Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Thông tư 05/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành ngày 9/1/2013 cho phép ngân hàng tính dòng tiền trên cơ sở dự thu và dự chi vào cuối năm, rồi nộp thuế trên cơ sở này.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại hệ thống ngân hàng cho thấy, nhiều khoản dự thu, nhất là khoản vay trung-dài hạn không hết trong một năm tài chính mà kỳ trả lãi kéo dài 3-5 năm vẫn tính là thu nhập, dù thực tế chưa thu được…
“Ngân hàng đã không tính chính xác thực sự dòng tiền và tính phần lãi dự thu này nộp thuế, tính chia cổ tức, khiến chính ngân hàng cũng như toàn hệ thống gặp nhiều rắc rối”, vị lãnh đạo trên nói.
Nhấn mạnh hơn về khả năng “Lãi dự thu dự trù lợi nhuận sẽ có trong tương lai bản chất là lãi ảo”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, lãi dự thu có một phần là lãi thực khi khách hàng trả cho ngân hàng, song cũng có những khoản lãi không được thanh toán do nợ xấu, sau một thời gian không trả nợ ngân hàng lại phải mang lãi ra ngoại bảng để theo dõi.
TS. Hiếu cho biết thêm, những khoản lãi dự thu cho món nợ tốt (nhóm 1) thường là có thật, nhưng lãi dự thu từ nhóm 2 đến 5 một phần trong đó là ảo do con nợ “quá tệ”, nhưng ngân hàng vẫn hạch toán trong sổ sách.
“Đó là lãi ảo, nếu hạch toán không đúng sẽ làm tăng lợi nhuận, tăng vốn chủ sở hữu, nhưng ngược lại, nếu khấu trừ lãi ảo đó, lợi nhuận giảm xuống và có thể làm giảm vốn chủ sở hữu. Chính vì lãi ảo, tình hình tài chính của một ngân hàng không được thể hiện chính xác trong báo cáo tài chính”, TS. Hiếu nói.
Thực tế, câu chuyện lãi dự thu đã và đang diễn ra là “nỗi nhức nhối” của thị trường khi nhìn vào hoạt động của các ngân hàng. Cụ thể, một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP. HCM, năm 2010 công bố lợi nhuận là 2.378 tỷ đồng, sang năm 2011, lợi nhuận vọt lên 4.056 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2012, con số này giảm nhanh xuống còn 2.851 tỷ đồng và năm 2013 tiếp tục sụt giảm mạnh, chỉ còn 828 tỷ đồng với lý do khoản dự phòng rủi ro tăng đột biến. Tiếp đó, năm 2014, lợi nhuận “tụt dốc” xuống còn… 68,79 tỷ đồng và đến năm 2015 ghi nhận mức lãi trước thuế 89 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế 26 tỷ đồng.
“Ngân hàng này đã bán một số tài sản cố định là bất động sản cho công ty bất động sản (là công ty liên kết với Ngân hàng) trong giai đoạn 2010-2013 và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào kết quả kinh doanh hợp nhất các năm nói trên. Sau đó, Ngân hàng đã mua lại các tài sản từ chính công ty bất động sản này trong giai đoạn 2011-2015. Theo cơ quan quản lý, Ngân hàng phải ghi giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu… Việc ghi nhận lãi ảo từ việc mua/bán tài sản giữa Ngân hàng và công ty liên kết đã khiến Ngân hàng bị âm lợi nhuận”, vị lãnh đạo NHNN cho biết.
Tại một ngân hàng thương mại cổ phần trong diện tái cơ cấu có trụ sở tại Hà Nội, báo cáo của nhà băng này cho biết, lợi nhuận được cải thiện, lỗ luỹ kế đã giảm dần qua các năm, đến cuối năm 2015 thì xoá hết lỗ. Tuy nhiên, theo các báo cáo công bố, ngân hàng này có mức vốn điều lệ 5.550 tỷ đồng, trong khi ghi nhận số lỗ luỹ kế hơn 1.250 tỷ đồng tại ngày 31/12/2012, cùng với khoản thặng dư vốn cổ phần âm 1.019 tỷ đồng đến nay vẫn chưa xử lý được, khiến cho vốn chủ sở hữu bị giảm đáng kể. Đặc biệt, Ngân hàng hiện còn các khoản phải thu (3.680 tỷ đồng); khoản lãi, phí phải thu (gần 865 tỷ đồng) rất lớn, nên phải trích dự phòng rủi ro. Riêng về lãi dự thu, khoản lãi, phí phải thu của ngân hàng này vẫn chưa biết chính xác khả năng thu hồi như thế nào, tạo ra những nghi ngờ về ảnh hưởng của lãi dự thu tới kết quả lợi nhuận công bố có thể là lãi “ảo”…
TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh: “Cần phải sớm cảnh báo sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống. Nhiều ngân hàng đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để lấy tiền trả lãi cho khoản tiền gửi cũ, còn lãi cho vay là tiền thật thì mới chỉ ghi nhận dự thu, chứ chưa thu được trên thực tế. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng chính là được ghi nhận từ nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này”.
Thực tế cho thấy, vấn đề lãi “ảo” không chỉ tập trung ở những ngân hàng yếu kém, đang trong quá trình tái cơ cấu, mà còn tồn tại ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên.