Lại nhắc chất lượng đại lý bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi đăng tải bài báo “Mùa dịch nói chuyện ứng phí bảo hiểm”, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được thêm thông tin phản ánh về tình trạng ứng phí cũng như chất lượng đại lý bảo hiểm.
Vẫn còn tình trạng đại lý ứng trước phí để "ép" khách hàng mua bảo hiểm. Ảnh: Shutter Stocks Vẫn còn tình trạng đại lý ứng trước phí để "ép" khách hàng mua bảo hiểm. Ảnh: Shutter Stocks

Ứng phí trước để “ép” mua bảo hiểm

Chia sẻ với phóng viên, chị V.A kể, 3 năm trước, chị được 1 đại lý bảo hiểm của công ty bảo hiểm nhân thọ của Mỹ (đóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu) tư vấn mua bảo hiểm nhiều lần nhưng chưa đồng ý mua. Do là chỗ thân quen và liên tục bị chèo kéo nên chị hứa “sẽ mua khi có tiền".

Vậy là đại lý này yêu cầu chị ký sẵn bộ hồ sơ bảo hiểm, đợi khi có tiền thì đưa để mua bảo hiểm sau. Mấy tuần trôi qua, đại lý này tự ý bỏ tiền ra để đóng tiền phí bảo hiểm, đưa cho khách hàng bộ hồ sơ (bộ hợp đồng - PV) và bảo khi nào có tiền thì đưa lại.

“Tôi không đồng ý việc này vì tiền không phải do tôi đóng. Tôi cũng yêu cầu đại lý hủy hợp đồng thì được biết đã hết hạn hủy nên buộc phải tham gia bảo hiểm, hợp đồng đến giờ cũng chưa biết phải đóng phí đến khi nào, trong khi đại lý đã đóng hơn 1 năm 3 tháng với số tiền gần 12 triệu đồng”, chị V.A nói và bày tỏ băn khoăn rằng, nếu đã ký vào bộ hợp đồng bảo hiểm mà chưa nộp tiền cho đại lý thì hợp đồng đó có hiệu lực không? Pháp luật có cho phép đại lý tự ý bỏ tiền ra đóng cho khách hàng mua bảo hiểm hay không?

Cũng vì băn khoăn đó mà chị V.A đã gửi đơn thư phản ánh lên Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và được trả lời rằng, căn cứ vào Khoản 6, Điều 1 - Luật số 61/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trường hợp bên mua bảo hiểm đã ký tên trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhưng chưa nộp phí theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Liên quan tới việc đại lý ứng tiền đóng trước phí bảo hiểm cho khách hàng, cơ quan này cho biết, theo Điều 85 - Luật Kinh doanh bảo hiểm, một trong những nội dung hoạt động của đại lý bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm là thu phí bảo hiểm, nhưng không có việc tự bỏ tiền ra đóng phí cho bên mua bảo hiểm.

Từng tư vấn cho các vụ tranh chấp phát sinh từ việc ứng phí như trên, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định, đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái với hợp đồng đại lý (doanh nghiệp bảo hiểm không những không ủy quyền, mà còn cấm đại lý ứng tiền đóng phí cho khách hàng) cũng như vi phạm Luật Kinh doanh bảo hiểm, hệ lụy là có khả năng dẫn đến hợp đồng bị mất hiệu lực do khách hàng không có tiền cho kỳ đóng phí tiếp theo, còn bản thân đại lý thì “tiền mất, tật mang”.

“Một vài đại lý từng bị xử lý vi phạm ứng phí cho biết, tuy mức độ ảnh hưởng không lớn như việc chiếm dụng tiền của khách mà không nộp về công ty, nhưng vi phạm này có thể bị xem xét cắt hợp đồng đại lý và đưa vào ‘danh sách đen’ trên hệ thống, như vậy rất khó để làm việc tại công ty khác”, luật sư Tuấn nói.

Nâng “chất” đại lý bảo hiểm: Giải pháp nào?

Thực tế, không phải đợi đến khi bị xử phạt vì ứng trước phí thì câu chuyện đạo đức nghề nghiệp, chất lượng của đại lý bảo hiểm nhân thọ mới được quan tâm, mà lâu nay đã là vấn đề nhức nhối trên thị trường. Tại phiên thảo luận thứ nhất về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 13/9/2021 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác của đại biểu quốc hội chia sẻ một thực tế là đa số đại lý bảo hiểm hiện nay xem việc bán bảo hiểm là tạm thời nên không dành nhiều thời gian trau dồi kiến thức chuyên sâu về tài chính - bảo hiểm, dẫn đến việc giải thích thực hiện các cam kết hợp đồng nhiều khi không rõ ràng, thậm chí tư vấn các quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm chưa đúng với nội dung của bảo hiểm (giá trị thật của bảo hiểm - PV), từ đó dễ gây tranh chấp.

Đây cũng là bất cập được Bộ Tài chính đề cập tại báo cáo trình Quốc hội để sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó nhấn mạnh việc xung đột về lợi ích khi đại lý cá nhân làm việc cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thường có xu hướng chọn tư vấn, giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm chia hoa hồng cao hơn; chưa có các quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn hoạt động đại lý bảo hiểm, trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong việc khai thác, bảo mật thông tin khách hàng; quy định về đào tạo đối với đại lý chưa phù hợp, chưa thực chất do đại lý phải học, thi đối với cả những sản phẩm không khai thác, gây lãng phí nguồn lực...

“Tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng của đại lý chưa được nâng cao do các doanh nghiệp bảo hiểm có xu hướng tập trung phát triển số lượng hơn là chất lượng cho đội ngũ đại lý bảo hiểm”, báo cáo nêu rõ.

Xét về số lượng, theo Niên giám thị trường bảo hiểm Việt Nam, số đại lý bảo hiểm liên tục tăng qua từng năm: Nếu như năm 2011 có 283.593 đại lý thì tới năm 2018 tăng lên 899.071 đại lý và các năm 2019, 2020 tiếp tục tăng lên tương ứng 1.026.224 đại lý và 1.066.835 đại lý (chưa có số cập nhật từ đầu năm 2021 tới nay - PV), trong khi số lượng đại lý thi lấy chứng chỉ hàng năm cũng rất lớn, đều trên 300.000 người/năm, cho thấy số lượng đại lý mới tuy tăng lên, nhưng cũng tương đương với số đại lý nghỉ việc, vì thực tế, các đại lý sau khi thi lấy chứng chỉ chỉ khai thác trong một thời gian ngắn đã nghỉ việc, nhiều đại lý nghỉ việc thời gian dài sau đó quay trở lại làm đại lý.

Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, các vụ tranh chấp phát sinh giữa công ty bảo hiểm và khách hàng thời gian qua phần lớn đều xuất phát từ đại lý bảo hiểm: Không ít đại lý chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho khách hàng khi giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm; đại lý bảo hiểm dụ dỗ, lôi kéo khách hàng chấm dứt hợp đồng tại công ty này để tham gia bảo hiểm ở công ty khác, hoặc tranh giành đại lý của nhau…, gây ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, uy tín doanh nghiệp cũng như tính ổn định, minh bạch của thị trường.

Theo quy định hiện hành, đại lý bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi phải có những kiến thức chuyên sâu về sản phẩm bảo hiểm cũng như kiến thức chung về pháp luật và tài chính, bởi vậy việc thường xuyên trau dồi, cập nhật những kiến thức này là rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện chưa có quy định về thời hạn của chứng chỉ đại lý bảo hiểm, dẫn đến tình trạng nhiều đại lý đã dừng hoạt động lâu năm nhưng vẫn có thể quay trở lại sử dụng chứng chỉ thực hiện công việc đại lý nếu muốn, từ đó không đảm bảo chất lượng tư vấn.

Trong khi đó, ở các thị trường phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada, Anh, Ý, Hồng Kông (Trung Quốc)… đều có quy định về gia hạn chứng chỉ đại lý. Việc quy định chứng chỉ có thời hạn sẽ buộc các đại lý phải tuân thủ quy định của pháp luật, quy chế của doanh nghiệp, tập trung chuyên môn vào tư vấn và phục vụ khách hàng để tránh sai phạm dẫn đến bị thu hồi chứng chỉ và cấm hoạt động trong ngành bảo hiểm.

Để chuẩn hóa chất lượng, nâng tính chuyên nghiệp của đội ngũ đại lý, phù hợp với thực tiễn của thị trường và thông lệ quốc tế, theo Bộ Tài chính, bên cạnh đảm bảo công tác đào tạo, cập nhật thường xuyên kiến thức cho đại lý bảo hiểm, cần sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm theo hướng định rõ thời hạn chứng chỉ đại lý (dự kiến là 5 năm), trong đó nêu cụ thể thời hạn của đại lý bảo hiểm hoạt động liên tục và không liên tục, giao Bộ Tài chính hoặc một đơn vị được cơ quan này ủy quyền thống nhất quản lý việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục