Tỷ giá và lãi suất đang được Việt Nam xử lý thỏa đáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia với Đầu tư Chứng khoán xung quanh các động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất và tỷ giá. 
Cần thanh lọc, cấu trúc lại tín dụng, cân đo đong đếm đồng vốn của nền kinh tế. Cần thanh lọc, cấu trúc lại tín dụng, cân đo đong đếm đồng vốn của nền kinh tế.

Theo ông, tại sao Ngân hàng Nhà nước phải xử lý gần như cùng lúc hai vấn đề lãi suất VND và tỷ giá thời gian qua?

Theo lý thuyết tiền tệ, khi lãi suất của một đồng tiền tăng lên, tất cả những biến số khác gần như không đổi sẽ làm cho đồng nội tệ tăng giá. Lý do bởi ngay trong các sản phẩm mua bán có kỳ hạn, hoán đổi tiền tệ, tỷ giá kỳ hạn trong tương lai, lãi suất được sử dụng để tính toán. Do đó, giả sử khi lãi suất tiền đồng tăng lên mà lãi suất đồng USD không tăng, điểm hoán đổi đó sẽ có lợi, tỷ giá ổn định giúp đồng nội tệ tăng giá.

Ngược lại, khi Fed tăng lãi suất như vừa qua, đồng USD tăng giá bất chấp các yếu tố khác, khiến tỷ giá của đồng tiền các nước so với USD đều tăng rất mạnh (nội tệ mất giá so với USD), trong đó có cả đồng Việt Nam. Để giải tỏa khả năng tỷ giá tăng mạnh ngoài tầm kiểm soát thì giá của đồng nội tệ phải tăng lên.

Tóm lại, khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất VND, điều đó nhắn gửi tới thị trường một thông điệp “ủng hộ đồng nội tệ không mất giá nhiều nữa”.

Nới biên độ tỷ giá sẽ tác động thế nào và đâu là những vấn đề có thể xảy ra trong cơ cấu kinh tế vĩ mô?

Tỷ giá là tương quan về sức mua đối ngoại của một đồng tiền này so với đồng tiền khác. Nhưng trong một thế giới hội nhập thì tỷ giá không tính theo kiểu song phương, mà việc tính toán còn phụ thuộc vào sự hội nhập của Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Cụ thể, đó là sự quan tâm đến Euro, bảng Anh, yên Nhật, bạt Thái Lan… và sự quan tâm nhiều ít, lớn bé phụ thuộc vào các trọng số nền kinh tế Việt Nam với các quốc gia đó.

Xem xét một đồng tiền cần phải nhìn vào cơ chế tỷ giá hối đoái của một quốc gia lựa chọn. Một số quốc gia cố định đồng tiền hay ở các nước phát triển là thả nổi để đồng tiền do cung - cầu quyết định, còn Việt Nam lựa chọn cơ chế thả nổi nhưng có quản lý, có điều tiết. Khi nói đến cơ chế này thể hiện qua hai vai trò của Nhà nước và thị trường trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm và thị trường xoay quanh tỷ giá trung tâm là biên độ. Biên độ bao nhiêu tuỳ thuộc vào hiện trạng, thời điểm, môi trường của nền kinh tế trong nước và quốc tế.

Dù lựa chọn tỷ giá trung tâm nào, biên độ nào cũng phải đáp ứng một yêu cầu cuối cùng là đảm bảo nền kinh tế Việt Nam khi đưa biến tỷ giá vào thì đạt được trạng thái tối ưu. Tối ưu ở đây có nghĩa là tất cả các cân đối của nền kinh tế có điều kiện để tốt hơn ví dụ, xuất nhập khẩu đảm bảo được mục tiêu là thặng dư trên cán cân thương mại, hay tỷ giá này phải làm sao để các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng đưa vốn vào Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài chuyển ngoại tệ về…

Về biên độ tỷ giá dài có ý nghĩa tạo cơ hội để cho các lực lượng của thị trường (nhà xuất khẩu, nhập khẩu, người dân…) nhiều cơ hội chọn ra một điểm tốt nhất để “gặp gỡ” và điều này cũng tương thích với cơ chế được nhà nước lựa chọn là thả nổi nhưng có quản lý, có điều tiết.

Nói cách khác, không có một chính sách nào hoàn toàn đúng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thời điểm do những biến động trên thế giới nên biên độ dài là cơ hội để các lực lượng trên thị trường, cung - cầu gặp nhau.

Biên độ không phải là yếu tố căn bản nhất nhưng là yếu tố quan trọng, tác động đến nền kinh tế này nếu như một đồng nội tệ mất giá quá lớn thì có nghĩa tiếp tay cho tình trạng nhập khẩu lạm phát.

Chúng ta cần quan sát, với tỷ giá trung tâm như hiện nay thị trường đã lên đến đỉnh biên độ 5% hay chưa? Nếu lên đến đỉnh biên độ thì Ngân hàng Nhà nước cần phải “chăm chú” quan sát, bởi tỷ giá là biến số đầu vào cho rất nhiều biến số khác. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những đối sách riêng.

Lời khuyên của ông khi tỷ giá tăng cao là gì?

20 - 30 năm trước, tôi đã đề cập đến vấn đề một thị trường ngoại hối cần được tạo điều kiện để hoạt động an toàn và hiệu quả. Cụ thể là cần có một “tủ thuốc gia đình” được trang bị các công cụ phòng chống những biến động và rủi ro. Lý do bởi rủi ro và biến động là một thuộc tính của thị trường ngoại hối, thị trường tài chính. Theo đó, các doanh nghiệp nên có một “tủ thuốc gia đình” cho dù sức khoẻ như thế nào đi nữa.

Khi nói đến tỷ giá là nói đến hai đồng tiền và mỗi đồng tiền đều có những yếu tố gắn liền với lợi ích của nó là lãi suất và tương quan về tỷ giá, dự báo xu thế, lãi suất tăng giảm…, đó là nhiệm vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người dân cần phải tính toán. Nhưng vẫn cần phải có các “bác sĩ”, có bệnh viện, cụ thể đó là những dịch vụ tài chính được hệ thống các ngân hàng thực hiện tư vấn cho các thành viên trong thị trường, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các dịch vụ này để hạn chế rủi ro cho mình..

Vượt lên trên tất cả là nhiệm vụ của một chính sách, đó là vai trò của Nhà nước tạo lập ra một thị trường tương đối ổn định, mục tiêu kinh tế vĩ mô hướng tới là sự ổn định, trong đó chính sách tỷ giá cùng chính sách lãi suất ổn định và biến động vừa phải (nếu có).

Ước tính, từ đầu năm đến nay, VND mất giá xấp xỉ 7%, điều này đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. VND lên giá so với Euro, yên Nhật nhưng xuất nhập khẩu về cơ bản định giá bằng USD nên xuất khẩu của Việt Nam qua các thị trường khác, không phải là thị trường Mỹ vẫn có lợi cho các nhà xuất khẩu, điều này thể hiện rất rõ trong cán cân thương mại của Việt Nam là xuất siêu.

Về phía các doanh nghiệp nhập khẩu có chịu thiệt, nhưng một chính sách mà tất cả đều vui là điều không thể và phải chấp nhận bên này hưởng lợi bên kia chịu thiệt thòi. Nhưng nhìn trong tổng thể, chúng ta đang thấy lạm phát thấp khoảng 3%.

Việc nâng lãi suất và tỷ giá sẽ tác động trung và dài hạn tới lạm phát của Việt Nam, một số dự báo cho rằng Việt Nam sẽ chịu lạm phát cao hơn cho năm 2023. Theo ông, các biện pháp tiền tệ còn lại có thể thực thi để nhằm ổn định vĩ mô và lạm phát là gì?

Dự báo lạm phát của năm 2023 không đơn giản bởi còn nhiều cách tiếp cận và quan trọng hơn là diễn biến của thị trường quốc tế cũng như cách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang quản trị các nhân tố, yếu tố trong tạo cung hàng hóa, kiểm soát cầu, chế độ giá cả,… trong đó có câu chuyện của lãi suất, tỷ giá.

Ảnh tác giả

Nghệ thuật điều hành chính sách tiền tệ là ở chỗ một mặt chống được lạm phát, mặt kia không để lại những di chứng như thất nghiệp, suy thoái...

TS. Trương Văn Phước

Chính sách tiền tệ bao giờ cũng đặt rất nặng mục tiêu kiểm soát lạm phát, không chỉ ở Việt Nam mà các ngân hàng trung ương trên thế giới đều lấy lạm phát là mục tiêu tối thượng khi thực thi chính sách tiền tệ.

Chúng ta đều thấy, các nước chấp nhận đánh đổi rất đau đớn là suy thoái của nền kinh tế nhưng còn đỡ hơn bởi nếu xảy ra rủi ro lạm phát sẽ khiến tốn rất nhiều chi phí xã hội để bù đắp lại.

Do đó, sẽ không ngạc nhiên khi thấy các nước sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và con đường dẫn tới việc thắt chặt đó chính là đưa lãi suất tăng cao. Nghệ thuật điều hành chính sách tiền tệ là ở chỗ một mặt chống được lạm phát, mặt kia không để lại những di chứng tàn khốc trên con đường kiểm soát lạm phát, không để cho nền kinh tế bị suy thoái, thị trường lao động bị thất nghiệp. Các ngân hàng trung ương đang thăm dò khi nào lạm phát được kéo xuống bằng nhiều cách, trong đó sử dụng bài toán lạm phát cơ bản.

Giữa tháng 11 và 12 năm nay, Fed sẽ ít nhất tăng lãi suất 1 - 2 lần để đánh vào lạm phát, nhưng dự báo khoảng tháng 5/2023, Fed cơ bản sẽ kiểm soát lạm phát và đồng thời với đó là câu chuyện hạ lãi suất. Đề cập đến kinh tế thế giới bởi kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhưng Việt Nam có những nhân tố căn bản hơn, có những cơ sở để kiểm soát lạm phát hơn do nền nông nghiệp nhiệt đới của Việt Nam là vô cùng quan trọng, là trụ đỡ rất quan trọng cho nền kinh tế. Trụ đỡ đó tạo ra một nguồn cung, theo đó, lạm phát Việt Nam có thể kiểm soát được thuận lợi hơn các nước khác. Do đó, tôi cho rằng, năm 2023, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát tốt.

Chính sách tiền tệ còn dư địa gì? Tôi cho rằng, các tư duy truyền thống cần phải đổi thành phi truyền thống. Cần ứng phó linh hoạt, uyển chuyển, thận trọng và dư địa là điều chúng ta nhắc nhở nhau nhưng không phải là con tin trong điều hành.

Dư nợ nền kinh tế 12 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng trong 1 năm là 14%, khoảng 1,8 - 1,9 triệu tỷ đồng đi vào nền kinh tế là lớn, nhưng quan trọng đi đâu về đâu để tạo ra của cải cho xã hội. Cần thanh lọc, cấu trúc lại tín dụng, cân đo đong đếm đồng vốn của nền kinh tế và làm được điều này để đi đến việc tín dụng bao nhiêu trong nền kinh tế là vừa.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động chưa tương xứng với sứ mệnh được gắn trên vai là cung ứng vốn cho trung, dài hạn cho nền kinh tế. Cũng như vấn đề luật pháp, hệ thống giám sát chặt chẽ, quy định pháp luật cần sửa sang, chỉnh đốn lại để tạo ra một diện mạo thị trường tài chính đàng hoàng hơn, lớn mạnh hơn.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục