Vẻ đẹp thay đổi khó ngờ của Đồ Sơn
Biển Đồ Sơn không mạnh mẽ như Sầm Sơn, không được bao bọc bởi đá núi sừng sững như Cát Bà, cũng không trong xanh, vàng rượi như Đà Nẵng…. Đồ Sơn có nét riêng biệt mà ai đến cũng nhận ra ngay: đó là màu nước biển đỏ đục phù sa.
Sau này tìm hiểu tôi mới biết, ở phía Bắc và Nam Đồ Sơn có hai cửa sông đem theo phù sa đổ ra biển. Ấy vậy mà Đồ Sơn lúc nào cũng thu hút một lượng lớn khách tới du lịch, nghỉ dưỡng, gia đình đi tránh nóng hay những đôi trẻ muốn đổi gió tìm chút bình yên.
Thật tiếc, tôi đi Đồ Sơn đúng ngày biển động. Trời mây xám xịt bủa vây, sóng nước gầm rú đánh bờ kè giữa bốn bề là gió. Những cánh chim biển vội vã trong đường bay cuối cùng trước khi màn đêm ập tới. Khu resort ven biển vắng tanh suốt đêm dài. Nhưng sáng hôm sau, biển như trở mình. Hơn 5 giờ, Mặt Trời đã lên chói lòa rực rỡ. Biển lộng lẫy trong bình minh đỏ. Biển lấp lánh trong ánh nắng ban trưa. Và biển dịu dàng lại khi trời đổ hoàng hôn.
Những chiếc ô ngũ sắc trên bờ căng gió như ru ngủ cho hàng ghế trống phơi dài. Đám trẻ con từ các nhà nghỉ lao xuống bãi cát để được tắm mình trong ánh nắng đầu tiên. Chúng hoặc tháo giày dép để lại trên bờ rồi mạnh dạn dẫm chân vào buốt lạnh của nước hoặc lùi lại ngắm nhìn và vui đùa cùng nhau.
Tôi dạo quanh hàng phượng nở đỏ và hàng phi lao xanh đang đứng lẫn lộn với các nhà nghỉ mặc cho gió lao thốc qua tấm áo mỏng. Cảm giác lãng đãng quen thuộc như đang đứng ở bất kì đâu trên mảnh đất biển đảo quê hương.
Nếu dùng hai từ “nguyên sơ” để miêu tả cảnh biển khi đó thì tôi rất có thể gặp sự phản đối của nhiều người, thậm chí còn bị cho là đang bênh vực một vùng biển nổi tiếng và cũng có không ít tai tiếng. Nhưng chớ vội quên, thiên nhiên có sức mạnh chẳng dễ gì lay chuyển được. Biển ở đâu cũng thế thôi. Trước biển người ta dễ bị mủi lòng và muốn được yên lặng. Nét tự nhiên, mộc mạc khó mài giũa của Đồ Sơn quả là ít ai được chạm vào.
Vùng biển huyền sử
Được mệnh danh là mảnh đất của những huyền thoại, Đồ Sơn mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của cả một vùng trời mây sóng nước ghi dấu những truyền thuyết kim cổ đó.
Là một bán đảo nhỏ do dãy núi Rồng vươn dài ra biển, Đồ Sơn được ví như một con Rồng chầu về viên ngọc là đảo Hòn Dấu. Viên ngọc này hiện là tâm điểm để khai thác tiềm năng du lịch của Đồ Sơn.
Sử sách 4.000 năm từ thời vua Hùng dựng nước đã nhắc đến Đồ Sơn với tên gọi Bộ Thang Truyền. Có nơi thì gọi núi ở đây là Cửu Long - chín rồng với câu ca rằng: "Chín con theo mẹ ròng ròng. Còn một con út nẩy lòng bất nhân".
Nhờ “thế núi thò chân xuống biển” tạo nên phong cảnh “non nước hữu tình” đặc biệt nên sang đến thế kỷ 19, Đồ Sơn được người Pháp xây dựng thành khu nghỉ mát nổi tiếng cho sĩ quan và giới thượng lưu. Bến Nghiêng và đảo Dấu thì nằm trong kế hoạch xây dựng Hải Phòng thành cảng biển quốc tế, cửa ngõ ra biển Đông của miền Bắc nên được biết đến rất sớm trên bản đồ hàng hải thế giới.
Từ bến Nghiêng, tàu du lịch chỉ mất 10-15 phút để đưa chúng tôi cập bến Hòn Dấu (Hòn Dáu). Anh lái tàu vui tính, vừa điều khiển vừa liến thoắng tranh thủ giới thiệu về Hòn Dấu cho du khách. Một kiểu giao tiếp mộc mạc đặc trưng người vùng biển.
Xuống tàu, việc đầu tiên chúng tôi làm là tìm đến đền thờ Nam Hải Thần Vương núp dưới những tán đa cổ thụ nhỏ bé đơn sơ. Tương truyền, trong một dịp vua Tự Đức ra Bắc, thuyền của ngài gặp sóng to gió lớn đã ghé đền khấn vái và bỗng chốc trời quang mây tạnh. Từ đó, người dân mỗi lần đi qua đây đều phải hạ buồm vào đảo thắp hương cầu xin ngài đi biển bình yên và đánh được nhiều tôm cá.
Sự thành kính với ngài không chỉ thể hiện qua khói nhang nghi ngút quanh năm mà còn qua việc du khách hầu như không dám ngắt lá, bẻ cành cây trên đảo. Thế nên những khu rừng nguyên sinh trăm tuổi ở Hòn Dấu bốn mùa đều xanh um, tạo nên một không gian trong lành, u nhã. Du khách tới tham quan được tự do thả hồn theo tiếng gió, tiếng sóng biển nhẹ nhàng vỗ vào bờ đá.
Theo con đường nhỏ gần 600m mát rượi, tôi đến thăm cây đèn biển hơn trăm tuổi được mệnh danh là “mắt ngọc” của Tổ quốc. Tòa tháp cao như một pháo đài vút lên giữa đảo thiêng cùng ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu thuyền trở về bến đậu. Từ trên đỉnh, phóng mắt ra xa còn có thể nhìn thấy toàn cảnh khu lịch Đồ Sơn yên bình bên bờ cát dài.
Nếu muốn thưởng thức nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng duyên hải ven biển, du khách có thể tới đây vào 9/8 Âm lịch hàng năm để tham gia lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Trâu trọi được tuyển chọn, nuôi riêng chuồng. Sau khi làm lễ tế thần thì chính thức được gọi là "Ông trâu", là biểu tượng của tâm linh, niềm tin và ước vọng của người dân. Theo quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển.
Nan giải bài toán phát triển du lịch và bảo vệ môi trường biển
Ngay khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào vận hành, lượng khách du lịch ngắn ngày đổ về Đồ Sơn ngày một đông, kèm theo đó là sự xây dựng ồ ạt các khu lưu trú và ẩm thực. Hình hài hoang dã của bờ bãi được sửa sang liên tục sau mỗi mùa gồng lên đón khách. Cuộc chiến giữ gìn sự trong sạch của môi trường biển bỗng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Thậm chí để phát triển du lịch, Đồ Sơn đã phải hi sinh một số quyền lợi như: cho phép quai đê lấn biển để xây các khu resort, nghỉ dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách tham quan. Song song với đó là tìm ra giải pháp điều hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường du lịch biển; giải pháp để du lịch Đồ Sơn sớm cải thiện chất lượng theo hướng nhân văn hơn, coi “Thượng đế” là ‘khách hàng’ chứ không là ‘hàng hóa’.
Và ở một góc độ nào đó, có lẽ Đồ Sơn đang làm những việc khó khăn với mình để hoàn thành trách nhiệm của một vùng đất giàu tiềm năng du lịch.
Chiều tối khi đi dạo từ biển về, chúng tôi gặp chị Đậu đang thu gom bề bề để mang vào chợ. Những con bề bề to mọng quấn quýt vào nhau trong chậu. Bề bề là nguồn hải sản đang làm tăng thêm thu nhập cho người dân ở đây vì những thứ quý hiếm đánh bắt mãi cũng… hết.
Biển Đồ Sơn của chị là một phần quê đau đáu với những cơn gió thổi căng bầu trời mùa hạ, với mùi ‘thơm’ của tôm cá tươi ngon, với nụ hôn đầu đời bên chân sóng chồm nghiêng ngả khi vào bờ. Câu nói của người đàn bà vùng biển bất chợt gieo vào tôi nhưng suy nghĩ vẩn vơ...
Con người Đồ Sơn mang trong mình cái chất phóng khoáng của vùng đất cảng nổi danh lãng bạt nhưng lại rất lãng mạn và sâu sắc. Mảnh đất này cũng đã sinh ra nhiều nhà văn nghệ sĩ thời đại và cả những nhà triết lý đời thường… như “chị” nữa.
Tiếng mua bán, mặc cả, xôn xao cả một vùng - thứ âm thanh lâu đời nhất, ám ảnh nhất của khởi thủy buôn bán, giao thương ngày xưa làm tôi thoát khỏi ý nghĩ trong đầu. Giờ thì tôi đã biết dù một hạt phù sa từ đâu chảy về với biển Đồ Sơn cũng là mang theo bình yên đến mảnh đất này.
Suy nghĩ khác về vùng biển Đồ Sơn, thiện cảm, gần gũi hơn là hành động thiết thực nhất để Đồ Sơn tiếp tục vững bước trên con đường phát triển du lịch của mình. Ngày mai tôi quay lại phía cuối sông Lạch Tray và Văn Úc (con sông đổ phù sa về biển), sẽ mang theo hình bóng Đồ Sơn của ngày hôm nay...
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com