Bảo hiểm lo vì mất “đại lý” lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn thu bán bảo hiểm xe qua đăng kiểm trên toàn thị trường hàng năm ước đạt hàng trăm tỷ đồng, nên ít nhiều có sự lo ngại khi mối lo sụt giảm đã hiện hữu.
Từ 1/10/2021, người đi đăng kiểm không phải xuất trình chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Từ 1/10/2021, người đi đăng kiểm không phải xuất trình chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

Giảm thủ tục kiểm định là đúng đắn

Một điểm mới tại Thông tư số 16/2021 của Bộ Giao thông - Vận tải (quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ 1/10/2021), đó là người đi đăng kiểm không phải xuất trình chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới cho đơn vị đăng kiểm.

Như vậy, người đi làm thủ tục kiểm định phương tiện (kể cả lần đầu và định kỳ) tại các trung tâm đăng kiểm không cần phải xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực như hiện tại, mà chỉ phải xuất trình giấy đăng ký xe (bản chính, giấy biên nhận thế chấp bản chính tại tổ chức tín dụng; hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe) là được tiếp nhận kiểm định phương tiện.

Theo Cục Đăng kiểm, việc bỏ quy định xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nhân sự chủ xe cơ giới khi đăng kiểm giúp giảm tối đa giấy tờ, tạo thủ tục thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân và đơn vị đăng kiểm.

Quy định mới này cũng được đa số công ty bảo hiểm cho là cần thiết nhằm giảm bớt thủ tục, giấy tờ khi đi đăng kiểm xe.

“Việc không phải trình giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nhân sự chủ xe cơ giới giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho chủ xe khi đi đăng kiểm, còn đơn vị đăng kiểm cũng không phải kiểm tra nhiều loại giấy tờ như trước đây”, đại diện PTI cho hay.

Về phía chủ phương tiện, ngoài việc giảm bớt thủ tục, việc không phải xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng đồng nghĩa với việc không phải mua bảo hiểm tại đơn vị đăng kiểm “cho tiện” như trước, mà có thể mua qua nhiều kênh khác với mức phí rẻ hơn bởi được giảm giá, trong khi đơn vị đăng kiểm thường bán bảo hiểm nguyên giá.

Anh Nguyễn Văn Dũng, cựu nhân viên phụ trách mảng bảo hiểm liên kết với đơn vị đăng kiểm của một công ty bảo hiểm cho biết, mặc dù chủ phương tiện không bắt buộc phải mua bảo hiểm qua các đơn vị đăng kiểm, nhưng quy định phải xuất trình thẻ bảo hiểm khi đi đăng kiểm như hiện tại dễ tạo “thói quen” mua bảo hiểm luôn qua đơn vị đăng kiểm cho “thuận tiện”, nên đây là một kênh khai thác khá hiệu quả đối với nhà bảo hiểm, thậm chí có công ty bảo hiểm còn coi đây là “đại lý” đóng góp nguồn doanh thu chính.

Tạo dư địa khai thác cho kênh khác

Ghi nhận của phóng viên từ các công ty bảo hiểm đạt doanh thu phí bảo hiểm xe cao như PTI, PJICO, Bảo Việt, PVI… cũng như các đơn vị đăng kiểm cho thấy, hiện chưa có thống kê chính thức nào về phí bảo hiểm thu được qua kênh đăng kiểm.

Thay vì mua qua đăng kiểm như một thói quen, khách hàng sẽ lựa chọn kênh bán hàng đơn giản hơn và xu hướng tất yếu hiện nay là kênh online, khi giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đã được chấp thuận và việc thanh toán phí bảo hiểm được thực hiện trên môi trường trực tuyến tiện lợi hơn…

Tuy nhiên, theo ước tính của lãnh đạo phụ trách mảng xe một công ty bảo hiểm có doanh thu phí bảo hiểm xe liên tục tăng trưởng trên 20%/năm những năm gần đây, nguồn thu bán bảo hiểm xe qua đăng kiểm trên toàn thị trường hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng, thậm chí có năm lên tới 300 tỷ đồng từ riêng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (chưa tính doanh số bảo hiểm thân vỏ).

Nếu chính xác thì đây là con số không phải quá lớn, nhưng đáng kể dành cho hơn 30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường.

Ngoài lo ngại sụt giảm nguồn phí từ kênh đăng kiểm, một số công ty bảo hiểm cho biết đang có sự sụt giảm doanh thu phí bảo hiểm xe nói chung (cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và thân vỏ), khi mà số lượng xe mới bán ra đang giảm mấy tháng vừa qua cũng như nhu cầu giảm vì dịch và khả năng tình trạng bỏ mua bảo hiểm sẽ tăng.

Bởi lẽ, khi mất đi một đầu mối kiểm tra quan trọng là cơ quan đăng kiểm, nên chỉ còn cơ quan công an (cảnh sát giao thông kiểm tra giấy bảo hiểm xe bắt buộc của chủ phương tiện). Dẫu luật pháp đã quy định phương tiện tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, nhưng trường hợp chủ phương tiện mua bảo hiểm chỉ để đối phó với cơ quan chức năng là không hiếm.

Mặc dù mối lo sụt giảm nguồn thu bảo hiểm từ kênh đăng kiểm đã hiện hữu, nhưng lãnh đạo một công ty bảo hiểm phi nhân thọ không tiện nêu tên cho rằng, vẫn còn nhiều người có thói quen mua bảo hiểm tại các đơn vị đăng kiểm nên các đơn vị này còn có thể khai thác trong thời gian khá dài nữa, chưa kể chính sách mới thường có độ trễ.

Mặt khác, xét tổng thể, việc kênh đăng kiểm bị thu hẹp cũng tạo điều kiện cho các kênh khác như đại lý, ngân hàng… có thêm dư địa khai thác. Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho rằng, khách hàng có thể sẽ giảm bớt hoặc không mua qua đăng kiểm, nhưng họ sẽ tìm mua ở những kênh khác, nơi có dịch vụ tư vấn trước và sau bán hàng (đòi bồi thường) tốt hơn.

Các công ty bảo hiểm cũng nhìn nhận, thay vì mua qua đăng kiểm như một thói quen, khách hàng sẽ lựa chọn kênh bán hàng đơn giản hơn và xu hướng tất yếu hiện nay là kênh online, khi giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đã được chấp thuận và việc thanh toán phí bảo hiểm được thực hiện trên môi trường trực tuyến tiện lợi hơn…

Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán xe ô tô toàn thị trường đã giảm mạnh trong 2 tháng qua, lần lượt là 30% trong tháng 6 và 32% trong tháng 7, nên doanh thu phí bảo hiểm xe cũng bị ảnh hưởng.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.107 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,1% tổng doanh thu phí và giảm gần 1% so với cùng kỳ năm 2020.

Với doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn gần 29% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc (đạt 8.525 tỷ đồng) trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục