Lãi dự thu: Cần thay đổi từ gốc

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán từng đăng bài viết “Nhiều ngân hàng lãi ảo do khoản dự thu” phản ánh câu chuyện lãi dự thu đã và đang là “nỗi nhức nhối” của thị trường khi nhìn vào hoạt động của ngân hàng. Hiện tại, vấn đề là cần thay đổi và phải bắt đầu từ gốc để tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiệu quả hơn.
Lãi dự thu: Cần thay đổi từ gốc

Lãi dự thu: Bình thường và bất thường

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam khẳng định, việc dự thu và dự chi là chuyện hoàn toàn bình thường của DN. Về lý thuyết, chi phí diễn ra ở kỳ kế toán nào thì phải hạch toán vào kỳ kế toán đó nên bản chất việc có các khoản lãi dự thu và dự chi đều không sai. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, nhiều ngân hàng đang quá lạc quan vào việc ghi nhận các khoản lãi dự thu này. Do vậy, dẫn đến nhiều tác động xấu khi không thể thu về các khoản lãi dự thu.

Cụ thể, thông thường lãi dự thu và dự chi được tính toán trên cơ sở hàng tháng hoặc ít nhất 3 tháng/lần tùy theo điều khoản trên hợp đồng. Nhưng hiện nay, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, có những ngân hàng thời gian ân hạn cho các khoản vay thường quá dài hoặc cả lãi cả gốc được thanh toán vào cuối kỳ - và cuối kỳ ở đây không phải là 6 tháng, 1 năm mà có thể là 3 hay 5 năm. Trong khi đối với các khoản gửi tiết kiệm, có những ngân hàng kỳ hạn lên tới 60 tháng nhưng thực tế chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 12 tháng nhận được cả lãi và gốc.

"Nếu tài sản Có ghi trên bảng cân đối của các ngân hàng không những không sinh lời mà còn làm tăng thêm các chi phí phát sinh khác thì cũng có thể xem những tài sản đó như “đếm gà trước khi trứng nở”"

- bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến thời điểm 30/6/2016, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt con số 7.660.410 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khối ngân hàng thương mại Nhà nước với 3.522.520 tỷ đồng, tương đương 45% tổng tài sản toàn hệ thống; đứng thứ hai là khối ngân hàng thương mại cổ phần với 3.154.574 tỷ đồng, tương đương với 41% tổng tài sản toàn ngành (nguồn: NHNN). Nhưng, điều đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của các khoản phải thu, trong đó đặc biệt là các khoản lãi, phí phải thu tăng ngày càng đột biến tại một số ngân hàng.

Bà Dương nhấn mạnh: “Tài sản phải là nguồn lực của DN và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai. Nếu tài sản Có ghi trên bảng cân đối của các ngân hàng không những không sinh lời mà còn làm tăng thêm các chi phí phát sinh khác thì cũng có thể xem những tài sản đó như “đếm gà trước khi trứng nở”.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia phân tích dữ liệu cho biết, điều này không quá khó khăn để nhận ra nếu nhìn vào Báo cáo tài chính của một số ngân hàng. Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2016, tổng lãi, phí và khoản phải thu của Sacombank là 25.814 tỷ đồng nhưng lãi, phí dự thu chiếm 8,3% tổng tài sản; tương tự SHB là 9.237 tỷ đồng và gần 5%. Còn tại thời điểm 31/12/2015, PVcomBank là 8.536 tỷ đồng và 8,7%; Maritime Bank là 3.067 tỷ đồng và 3% (nguồn: báo cáo tài chính của các ngân hàng).

Với trường hợp của Sacombank, dù tổng tài sản tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam nhưng đồng thời, tài sản Có khác không sinh lời trên bảng cân đối kế toán cũng tăng rất nhanh và thời điểm 31/12/2015 đã chiếm tới 15% tổng tài sản. Hay như với câu chuyện tại Martime Bank, sau khi sáp nhập với MDB, tỷ lệ tài sản Có không sinh lời trong năm 2015 cũng chiếm 10% tổng tài sản.

“Ngân hàng cần phải cân nhắc lợi ích kinh tế khi thực hiện các khoản cho vay và cần phải chú trọng vào việc cân đối thanh khoản cũng như cân đối lợi nhuận giữa việc huy động và cho vay, bởi nếu quá chênh lệch sẽ dẫn đến lợi nhuận ngân hàng rất mỏng hoặc ngân hàng có thể rơi vào tình trạng căng thẳng về thanh khoản”, bà Dương nhấn mạnh. 

Cần xem xét thực trạng ghi nhận lãi dự thu

Câu chuyện được đặt ra ở đây là khi các ngân hàng tham gia tái cơ cấu, phải có cơ chế riêng để hoạt động, có như vậy mới đảm bảo được lợi ích cho các bên tham gia tái cơ cấu. Tuy nhiên, việc trao quá nhiều cơ chế cho nhóm này có thể tạo ra những rủi ro nhất định cho hệ thống, đòi hỏi cơ quan chủ quản là NHNN phải giám sát chặt chẽ. Bởi có cơ chế riêng đồng nghĩa với những vấn đề còn tồn đọng của các nhà băng vẫn chưa được giải quyết triệt để trong thời gian trước mắt mà có thể trong dài hạn, hoặc có thể sẽ giải quyết theo một cách khác với thông lệ chung.

Như vậy, với những rủi ro có thể phát sinh từ nhóm tài sản Có không sinh lời, cần có sự đồng hành giám sát chặt chẽ của NHNN trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, nhất là đối với các trường hợp hoạt động theo cơ chế riêng. Bên cạnh đó, cần phải thấy rằng, nếu tất cả các ngân hàng khác đang cố gắng làm tốt, nhưng một vài ngân hàng xấu lại được cứu sống, được cho là ngoại lệ thì có thể tạo cản lực đối với các ngân hàng khác trong hệ thống.

Phân tích cụ thể hơn, một lãnh đạo cao cấp NHNN chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, câu chuyện lãi dự thu liên quan đến vấn đề phương pháp hạch toán lãi dự thu nên cần phải thay đổi từ gốc. Bởi tất cả đều hiểu là chưa có dòng tiền về thật nhưng vẫn được tính vào là thu nhập của ngân hàng và nộp thuế cho phần dự thu đó, cũng như được quyền chia cổ tức trên phần lãi dự thu. Nhìn vào bản chất của vấn đề, chúng ta đều thấy hệ lụy từ việc ngân hàng đã ghi nhận không đúng thu nhập của mình hoặc quá lạc quan vào việc ghi nhận các thu nhập, thậm chí biết không thể thu được. Điều này cần phải chấn chỉnh ngay.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng, lãi dự thu còn là câu chuyện liên quan đến vấn đề ngân sách, bởi khi thay đổi quy định về lãi dự thu, số tiền nộp thuế có thể bị giảm. Đây là điều khá nhạy cảm trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, vị lãnh đạo NHNN phân tích, về thực tế, tổng thu thuế không thay đổi bởi sau này có thu nhập các ngân hàng sẽ nộp thuế đầy đủ, còn như hiện nay đơn giản chỉ là nộp thuế trước cho một dòng tiền ảo mà có thể không thu được.

“Để bảo đảm sự lành mạnh của hệ thống, Bộ Tài chính nên cùng với NHNN nghiên cứu, đánh giá, xem xét lại thực trạng của việc ghi nhận lãi dự thu hiện nay, đồng thời củng cố, chấn chỉnh nhằm đảm bảo phản ánh đúng thực tế câu chuyện thu nhập thực sự của ngân hàng, tránh ghi nhận lãi ảo cũng như việc chia cổ tức trên dòng tiền ảo này”, vị lãnh đạo của NHNN nhấn mạnh.

Dẫn chứng số liệu từ các ngân hàng trên đều đang trong quá trình tái cơ cấu và thực tế cho thấy, nếu lãi dự thu quá cao, ngân hàng hoạt động không ổn định cũng dự báo nhiều khả năng phải tái cơ cấu lại. Đây cũng là bài học nhãn tiền cho các ngân hàng khác muốn phát triển bền vững không nên quá tham vọng khi ghi nhận những món lãi không đúng thực chất.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục