháng là 8,5%/năm. Đến ngày 15/10, nhà băng này điều chỉnh giảm nhẹ đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 12 tháng xuống 7,9%/năm.
Nhìn chung, sau đợt tăng lãi tiết kiệm được các ngân hàng công bố ngày 23/9, biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Lãi suất trung bình tiền gửi 12 tháng toàn thị trường hiện đạt 7,04%/năm khi gửi tại quầy và 7,39%/năm khi gửi online. Trong khi đó, tháng 12/2021, lãi suất tiền gửi bình quân đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 4,2 - 5,7%/năm, cao nhất là 7,4%/năm.
Điều đáng nói, thị trường dần xuất hiện tình trạng thỏa thuận “ngầm” về lãi suất tiết kiệm khi khách hàng có khoản tiền gửi lớn và ngân hàng muốn huy động kỳ hạn dài. Chẳng hạn, tại ngân hàng A, khách hàng có khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng sẽ được trả lãi suất lên đến 8,8%/năm cho kỳ hạn 7 tháng và cao hơn cho kỳ hạn trên 1 năm.
Trong khi đó, chị Minh Vy, một khách hàng tiền gửi tiết kiệm cho hay, tuần qua, chị có khoản tiền tiết kiệm trên 1 tỷ đồng đến hạn được nhân viên nhà băng B chào mời gửi lại với kỳ hạn 15 tháng để được hưởng lãi suất 8,9%/năm.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận xét, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đã và đang có xu hướng tăng.
Áp lực huy động tiền gửi khiến cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng được nhìn nhận chưa có điểm dừng và Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành.
HSBC dự báo, lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn) sau khi tăng từ 4% lên 5% kể từ ngày 23/9 sẽ tăng lên 6% trong quý IV/2022, 6,5% trong quý I/2023, 7% trong quý II/2023 và duy trì ở mức này đến hết năm 2023.
Áp lực tín dụng tăng cao và đáo hạn trái phiếu
Ngân hàng số Cake by VPBank vừa vượt qua SCB, dẫn đầu về lãi suất huy động.
Trong thời gian gần đây, lượng tiền gửi của khu vực dân cư vào hệ thống ngân hàng có tốc độ tăng nhanh hơn tiền gửi của các tổ chức kinh tế, nhưng vẫn chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, tạo áp lực phải nâng lãi suất tiền gửi, dù dư địa tăng trưởng (room) tín dụng hạn chế.
Tính đến hết tháng 7/2022, lượng tiền gửi của dân cư tăng 329.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương ứng mức tăng 6,2%, lên 5,629 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,13%, với số tiền 120.000 tỷ đồng, lên 5,765 triệu tỷ đồng.
Với tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 28/9/2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 10,96%. Nhu cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, do đây là mùa kinh doanh cao điểm. Mặc dù vậy, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không nới thêm room tín dụng. Hiện tại, cơ quan này đã cấp hết 13,6% trong tổng 14% room tín dụng năm nay.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, áp lực tăng lãi suất huy động còn đến từ việc nhiều tổ chức tài chính phải thanh toán hoặc chuẩn bị thanh toán trước hạn trái phiếu. Trong đó, không ít ngân hàng thương mại phải chuẩn bị cho giai đoạn 2023 - 2024 có thể chưa thu hồi đúng hạn được hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn về vốn.
VietBank vừa thông báo sẽ dùng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh để thanh toán khoảng 343 tỷ đồng trái phiếu do Ngân hàng phát hành. Trước đó, TPBank đã thanh toán xong 2 gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng (đáo hạn năm 2023 và 2024), MB mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn tháng 4/2023…
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý IV/2022 là gần 59.000 tỷ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thống kê này chỉ bao gồm các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 tới nay, không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn. VNDIRECT ước tính, có hơn 140.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong quý cuối năm 2022, bất động sản là nhóm ngành có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất, với tổng giá trị hơn 20.000 tỷ đồng.
Trái phiếu đến kỳ tất toán, bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải trả cả tiền gốc và lãi cho nhà đầu tư. Sau các vụ việc “lùm xùm” vừa qua, các quan điểm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng chuyển từ trạng thái cởi mở sang quản lý chặt chẽ, khiến trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh. Từ chỗ chiếm 50,9% khối lượng phát hành trong quý I/2022, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm chỉ còn hơn 13% trong quý III/2022. Niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp giảm sút, khiến việc phát hành gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, quy mô trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam hiện tại khoảng 455.000 tỷ đồng, chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản vẫn đang trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, nợ xấu trái phiếu xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nhà đầu tư cần nhận thức được rằng, đây là kênh đầu tư rủi ro hơn nhiều so với gửi tiết kiệm, thậm chí có nguy cơ mất trắng.