Các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn đoán sai về những trở lực đối với kinh tế toàn cầu. Đây không phải là một vấn đề mang tính chu kỳ ngắn hạn, mà hơn hết, đó là sự mất cân xứng mang tính cấu trúc dài hạn, bắt nguồn từ những mất cân bằng thương mại dai dẳng. Hệ quả là, nhiều quốc gia thực thi các chính sách thao túng tiền tệ, cũng như các động thái bảo hộ thương mại.
Trước kỷ nguyên toàn cầu hóa, các nhà quản lý Mỹ chỉ cải thiện hiệu quả sản xuất bằng cách thay thế nguồn lực lao động trong các nhà máy nội địa. Khi toàn cầu hóa diễn ra, giám đốc điều hành nhiều tập đoàn lớn đã quyết định đưa toàn bộ các nhà máy này ra nước ngoài theo hình thức “sử dụng nguồn lực bên ngoài” (offshore) để tối đa hóa lợi nhuận.
Xu hướng “offshore” này phản ánh qua những số liệu thống kê, khi ngành chế tạo Mỹ đang thu hẹp lại nhanh chóng. Giai đoạn thập niên 70 của thế kỷ trước, ngành chế tạo Mỹ tuyển dụng tới 20% lực lượng lao động. Thế nhưng, hiện nay, con số này giảm mạnh, chỉ còn khoảng 8%, trong đó trên 5 triệu việc làm ngành chế tạo đã “biến mất” kể từ năm 2000 đến nay.
Những người theo quan điểm chỉ trích ngành chế tạo Mỹ có thể viện dẫn trường hợp của Đức và Nhật Bản, 2 quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực tự động hóa, song vẫn duy trì từ 17-20% lực lượng lao động trong ngành này. Bên cạnh đó, một điểm đáng quan ngại là cơ sở chế tạo của Mỹ đang bị thu hẹp và tỷ lệ năng suất lao động cũng sụt giảm.
Trong giai đoạn thập niên 70 của thế kỷ trước, mức tăng chi phí đơn vị lao động của Mỹ là 6,8%/năm, song đã giảm xuống 3,6%/năm giai đoạn thập niên 1980; 1,6%/năm giai đoạn thập niên 1990 và khoảng 1,2%/năm hiện nay. Sự sụt giảm năng suất cũng được phản ánh qua xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ gia tăng.
Cũng trong giai đoạn thập niên 70, tổng FDI của Mỹ ra nước ngoài là 109,2 tỷ USD. Sau toàn cầu hóa, FDI tăng tới 59,2% lên 174,8 tỷ USD giai đoạn thập niên 80; 1.100 tỷ USD giai đoạn thập niên 90 và lên tới 3.000 tỷ USD trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.
Tất nhiên, không phải tất cả dòng vốn FDI của Mỹ chảy ra bên ngoài đều bắt nguồn từ hoạt động “offshore”. Tuy nhiên, sự suy giảm trong tuyển dụng lao động ngành chế tạo, năng suất lao động, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và tình trạng đình trệ lương của người lao động là những tác nhân tạo ra sự mất cân bằng thương mại.
Một nghiên cứu chung của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Trường Quản lý kinh doanh Yale School cho thấy, khoảng 18% sự sụt giảm lao động trong ngành chế tạo Mỹ từ năm 2001 đến 2007 có liên quan tới quyết định của cựu Tổng thống Bill Clinton, nhằm trao cho Trung Quốc vị thế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn như là một phần để Bắc Kinh có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001.
Bài học lớn hơn là trong khi xuất khẩu thực sự tạo ra việc làm, thì chính xuất khẩu ròng là vấn đề đáng tranh cãi. Khi các quốc gia như Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại sâu sắc với một số nền kinh tế, còn Trung Quốc thì không cho phép các động thái tự do tiền tệ để cân bằng thương mại, điều tồi tệ cuối cùng sẽ xảy ra dưới các hình thức khác nhau: tăng trưởng chậm lại, năng suất suy giảm và đình trệ lương bổng lao động.
Bối cảnh kinh tế đó chính là những gì mà bản thân nước Mỹ phải tìm cách vượt qua và không có gì ngạc nhiên khi tỷ phú Donald Trump lại trở nên nổi tiếng và được không ít người ủng hộ như vậy. Giống như Ronald Reagan trong thập niên 80, ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa thừa hiểu các khó khăn kinh tế Mỹ chỉ có thể được giải quyết thông qua các cải cách cấu trúc toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và chính sách thuế.
Nhiệm vụ của ông Trump là phải hồi sinh kinh tế Mỹ và khôi phục lòng tin vào trật tự thương mại toàn cầu. Điều này cũng đặc biệt đúng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ là “lá bài chủ” mà ông Trump muốn hướng tới, nhằm thu hẹp khoảng cách ủng hộ với đối thủ Hilary Clinton.