Vẫn có những hành trình mà ở đó, ta không cần resort tiện nghi, không cần nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng hoàn hảo. Chỉ cần chút hương đồng gió nội tự nhiên, là cuộc sống đã thêm bội phần ý nghĩa. Mỗi lần nhớ lại cảm giác được chìm đắm trong khung cảnh lãng mạn ấy, khi tia nắng cuối cùng đang hôn vội lên dòng nước trắng xóa như mái tóc nàng tiên, lòng tôi lại nao nao…
Điểm đến hấp dẫn giữa đại ngàn Thanh Hóa
Quyết định đến thăm thác Mây (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) của tôi hoàn toàn là ngẫu nhiên. Tháng 7, nắng như đổ lửa. Ai ai cũng muốn tranh thủ một vài ngày nghỉ cuối tuần để trốn nóng. Thay vì lựa chọn những điểm du lịch quá đỗi thân quen như Sapa, Hà Giang…, tôi chọn riêng cho mình một vùng đất mới hơn để khám phá và thác Mây đã không khiến tôi phải thất vọng.
Cách đây khoảng năm, bảy năm gì đó, so với thác Bản Giốc (Cao Bằng) quá đỗi nổi tiếng, thác Mây vẫn chỉ là một điểm đến bí ẩn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Vì chưa bị thương mại hóa, nên ít nhiều con thác vẫn giữ được bề ngoài vẻ nguyên thủy hiếm có và tất nhiên đẹp đến ngất ngây.
Ngày nay, nhờ những người thích du lịch phượt “đánh tiếng”, mà thác Mây ngày càng hấp dẫn du khách phương xa, cho dù chẳng tìm ra đâu một tour du lịch khám phá đến vùng này.
Tới đây vào thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8, bạn bè đi cùng ai nấy đều nói mình thật may. Vì dịp này chính là giữa mùa nước đổ, nghĩa là chúng tôi có thể ngắm nhìn trọn vẹn mọi cảnh đẹp rực rỡ nhất trong năm của thác Mây.
Thật yên bình nhẹ nhàng khi lạc vào xứ sở thần tiên ở chốn non cao cùng cốc này. Để rồi tôi chính thức bị vẻ đẹp kiêu sa, huyền bí đến mức khó cưỡng lại của “nàng mỹ nhân” ấy đánh gục rất nhanh.
Sau khi xuôi theo đường Hồ Chí Minh khoảng 130 km không khí rất trong lành, mát mẻ, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ như dây thừng vắt ngang, nhầy nhụa bùn vì cơn mưa đêm qua, để vào chân thác. Đây là đoạn đường khó chinh phục nhất trong suốt chuyến hành trình, nhưng cũng là đoạn tạo nên sức hút đặc biệt với những ai thích khám phá.
Hành trình tới thác Mây là một thử thách không hề nhỏ, nếu không có những đam mê thôi thúc và sự nỗ lực, thì rất có thể bạn sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Nhờ có cơn mưa mà vòng xe không còn nghe theo sự điều khiển của xế, cứ trơn trượt lao đi tùy ý của chúng. Những đoạn bùn ngập qua cả mắt cá chân, chúng tôi phải nhờ người địa phương khiêng xe mới lội được.
Đường vào thác Mây đầy thử thách với nhiều tay lái
Hành trình gian nan là vậy, nhưng khi được thả mình vào không gian thuần khiết thì mọi mệt mỏi đều tan biến. Chỉ còn ta và mảnh tình vương lưu vào nắng gió miền đồng rừng. Trong cái nắng chiều le lói dưới chân con thác đổ, tôi đã thấy Mặt Trời đặt nụ hôn cuối cùng lên dải nước trắng ngần thanh thoát đang rơi xuống từ độ cao 100 m.
Nước chảy qua 9 bậc đá gối lên nhau mềm mại và uyển chuyển như nàng tiên đang trình diễn một điệu múa xòe. Nàng và Mặt Trời làm dịu đi rất nhanh cái nóng hầm hập đang tỏa ra trong từng thớ thịt. Ở ngay bên cạnh, khán giả của Nàng là lũ “người trần mắt thịt” chúng tôi vừa rửa chân vừa trầm trồ thưởng thức.
Thác nước mùa này cũng thật hiền hòa, mộc mạc và nồng nàn. Có nơi thác đổ rào rào, có nơi lại khẽ khàng róc rách, có nơi thác nước mềm mại, nơi lại có thác nước cao vút trút nước cuồn cuộn bọt trắng xóa. Tiếng nước chảy róc rách, nhẹ nhàng như tiếng ru của rừng xanh vỗ về cuộc sống bình yên của con người, nuôi dưỡng cho những ruộng lúa, cây ngô. Nguồn nước vô tận ngày đêm reo hát, hòa với âm hưởng núi rừng kỳ bí sẽ là điểm đến cho những ai thích những trải nghiệm mới lạ.
Tôi cũng được người dân ở đây cho hay, thác Mây còn có tên gọi khác là thác chín bậc tình yêu, vì nó gắn liền với một truyền thuyết. Chuyện xưa kể rằng, chín bậc thác bốn mùa róc rách, rì rầm chính là dấu chân của chín nàng tiên vì mê đắm vẻ đẹp nơi này đã chống lệnh Trời mà giáng trần. Mỗi bậc thác tượng trưng cho một nàng tiên, chín bước chân, chín bậc tình yêu…
Từ bao đời nay, người dân ở đây vẫn có một niềm tin sắt đá rằng, những đôi lứa đang yêu mà cùng nhau lên tắm thác, thì tình yêu sẽ ngày càng mặn nồng và được nên duyên vợ chồng.
Một đêm “rất khác” ở Thác Mây
Những cơn mưa tầm tã ghé qua khi đã nửa đêm. Tôi băn khoăn tự hỏi vào mùa nước đổ, Thạch Lâm có ngày nào được nắng không. Nằm ngay bên cạnh cửa sổ căn nhà sàn, gió quất hơi nước thun thút như xát băng vào da thịt. Khói trắng quẩn lên không rõ là sương hay là khói. Tôi nằm ngủ phải quấn những chiếc chăn thật dày. Thế mà tới gần sáng, chẳng biết hơi ấm từ trời rớt xuống hay từ lòng đất phả lên, mà sương đã tan, trời thật trong và không khí dịu dàng như một đêm Thu.
Dường như tôi muốn thâu tất cả tiếng côn trùng tha thiết, hương cây rừng nồng nồng và cả tiếng thở đều đều của đồng đội đi cùng vào trong mình. Đó là những trải nghiệm mà tôi không bao giờ có được khi ở Hà Nội ồn ã. Chỉ đơn giản thế thôi mà lại thấy thích thú vô cùng.
Ngoài được ngắm nhìn, tôi còn bắt gặp hình ảnh những người dân địa phương thật giản dị, chất phác và những đứa trẻ vô tư nô đùa giữa ngập tràn cỏ hoa. Và điều cuối cùng khiến tôi nhớ mãi chuyến hành trình khám phá thác Mây, chính là các món ăn đặc sản miền đồng rừng.
Đặc sản ở đây là ốc đá “chính hãng”, thịt bò cuốn lá lốt, lá bưởi nướng, gà đồi và thêm một bát lúa nương đầu vụ. Những con ốc đá thơm mềm và ngọt ngào tan ngay khi chạm đầu lưỡi mà giờ kể lại vẫn thấy đầy tràn trong miệng. Ngạc nhiên hơn khi một bữa ăn thịnh soạn đủ đầy cho 10 người như vậy mà chủ nhà chỉ ‘nỡ’ lấy có 800.000 đồng, trong khi ở thành phố có chi gấp 3 như vậy cũng chưa chắc đã được ăn thứ ốc đá chính hiệu này.
Lúc chia tay thác Mây, nắng chiều đã đi được nửa đường. Tôi cố nán lại để chờ nụ hôn cuối ngày của “nàng tiên nữ” xứ Thanh. Trở về thủ đô trong tâm trạng tiếc nuối, tôi mong có cơ hội quay lại thác Mây thêm một lần. Lúc đó tôi sẽ đi cũng người mình thương…, dắt tay nhau đi hết 9 bậc tình yêu để ông trời kết duyên vợ chồng.
Giống bao mảnh đất hoang sơ tôi từng đặt chân qua, thác Mây cũng để lại những trăn trở, suy tư về sự cân bằng phát triển du lịch và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Quý I/2017, một dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái thác Mây tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành chính thức khởi động thì ai còn dám chắc về điều gì trong tương lai.
Phát triển du lịch trên địa bàn huyện miền núi Thạch Thành còn nhiều khó khăn, nhưng hy vọng sẽ có bước nhảy vọt, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả, hợp lý các tài nguyên du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Làm sao để mọi người đều có quyền bình đẳng trong thưởng thức cái đẹp thiên nhiên ban tặng mà thác Mây vẫn được ngang nhiên chảy một dòng như nó đã từng.
Tạm biệt thác Mây và những cơn mưa mùa Hè….
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com